Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chelsea và những chiếc ‘xe buýt’ khó chịu nhất lịch sử

Lối chơi của Chelsea khiến những người yêu bóng đá đẹp phải tức “anh ách”, nhưng khi hiệu quả trong bóng đá được đặt lên hàng đầu, nhiều đội bóng sẵn sàng phòng ngự triệt để.

Jose Mourinho và Chelsea đã “dựng cả 2 chiếc xe buýt trước khung thành” (lời Brendan Rodgers) trong trận đấu tại Anfield. Họ chấp nhận làm đội cửa dưới, rình rập cơ hội phản công, trông chờ đối phương mắc sai lầm để tìm kiếm bàn thắng. Liverpool đã không thể xuyên thủng bức tường phòng ngự vững chãi của Chelsea để rồi chuốc lấy thất bại khi Demba Ba và Willian ghi 2 bàn thắng nhờ tận dụng tối đa sai lầm của Gerrard cùng hàng thủ đội chủ nhà.  

Mourinho đã biến Chelsea thành một cỗ máy phòng ngự tuyệt vời, hóa giải thành công 2 hàng công mạnh nhất giải NH Anh mùa này là Man City và Liverpool.
Mourinho đã biến Chelsea thành một cỗ máy phòng ngự tuyệt vời, hóa giải thành công 2 hàng công mạnh nhất giải NH Anh mùa này là Man City và Liverpool.

Chiến thắng đó cùng với việc Chelsea đã chơi tương tự trước Atletico Madrid để có được trận hòa quý giá tại bán kết Champions League trên sân đối phương bị những người phản đối gọi là lối chơi “phản bóng đá”. Tuy nhiên, khi bóng lăn trên sân để tìm ra kẻ thắng, người thua, Mourinho vẫn cứ được xem là một thiên tài nhờ kết quả đã đạt được.

Trong quá khứ đã có không ít đội bóng chơi thực dụng, toan tính hơn The Blues của Mourinho rất nhiều. Dưới đây là những đội bóng điển hình nhất.

Argentina 1990

Argentina không có được những cầu thủ xuất sắc, đồng đều tại World Cup 1990 nên chọn lối chơi rất thực dụng.
Argentina không có được những cầu thủ xuất sắc, đồng đều tại World Cup 1990 nên chọn lối chơi rất thực dụng.

World Cup 1990 chỉ đạt tỷ lệ 2,21 bàn/trận, thấp nhất trong lịch sử giải đấu. Điều này lý giải vì sao ĐKVĐ Argentina có thể đi đến trận chung kết cho dù đạt tỷ lệ ghi bàn còn nhỏ hơn cả 1 bàn/trận. Đó là giải đấu tẻ nhạt, khô khan, không có những bữa tiệc của bóng đá tấn công.

Khác với lần đăng quang trước đó 4 năm nhờ cảm hứng từ Maradona, Argentina đã chơi rất toan tính, thực dụng đến tàn khốc. Dưới sự dẫn dắt của HLV Billardo, Argentina chỉ ghi được 5 bàn trong 7 trận đấu tại giải. Họ vượt qua Brazil tại vòng 1/16 với tỷ số 1-0 dù bị ép toàn diện.

Sau đó, Argentina đánh bại Nam Tư và Italia đều bằng những loạt sút luân lưu 11m. Ở trận chung kết, Tây Đức phải chờ đến phút 85 mới đánh bại được Argentina để lên ngôi vô địch.

Arsenal 1992- 1995

Trước khi Arsene Wenger đến, Arsenal từng có lối chơi rất chán nản.
Trước khi Arsene Wenger đến, Arsenal từng có lối chơi rất chán nản.

Khẩu hiệu: “Nhàm chán, nhàm chán Arsenal” trở nên nổi tiếng trong thập niên 90 thế kỷ trước. Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV George Graham trình diễn thứ bóng đá vô cùng thực dụng, chú trọng đến kết quả, không quan trọng việc có bàn thắng hay không.

Graham đến Arsenal từ năm 1986 nhưng phải đến năm 1992 ông mới vứt lối chơi tấn công vào sọt rác. Trong 3 mùa bóng cuối cùng dẫn dắt Pháo thủ, số bàn thắng mà các cầu thủ ông ghi được trong 1 mùa giải chỉ là 40, thấp hơn nhiều so với con số 66 bàn/mùa ở 6 mùa bóng trước đó.

Bộ tứ Tony Adams, Lee Dixon, Steve Bould và Nigel Winterburn được xem là một trong những hàng phòng ngự vững chắc nhất lịch sử. Lối chơi này giúp Arsenal trở thành đội bóng Anh đầu tiên đoạt cú đúp FA Cup và League Cup vào năm 1993.

Hy Lạp 2004

Hy Lạp vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để lên ngôi vô địch Euro 2004.
Hy Lạp vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để lên ngôi vô địch EURO 2004.

Chiến thắng của Hy Lạp tại EURO 2004 vẫn là câu chuyện cổ tích đẹp nhất trong bóng đá hiện đại mà một đội bóng tí hon đã làm được. HLV của Hy Lạp khi đó là Otto Rehhagel nhận thấy đội bóng của ông còn lâu mới được xem là đội bóng mạnh của giải, cũng chẳng có một ngôi sao xuất sắc để làm điểm tựa.

Trên cơ sở đó, ông cho Hy Lạp chơi… tử thủ. Các cầu thủ nhẫn nhịn, đeo bám dai dẳng, sẵn sàng phạm lỗi, nhận thẻ miễn sao bảo vệ được mành lưới trước khi kết liễu đối phương bằng những tình huống cố định. Lối chơi của Hy Lạp bị “ném đá” dữ dội nhưng Rehhagel tỉnh bơ: “Mọi người cho rằng chiến thuật của tôi là không hiện đại nhưng bóng đá hiện đại là thi đấu và giành chiến thắng”.

La Grande Inter (Inter vĩ đại)

Inter Milan của Herrara là đội bóng chơi phòng ngự thành công nhất trong lịch sử.
Inter Milan của Herrara là đội bóng chơi phòng ngự thành công nhất trong lịch sử.

Inter trong những năm 1960 thế kỷ trước nổi tiếng với lối chơi catenaccio - trong tiếng Italia có nghĩa là “cái then cửa”. Đây là lối chơi phòng ngự - phản công vô cùng tinh vi, khó chịu.

Inter khi đó được dẫn dắt bởi HLV huyền thoại Helenio Herrara thường cố gắng có được bàn thắng sau những pha phản công chớp nhoáng rồi lui về đổ bê tông phòng ngự. Lối chơi này giúp Inter 3 lần VĐQG vào các năm 1963, 1965 và 1966 cùng 2 lần vô địch Cup C1 liên tiếp vào các năm 1964, 1965.

Rangers 2008

HLV Walter Smith từng dẫn dắt Everton cũng như làm trợ lý cho Alex Ferguson.
HLV Walter Smith từng dẫn dắt Everton cũng như làm trợ lý cho Alex Ferguson.

Catenaccio chuyển thành Waltenaccio là cụm từ mà người ta nhớ đến HLV Walter Smith cùng các cộng sự ở mùa bóng 2007 - 2008 khi Rangers thi đấu tại châu Âu. Lionel Messi lúc đó đã rất cay cú với lối chơi của đội bóng đến từ Scotland khi Barca bị cầm chân 0-0 tại Champions League: “Rangers không muốn chơi bóng. Họ tập phản công ngay từ những phút đầu tiên”.

Sau khi chuyển xuống chơi tại UEFA Cup, Walter Smith tiếp tục cho Rangers chơi siêu phòng ngự. Họ chỉ ghi được 5 bàn trong 8 trận đấu nhưng vẫn vào đến chung kết trước khi chịu thua Zenit.

Stoke City 2008 - 2013

Lối chơi của Stoke City khiến khó ai có thể yêu mến họ được.
Lối chơi của Stoke City khiến khó ai có thể yêu mến họ được.

Kể từ khi lên chơi tại giải NH Anh vào năm 2008, Stoke City được biết đến như đội bóng chơi rất khó chịu, phòng ngự triệt để. Các đối thủ của Stoke City rất ngán lối chơi chẳng ngại va chạm, sẵn sàng phạm lỗi, thậm chí rắn quá mức của đội bóng này.

Dưới sự dẫn dắt của Tony Pulis, Stoke City luôn có 1 vị trí an toàn. Tuy nhiên, người hâm mộ của The Potters vẫn mong muốn đội bóng chơi phóng khoáng, đẹp mắt hơn. Đó là lý do khiến Tony Pulis rời đội bóng vào mùa hè năm ngoái.

Hoàng Tâm

Ảnh: Getty Images

Bạn có thể quan tâm