Rạng sáng 18/8, ông N.P.C. (44 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cùng một số người đến quán karaoke ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. Sau đó, nhóm này mâu thuẫn với nhân viên của quán hát. Trong lúc xô xát, một nhân viên đã dùng hung khí chém gần lìa cánh tay phải ông C.
Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện TP Thủ Đức cấp cứu. Sau khi nối cánh tay cho bệnh nhân, các bác sĩ đang theo dõi tình trạng sức khỏe của ông C.
Cảnh sát đã triệu tập một số người liên quan. Với hậu quả như trên, nghi phạm chém người sẽ đối diện hình phạt nào?
Nạn nhân được bác sĩ nối cánh tay. Ảnh: T.L. |
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị
Trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ nhiều yếu tố như ý chí chủ quan của nghi phạm khi thực hiện hành vi; phương thức, cách thức hành động; mối quan hệ nhân quả giữa mâu thuẫn giữa các bên với hậu quả ông C. bị chém lìa tay, và mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân...
Những yếu tố trên sẽ quyết định các trường hợp pháp lý có thể xảy ra:
Nếu nghi phạm chém vào những vùng trọng yếu, có nguy cơ tước đoạt tính mạng ông C. như đầu, cổ nhưng nạn nhân giơ tay đỡ được, dẫn đến hậu quả bị đứt lìa bàn tay, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu nghi phạm không chém vào những vị trí có thể gây tổn hại lập tức tới tính mạng nạn nhân, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Cơ quan chức năng sẽ giám định mức độ thương tật của nạn nhân, từ đó áp dụng tình tiết định khung phù hợp đối với nghi phạm.
Trích dẫn quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, luật sư cho biết thương tích của ông C. có thể thuộc nhóm thương tật quy định tại Mục VI, Chương 7 Thông tư này. Cụ thể, với trường hợp cụt mất năm ngón tay hoặc vết cắt rộng tới xương bàn tay, tỷ lệ thương tật của nạn nhân sẽ rơi vào khoảng 47-50%. Trường hợp cụt một cẳng tay, đường cắt 1/3 giữa trở xuống, mức độ tổn hại sức khỏe sẽ là 51-55%.
Như vậy, kết quả giám định thương tật của nạn nhân nhiều khả năng sẽ nằm ở khoảng 31% đến dưới 60%. Theo quy định tại khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân nằm ở mức này, khung hình phạt với người phạm tội sẽ là 2-6 năm tù.
Với việc sử dụng hung khí nguy hiểm chém đứt lìa tay nạn nhân, nghi phạm có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với mức án tối đa là 10 năm tù.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ xác định trong lúc xô xát, nghi phạm có bị nhóm của ông C. hành hung, đánh đập dẫn đến tinh thần bị kích động mạnh và có động thái đáp trả như trên hay không. Trường hợp có căn cứ xác định nghi phạm gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tùy thuộc tính chất hành vi, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125) hoặc Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135) thuộc Bộ luật Hình sự 2015.
Về trách nhiệm dân sự, người gây án phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho nạn nhân và gia đình. Mức độ bồi thường do các bên thỏa thuận, dựa trên những chi phí phát sinh trên thực tế và căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.