Được nghỉ Tết muộn nên đến chiều 30/1, Diễm Trinh (23 tuổi, ngụ quận 8) mới bắt đầu mua quần áo mới. Cô cùng bạn trai chạy xe gần 10 km đến cửa hàng thời trang yêu thích trên đường Trần Quang Diệu (quận 3) để sắm sửa.
“Do bận rộn thu xếp công việc, tôi chưa kịp tính xem sẽ diện trang phục gì trong ngày đầu năm. Thú thật, tôi không kỳ vọng nhiều vì vào tiệm nào cũng gặp cảnh chen chúc, lại dễ hụt mất mẫu đẹp nếu chậm tay”, Trinh bày tỏ.
Liên tục ướm thử các mẫu áo khác nhau, Diễm Trinh vẫn chưa tìm được món ưng ý để phối với chân váy có sẵn ở nhà. Cả 2 dự định dạo quanh khu phố này vài vòng để xem thêm.
“Các tiệm đang đồng loạt sale mạnh nên tôi nghĩ chỉ cần chi khoảng 2-3 triệu đồng cho quần áo đón Tết. Hy vọng săn được vài kiểu đồ có màu sắc tươi sáng để năm mới thêm phần may mắn”, cô nói.
Khung cảnh nhộn nhịp tại các tiệm quần áo chiều tối 28 Tết. |
Theo ghi nhận của Zing vào chiều 28 Tết, những con phố thời trang quen thuộc với giới trẻ TP.HCM như Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), Trần Quang Diệu, Võ Văn Tần (quận 3) đón lượng lớn người đổ về mua sắm.
19h, không khí tại những nơi này trở nên nhộn nhịp, xuất hiện tình trạng ùn ứ xe cộ qua lại. Nhiều cửa tiệm thi nhau treo biển giảm giá, xả hàng để thu hút người đi đường.
Bên trong, quản lý và nhân viên liên tục treo thêm quần áo mới lên kệ để đáp ứng sức mua tăng mạnh trong những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu.
Háo hức mua sắm
Tranh thủ thời gian rảnh, Như Thy (23 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cùng 2 bạn thân đến cửa hàng quen để chọn thêm vài món cho tủ quần áo Tết. Nhóm bạn khá bất ngờ khi khu vực thử đồ không hoạt động.
“Đang trong đợt giảm giá lớn, lượng khách đổ về quá đông nên tiệm không cho thử đồ. Tôi vừa lựa được trang phục hợp mắt song sợ bị chật vì không phải size thường mặc. Hơi bất tiện một chút nhưng đành chịu”, Thy thở dài.
Theo cô, việc đóng phòng thử đồ là chuyện thường gặp trong những dịp sale cuối năm.
“Tôi thông cảm cho các tiệm vì đây là cách đảm bảo quyền lợi chung, hạn chế mất thời gian và ảnh hưởng đến trải nghiệm mua hàng của khách. Dù vậy, tôi vẫn thích đến những nơi cho thử đồ hơn, tránh mua phải trang phục không hợp dáng người”.
Nhiều khách hàng ngần ngại khi một số tiệm đóng phòng thử đồ. |
Tranh thủ tan làm sớm, Ngọc Ánh (25 tuổi, ngụ quận 10) quyết định dừng chân tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) để chọn đồ. Ánh cho biết cô thích tận hưởng không khí mua sắm nhộn nhịp, rộn ràng vào mỗi dịp Tết.
“Thời điểm này những năm trước, tôi đã đi hết các cửa hàng quen để ngắm nghía và chọn lựa. Năm nay không có nhiều thời gian nên tôi chỉ tập trung vào những món cần thiết”, cô gái bày tỏ.
Theo kế hoạch, Ánh sẽ dành ra khoảng 7-8 triệu đồng để sắm áo quần, phụ kiện và giày dép.
“Do định làm việc xuyên Tết, tôi phải tranh thủ sắm đồ khi có thời gian rảnh. Tôi thấy chi như vậy là vừa đủ. Vì đã làm việc vất vả cả năm, đây xem như là khoản tự thưởng cho bản thân”, Ánh nói.
Các tuyến phố mua sắm chật kín người và xe cộ. |
Ngưng nhận khách vì quá đông
“Chị đợi một chút, phòng thử đồ bên em đang hết chỗ ạ”, vừa hướng dẫn khách xếp hàng, Thu Hằng (21 tuổi), nhân viên tại một tiệm thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), vừa nhanh tay tìm size quần áo theo yêu cầu của quản lý.
Hằng cho hay trong tuần cuối cùng trước Tết, ngày nào cô và các đồng nghiệp cũng bận rộn đón khách đến tối muộn.
Do diện tích của cửa hàng nhỏ, chỉ chứa được 25-30 người nên khi bên trong quá tải, nhân viên bảo vệ sẽ ngưng nhận thêm khách.
“Năm nay bên tôi không có chương trình ưu đãi, nhưng lượng người đến mua sắm vẫn tăng cao. Khung giờ đông nhất là tầm 19h-20h30. Nhiều lúc, vừa trưng mẫu mới lên kệ đã cháy hàng trong một buổi tối. Khách đến sau hỏi mua nhưng chúng tôi đành hẹn ghé lại hôm khác”, Hằng chia sẻ.
Theo quan sát của Hằng, số người sắm Tết muộn cao hơn năm ngoái. Vì thế, các thương hiệu thời trang phải chạy đua để kịp chuẩn bị nhân lực, hàng hóa.
Hiện nơi Hằng làm việc có 3-4 nhân viên cho mỗi ca trực. Vào giờ cao điểm, tất cả phải tăng tốc để kịp phục vụ yêu cầu của khách hàng. Hằng cho biết thêm cửa hàng của cô sẽ mở cửa đến 22h ngày 31/1, khai trương trở lại vào 6/2.
“Mai là ngày cuối chắc sẽ còn đông hơn nữa. Tôi và các đồng nghiệp đã chuẩn bị tinh thần, hy vọng mọi việc đều suôn sẻ”, Hằng nói.
Bãi giữ xe tại nhiều cửa hàng luôn trong tình trạng quá tải. |
Khung cảnh nhộn nhịp cũng diễn ra tại một cửa hàng trên đường Trần Quang Diệu (quận 3). Để đảm bảo không bỏ sót yêu cầu nào của khách, hơn 10 nhân viên phải thay nhau kiểm tra các khâu check-in, tư vấn, trưng bày quần áo, tính tiền.
“Do tiệm đang có chương trình giảm giá toàn bộ mặt hàng cho dịp Tết, lượng khách đến mua sắm tấp nập hơn bình thường. Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, bên tôi đã chủ động đóng khu vực thử đồ nhằm tránh tập trung đông người”, một nhân viên cho hay.