Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi 2 triệu USD mua 5 chiếc hộp chỉ để trưng bày

Nhiều người cho rằng quá lãng phí khi bỏ số tiền lớn để mua những bản sao của tác phẩm gốc "Brillo Box" của cố họa sĩ Andy Warhol.

5 chiếc hộp Brillo trong bộ sưu tập có giá gần 300 triệu yen. Ảnh: Yumiori Shimbum.

Tỉnh Tottori (Nhật Bản) có kế hoạch mở một bảo tàng nghệ thuật mới do chính phủ tài trợ vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp các tác phẩm để trưng bày, phía quản lý đã gây nên cuộc tranh cãi lớn với những gì họ chọn mua, Japan News đưa tin.

Cụ thể, những nhà lập kế hoạch mới đây đã chi gần 300 triệu yen (tương đương hơn 2 triệu USD) để mua những chiếc hộp giấy - là bản sao từ tác phẩm nghệ thuật gốc "Brillo Box" của cố họa sĩ người Mỹ Andy Warhol.

Tác phẩm được bảo tàng Tottori mua là "Brillo Boxes", bộ sưu tập gồm 5 bản sao hộp Brillo gốc được tạo ra năm 1964.

Theo giải thích của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, tác phẩm thể hiện rằng nghệ thuật nên bắt chước cuộc sống, vừa khiến người khác đặt câu hỏi về những gì chúng ta coi là nghệ thuật.

Các bản sao sẽ được trưng bày trong bảo tàng Tottori có năm sản xuất từ 1968 đến 1990.

nghe thuat dat do anh 1

Tác phẩm gốc "Brillo Box" của Andy Warhol sản xuất năm 1964.

Trong đó, một hộp có giá cao hơn những chiếc khác (68,31 triệu yen) vì là bản sản xuất năm 1968. Bốn chiếc còn lại có giá 55,78 triệu yen/hộp, được sản xuất năm 1990 với sự đồng ý của Warhol trước khi ông qua đời năm 1987.

Theo hội đồng giáo dục tỉnh, đơn vị có thẩm quyền đối với bảo tàng sắp khai trương, không có bảo tàng nào khác ở Nhật Bản có hộp Brillo.

"Ngoài khả năng thu hút đám đông, những chiếc hộp sẽ có tác dụng giáo dục, giúp khách tham quan nhìn mọi thứ theo cách linh hoạt từ góc nhìn mới", đại diện hội đồng cho biết.

Warhol được biết đến với nhiều tác phẩm nghệ thuật đại chúng mang tính biểu tượng, như bản in dựa trên ảnh của Marilyn Monroe và Elvis Presley. Bức chân dung Monroe của ông đã thu về 195 triệu USD trong cuộc đấu giá ở New York (Mỹ) hồi tháng 5.

Ông cũng rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Năm 2014, khoảng 280.000 người đã tới tham dự triển lãm "Andy Warhol: 15 Minute Enternal" tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori ở Tokyo trong 3 tháng tổ chức.

Tuy nhiên, việc chi một số tiền quá lớn để mua 5 chiếc hộp Brillo đã gây ra nhiều tranh cãi.

Theo pháp lệnh hiện hành, văn phòng tỉnh yêu cầu có sự chấp thuận của hội đồng tỉnh khi mua tài sản có giá 70 triệu yen trở lên. Nhưng sắc lệnh không áp dụng cho những chiếc hộp Brillo, vì bảo tàng mua chúng từng cái một (có giá trị dưới 70 triệu yen).

Trước khi mua hộp Brillo, đơn vị này đã mua một tác phẩm khác của Warhol là "Campbell's Soup Cans" với giá 45,54 triệu yen. Quá trình mua bán không xảy ra vấn đề vì văn phòng tỉnh đã nhận được sự chấp thuận từ một ủy ban chuyên gia bên ngoài.

nghe thuat dat do anh 2

Andy Warhol là nghệ sĩ nổi bật của thế kỷ 20.

Tới khi đệ trình mua những chiếc hộp Brillo vào tháng 7, nhiều thành viên hội đồng đã phản đối.

"Chúng (những chiếc hộp) chẳng nổi tiếng ở Nhật Bản chút nào. Chúng chỉ gây tiếng vang với người Mỹ thôi", một thành viên hội đồng tỉnh nêu quan điểm trong cuộc thảo luận.

Các thành viên khác cho rằng số tiền bỏ ra là quá đắt: "Rõ ràng 300 triệu yen là quá lớn. Tại sao phải mua tận 5 hộp mà không phải là một cái thôi".

Shinji Hirai, thống đốc Tottori, giải thích rằng các tác phẩm được các chuyên gia lựa chọn một cách cẩn thận trong một thị trường nơi các tác phẩm nghệ thuật liên tục tăng giá.

Trên mạng xã hội, nhiều người đưa ra quan điểm trái chiều về vấn đề này.

"Tôi nghĩ chúng ta nên để việc quyết định cho các chuyên gia như giám tuyển nghệ thuật. Tôi đồng tình với những gì bảo tàng quảng bá và ủng hộ họ", "Nghệ thuật hiện đại có thể khó hiểu, và giá của chúng càng khó hiểu hơn", "Tôi thấy chẳng có gì để bàn cãi vì trước khi mua họ đâu giải thích với người dân", nhiều tài khoản để lại bình luận.

Cuối cùng, những chiếc hộp đã được mua, vì vậy điều người dân có thể làm bây giờ là chờ đợi xem chúng có mang lại hiệu quả như mong đợi hay không.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Chuyên gia kinh tế cũng sập bẫy của 'ông hoàng đọc lệnh'

Những người là chuyên viên pháp lý, nhà tư vấn tài chính đã chia sẻ cách mình bị lừa đảo đầu tư trực tuyến dù có chuyên môn cao.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm