Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chi 2 tỷ cho truyền thông nhưng không bỏ tiền bồi dưỡng giáo viên'

Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, nhiều trường học, nhất là tư thục, đang chú trọng dịch vụ giáo dục nhưng bỏ ngỏ chất lượng.

Vấn đề này được TS Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục IEG, đặt ra trong hội nghị với chủ đề "Định hướng tương lai" do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 10/10. 

"Sau nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, tôi đúc kết ra rằng trong rất nhiều yếu tố như chương trình học, cơ sở vật chất, kỷ luật học đường, người thầy vẫn đóng vai trò quan trọng, ít nhất là 70% sự thành công của học sinh", TS Hiếu nói. 

giao duc phu huynh anh 1
Theo TS Hiếu, chất lượng và lợi nhuận của các trường học tư thục là bài toàn khó. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam, cho biết ở đâu hay thời đại nào, vai trò dẫn dắt của người thầy vẫn ảnh hưởng rất lớn đến người học.

Bà dẫn kết quả cuộc khảo sát điều ảnh hưởng đến 100 nhân vật thành công ở Mỹ để minh chứng cho vai trò của người thầy. Hai yếu tố được các nhân vật thành công chia sẻ nhiều nhất là người thầy thực sự quan tâm cuộc đời, sự nghiệp của họ và người hướng dẫn đồng hành trong suốt 4 năm đại học.

"Không ai nói vì tôi học ở ngôi trường danh giá nhất thế giới, cơ sở vật chất không đâu sánh bằng hay sách giáo khoa, chương trình học tiên tiến nhất thế giới cả. Như thế có thể thấy vai trò của người thầy quan trọng như thế nào", bà Thủy nói.

giao duc phu huynh anh 2
Bà Đàm Bích Thủy chia sẻ về vai trò của người thầy trong phiên thảo luận. Ảnh: M.N.

Thế nhưng, theo TS Hiếu, chất lượng đầu vào và đầu ra hiện nay của các trường đào tạo giáo viên của Việt Nam đang đi xuống "một cách bền vững". Ngay cả khi đi dạy học, 70% thời gian của nhiều giáo viên chỉ để làm sổ sách, báo cáo, phản hồi thông tin với phụ huynh. Họ không có thời gian nâng cao kiến thức, chuyên môn của mình, dẫn đến chất lượng giáo viên đi xuống. Đây là vấn đề lớn đối với giáo dục.

"Tôi làm ở hội đồng quản lý chất lượng giáo viên của nhiều nhà trường, nhận thấy rằng số giáo viên có tài và tâm rất ít, thường dưới 50%. Nói ra có vẻ khó tin nhưng nhiều trường sẵn sàng đầu tư 2-3 tỷ đồng làm truyền thông nhưng đề nghị bỏ 200-300 triệu bồi dưỡng cho hàng trăm giáo viên trong một năm thì họ chê đắt", TS Hiếu kể.

Tương tự, TS Giáp Văn Dương, đồng sáng lập Vietschool và GiapGroup, cho rằng chất lượng giáo viên đang là "nút thắt cổ chai" của giáo dục Việt Nam.

"Vấn đề của giáo dục Việt nam là chất lượng giáo viên chứ không phải chủ trương, chiến lược không bắt kịp thế giới. Giáo viên không theo kịp được cải cách dẫn đến nhiều cải cách giáo dục thất bại", ông Dương nêu quan điểm. 

Theo TS Hiếu, thay đổi chất lượng giáo viên, trước hết phải thay đổi được thời gian làm việc của họ. Nhưng rất nhiều trường từ chối vì làm như thế sẽ phát sinh chi phí, nhân sự.

Mặt khác, để một giáo viên có kiến thức dạy học sinh về khoa học, tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, phải mất ít nhất 5 năm đào tạo. Nhưng thực tế hiện nay, các trường chỉ dồn vào 1 tuần bồi dưỡng trong một năm học. Do đó, TS Hiếu cho rằng nếu các trường chỉ chăm lo dịch vụ mà không chú trọng chất lượng người thầy, giáo dục khó lòng phát triển.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Ngành giáo dục không quyết được giáo viên'

Chia sẻ đầu năm học, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành giáo dục không quyết định trực tiếp được đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm