Trong quá trình điều trị, uống thuốc chống động kinh có thể làm giảm một số chất dinh dưỡng trong cơ thể như vitamin D, vitamin K, calcium, magnesium, manganese, sodium và folat.
Tuy nhiên, ở đa số người bệnh dùng thuốc chống động kinh thì vấn đề này thường nhẹ và không nguy hiểm. Một số người bệnh dễ bị thiếu các vitamin như: người dùng thuốc chống động kinh liều cao, dùng nhiều thuốc chống động kinh, người già, trẻ đang phát triển, phụ nữ có thai, người nghiện rượu và những người ăn uống kém.
Do vậy, đối với những đối tượng này cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt.
Chế độ ăn cho người bệnh động kinh
Đối với người bệnh động kinh mắc một số bệnh lý kèm theo thì cần có một chế độ riêng biệt của các bác sĩ chuyên khoa. Còn nói chung, người mắc bệnh động kinh cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để duy trì tình trạng sức khỏe chung.
Hằng ngày cần ăn nhiều trái cây và rau tươi, sữa, thịt và ngũ cốc để cung cấp đủ các loại vitamin cần thiết trong đó có vitamin B12 có nhiều trong sữa và thịt, vitamin K có trong rau xanh và các hạt ngũ cốc, vitamin D có trong trong dầu cá, thịt, sữa và được sản xuất trong cơ thể nhờ tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra người bệnh cần ăn đủ và đúng bữa. Cần được khám và kiểm tra bởi các bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc bổ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh không được uống rượu và hút thuốc lá vì dễ làm xuất hiện các cơn động kinh hơn, đặc biệt rượu còn có thể làm nặng hơn các tác dụng phụ do thuốc chống động kinh. Trong khi đó, nếu người bệnh đang hút thuốc lá mà có cơn động kinh có thể gây hỏa hoạn.
Đối với thai phụ mắc động kinh cần chú ý, vì phụ nữ mang thai bình thường cần bổ sung thêm nhiều vitamin và các chất khác vì nhu cầu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi.
Đối với người bị động kinh thì nhu cầu này cao hơn bình thường vì một số thuốc chống động kinh làm giảm một số chất quan trọng như folat, vitamin K. Khi folat giảm thì khả năng bào thai bị dị tật sẽ gia tăng, do vậy phải cung cấp đủ folat trước khi mang thai và trong suốt quá trình mang thai.
Để tránh hiện tượng thiếu vitamin K, người mẹ sẽ cần bổ sung thêm vitamin K mỗi ngày trong tháng cuối thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Vì vậy để không ảnh hưởng đến kết quả điều trị, ngoài việc uống thuốc theo liệu trình thì bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn, đủ lượng thức ăn và nước uống mà bác sĩ đã tư vấn cụ thể.