Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chế ảnh ăn theo vụ sàm sỡ trong thang máy: Chuyện vui lắm hay sao?

Xuất hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây, những bức ảnh chế về mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội thu về nhiều ý kiến trái chiều.

"Sài Gòn dễ kiếm tiền. Sáng giờ lên xuống 5 chuyến thang máy làm một củ (một triệu) ấm nguyên ngày", trang cá nhân của D.L. đăng tải dòng trạng thái này, kèm theo bức ảnh tạo dáng trong thang máy với tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng.

Nếu theo dõi thời sự những ngày qua, không khó để nhận ra D.L. đang ám chỉ đến vụ việc cô gái bị gã biến thái Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ trong thang máy. Bài đăng đem về cho D.L. hàng nghìn like (thích) và bình luận.

Tuy nhiên, cái gì cũng nên có mức độ, nhất là khi nguồn cơn của những bức ảnh chế này xuất phát từ sự việc chẳng lấy gì làm hài hước.

Thể hiện sự bức xúc hay ăn theo nông cạn?

Có thể nói, việc cô gái bị quấy rối tình dục ở khu chung cư Golden Palm (Thanh Xuân, Hà Nội) vào đầu tháng 3 là câu chuyện thu hút sự chú ý của truyền thông và mọi người về vấn đề quấy rối tình dục ở Việt Nam.

Vấn đề này không mới, hành động bỉ ổi như của Đỗ Mạnh Hùng cũng không phải là vụ việc đầu tiên bị tố cáo. Tuy nhiên, chính mức phạt dựa theo pháp luật hiện hành quá nhẹ, không đủ sức răn đe, cộng thêm thái độ lần khất, không chịu hợp tác của kẻ quấy rối là nguyên nhân làm bùng lên sự giận dữ trong cộng đồng mạng.

Không chỉ D.L., sau khi mức phạt 200.000 đồng dành cho hành vi thiếu văn hoá của Đỗ Mạnh Hùng được công bố, trên mạng xã hội nhanh chóng xuất hiện những bức ảnh chế tương tự với nội dung châm biếm. Nhiều người cho hay đây là cách để họ thể hiện sự bức xúc của bản thân về cách giải quyết của vụ việc này.

"Sáng vừa bước vào thang máy gặp một bạn. Thang máy đóng bạn bảo: 'Giờ trong thang máy chỉ mất 200k thôi nên anh em cứ chuẩn bị sẵn'. Mình gật gù: 'Ừ! Mình chuẩn bị hay cậu chuẩn bị nhỉ?' Thế là cùng phá lên cười. Tấn công tình dục xong bị phạt có 200.000 đồng", một bài đăng khác ẩn ý khác kèm hình minh họa cũng nhận được hàng nghìn biểu tượng cảm xúc trên một diễn đàn đông thành viên.

Nửa tháng trở lại đây, Ngọc Quỳnh (23 tuổi, nhân viên marketing) "phát mệt" khi lướt mạng xã hội vì tràn ngập những câu chuyện, hình ảnh ăn theo vụ 200.000 đồng: "Chẳng biết trong số những người hào hứng chia sẻ, bình luận về vụ này, có bao nhiêu người thực sự bức xúc về mức phạt nhẹ cho tên 'yêu râu xanh' và tình trạng quấy rối đáng báo động ở Việt Nam, có bao nhiêu người là a dua, ăn theo một cách cợt nhả nữa".

Trước đó, nhiều dân mạng cũng từng đòi tẩy chay Đỗ Việt Hùng như dán ảnh hắn ở nơi công cộng, cửa thang máy để cảnh báo người dân. Một số chủ cửa hàng, quán ăn cũng thông báo sẽ không phục vụ tên này.

Cái gì cũng nên có mức độ

Những năm gần đây, Internet meme (gọi tắt là meme/ảnh chế) là một phần quen thuộc của nhiều người dùng mạng xã hội. Những hình ảnh, khoảnh khắc "đắt giá" của nhân vật được dân mạng chế thêm câu thoại phù hợp với biểu cảm, trở thành công cụ biểu đạt cảm xúc, ý kiến cá nhân một cách hài hước khi tham gia mạng xã hội.

Tuy nhiên, hài hước thì nên đúng lúc, đúng chỗ, không phải bạ cái gì cũng đem ra chế được.

Đầu tháng 1 vừa qua, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 1, xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức, Long An. Xe đầu kéo container lưu thông hướng Tiền Giang đi TP.HCM tông vào 25 xe máy đang dừng đèn đỏ khiến 4 người tử vong, 18 người bị thương. Con số thương vong lớn khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Tuy nhiên sau vụ tai nạn, xuất hiện nhiều clip, ảnh chế về việc dừng đèn đỏ khi đang lưu thông trên đường.Trong số đó, không phải hình ảnh nào cũng có giá trị nhắc nhở hay cảnh báo an toàn cho mọi người. Một số chỉ có tính chất đùa vui. Thậm chí, thái độ cười cợt, chế nhạo của những người thực hiện và một bộ phận dân mạng hưởng ứng theo phong trào này nhận nhiều chỉ trích.

sam so trong thang may phat 200k anh 8
Bức ảnh dàn dựng cảnh tượng tai nạn giao thông của học sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) từng bị chỉ trích. Ảnh: Fanpage trường THPT Hai Bà Trưng, Huế.

Trước đó, nhóm học sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) từng bị cộng đồng mạng "ném đá" khi dàn dựng cảnh tượng tai nạn giao thông. Hành động nhanh này cũng chóng bị dân mạng lên án vì cho rằng bức ảnh quá phản cảm và chỉ có mục đích "câu like".

Câu chuyện 200.000 đồng này cũng vậy. Vẫn biết hành vi đáng khinh của kẻ biến thái nên bị trừng trị thích đáng bằng cả bản án của pháp luật và sự lên án của cộng đồng. Tuy nhiên, không nên lấy đó làm cái cớ để cho ra đời những hình ảnh thiếu nghiêm túc, "xát muối" thêm vào vết thương vốn chưa kịp khép miệng của nạn nhân.

"Không cô gái nào muốn gặp phải sự việc uất ức trong thang máy như nữ sinh nọ cả. Mình cũng có một cô em gái. Đứng trên cương vị người thân, nếu em mình gặp phải tình huống tương tự, mình cũng chẳng bao giờ muốn điều đó trở thành đề tài bàn tán, chế ảnh cười cợt trên mạng", Minh Kiên (24 tuổi) chia sẻ.

Cô gái bị sàm sỡ trong thang máy: Mức phạt 200.000 đồng là một trò đùa Các bạn nữ Sài Gòn cho biết mức phạt trên là chưa thoả đáng, không đủ răn đe những kẻ yêu râu xanh, cảm thấy sợ hãi khi phải đi thang máy một mình.

Check-in - chỉ hai từ đơn giản mà sao khó làm đúng đến thế

Nào có ai ngăn cấm văn hóa selfie, check-in. Nhưng để người khác nói mình kém duyên thì buồn quá!

Mai An

Bạn có thể quan tâm