Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chết cũng không chịu ly hôn

Nhiều chị em quan niệm, đã lấy chồng thì sống làm người nhà chồng, chết cũng làm ma nhà chồng... nên dù cuộc hôn nhân bất hạnh đến đâu cũng quyết không ly hôn.

Chết cũng không chịu ly hôn

Ảnh minh họa

Nhiều chị em quan niệm, đã lấy chồng thì sống làm người nhà chồng, chết cũng làm ma nhà chồng... nên dù cuộc hôn nhân bất hạnh đến đâu cũng quyết không ly hôn.

>>''Nhắm mắt'' trước cảnh chồng trăng hoa
>>Hối hận vì dọa chồng ly hôn

Vợ chồng chị Biên có hai mặt con, đều đã lớn. Chồng chị Biên là bộ đội phục viên, cả gia đình sống trong một căn hộ chung cư chật chội ở Hà Nội. Lương cán bộ truyền thông của chị cũng không khá giả gì, nên cuộc sống gia đình tương đối chật vật. Anh Hòa, chồng chị cũng làm đủ nghề, nhưng kiếm được bao nhiêu thì nướng vào rượu chè, đề đóm hết.

Khi hai đứa con lớn, càng nhiều khoản phải chi tiêu nên chị Biên đề nghị anh đóng góp tài chính cho gia đình. Cũng từ đó, vợ chồng chị sinh ra căng thẳng. Việc phải đóng góp tiền hàng tháng khiến cho anh Hòa như phát điên. Mỗi lần chị Biên hỏi tiền chồng là y như rằng sẽ bị ăn đòn. Ban đầu anh chồng đánh chị vì tội dám hỏi tiền, về sau thì anh ta thượng cẳng tay, hạ cẳng chân bất kể vì lý do gì. Lần gần đây nhất, chị Biên bị chồng đấm vào mặt chỉ vì cái cốc nước để không đúng chỗ.

Cuộc sống gia đình chị Biên kéo dài trong địa ngục như vậy suốt gần chục năm nay. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi chị Biên vào giai đoạn mãn kinh, cũng là thời điểm chị bị đánh nhiều nhất. Trước đây, khi chị còn trẻ, dù vợ chồng xô xát, nhưng có “chuyện ấy” nên mọi việc cũng dễ cho qua hơn. Nhưng bây giờ, chị không còn có cách gì để cứu vãn được nữa.

Mỗi lần đi làm, mang bộ mặt thâm tím đến cơ quan, chị Biên lại phải nói dối với mọi người vì không muốn ai biết mình bị chồng đánh. Mặc dù không thể chịu đựng thêm được nữa, nhưng chị Biên vẫn không muốn ly hôn. Chị muốn nhờ một đơn vị nào đó tác động để cảnh tỉnh chồng, ngăn chặn những hành động bạo hành trái pháp luật đó. Nếu không ngăn được thì chị vẫn phải chấp nhận số phận. Chị nghĩ, mình đã sắp tuổi về hưu, sắp đi hết cuộc đời, đã chịu đựng được đến ngày hôm nay thì chịu thêm một quãng thời gian nữa, để khi chết đi không phải chịu kiếp “ma đói lang thang”.

Tương tự là trường hợp của vợ chồng một nhà thơ ở Hà Nội. Trước đây nhà thơ này đã phải gõ cửa đến tòa án và các cơ quan báo chí với hy vọng được ly hôn. Vợ anh nhất quyết không chấp nhận ly dị không phải vì tình yêu mà là vì cách nghĩ cổ hủ. Chị cho rằng, phụ nữ đã lấy chồng thì sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Chính vì vậy, mặc dù vợ chồng không còn tình cảm với nhau, nhưng chị vẫn quyết không ly hôn.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Hoa - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống, mặc dù chưa có cuộc điều tra nghiên cứu nào để xem có bao nhiêu phụ nữ mang tư tưởng cố sống, cố chết với hôn nhân nhưng thực tế có rất nhiều người mang quan niệm phong kiến nặng nề này. Đặc biệt là những phụ nữ trung tuổi, những người có trình độ học vấn thấp hoặc thành phần yếu thế trong xã hội.

Chuyên gia tư vấn Mai Hoa kể về một người bạn, khi tranh luận với chị về trường hợp đi ngoại tình bị chồng đánh đã cho rằng: Phụ nữ như vậy bị chồng đánh là đương nhiên. Phụ nữ khi đi lấy chồng là con của nhà người ta, sống làm người nhà họ, chết làm ma nhà họ. Dù chồng có làm sao thì vẫn là chồng mình. Bị đánh hay không là do mình mà ra.

Theo chuyên gia Lê Phương Anh - Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ, đây là một quan niệm khá tiêu cực của không ít phụ nữ. Chính bởi quan niệm này nên họ đã tự buộc mình vào những “luật lệ” hà khắc không đáng có.

Khi phụ nữ ngại ly hôn, mặc dù tình cảm vợ chồng từ lâu không còn thì đối với cả hai người, hôn nhân sẽ trở thành xiềng xích. Người vợ phải chịu biết bao sự giày vò của chồng nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, vẫn cố giữ hôn nhân bằng mọi giá. Đó là cách giải quyết không sáng suốt, vì người chồng có thể lấy cớ này để bạo hành.

Theo Gia đình & Xã hội

Theo Gia đình & Xã hội

Bạn có thể quan tâm