Trong thời gian gia đình không sử dụng, tôi kết hợp cho khách du lịch thuê nên thiết kế cần đảm bảo phục vụ được cả 2 nhu cầu: nhà ở và homestay.
Zing chia sẻ câu chuyện tự lên ý tưởng cải tạo lại ngôi nhà hơn 20 năm tuổi ở Đà Lạt phục vụ cả 2 nhu cầu: nhà ở và làm homestay của Như Mai (33 tuổi, sinh sống tại TP.HCM).
Tính toán cả chi phí phát sinh trước khi cải tạo
Nhà của tôi có một trệt một lầu, diện tích sàn khoảng 65 m2, nằm sát bên quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt) và được xây dựng từ năm 2003.
Do tính chất công việc, hiện tại các thành viên trong gia đình tôi sinh sống tại các thành phố khác nhau, thỉnh thoảng cả gia đình mới về lại ngôi nhà này.
Trước đây, có giai đoạn nhà tôi cho thuê dài hạn. Khách thuê sửa chữa không đúng ý dẫn đến phong cách chung của của nhà bị thay đổi và khó cho việc sử dụng của gia đình tôi.
Để cả nhà hay bạn bè đến chơi có một nơi nghỉ dưỡng thật sự hài lòng và thoải mái mỗi khi về Đà Lạt nên tôi quyết định cải tạo lại ngôi nhà hơn 20 năm tuổi. Bên cạnh đó, khi gia đình không sử dụng, tôi sẽ cho khách du lịch thuê làm homestay.
Đầu năm 2021, tôi nghỉ việc để bắt đầu sửa nhà. Thời gian cải tạo tổng cộng lại chỉ khoảng 3 tháng nhưng vì dịch bệnh nên kéo dài hơn dự kiến.
Sau khi hoàn thành phần thô và sơn, suốt 4 tháng tôi không thể làm gì tiếp vì giãn cách xã hội kẹt lại ở TP.HCM, không thể về Đà Lạt. Đến lúc tưởng chừng như đã hoàn thành thì phát hiện nhà bị dột nặng nên phải xử lý đến giữa tháng 12/2021 mới dứt điểm.
May mắn, nhà sửa xong trong thời gian bùng dịch cuối năm 2021 nên tôi có cơ hội được work from home ngay tại ngôi nhà sau khi cải tạo.
Tổng chi phí cho quá trình cải tạo là khoảng 200 triệu, bao gồm: đập tường, làm lại toàn bộ 3 nhà vệ sinh (dùng lại thiết bị cũ), đi lại một phần điện nước, sơn tường, sơn sửa tủ bếp và đóng tủ quần áo, lót sàn gỗ, mua đèn và đồ trang trí.
Tôi đặt ra ngân sách trước và cộng thêm 30% chi phí phát sinh. Sau đó sẽ tiến hành liệt kế tất cả những phần mình nghĩ là cần sửa chữa trong nhà và áng chừng từng khoản cho từng phần.
Ví dụ, tôi sẽ tính trước chi phí cải tạo phần thô theo ngày công của thợ hết khoảng bao nhiêu, còn lại bao nhiêu mới lựa chọn vật liệu và đồ trang trí phù hợp với ngân sách đó.
Nếu có phát sinh tôi sẽ cắt bớt các khoản không cần thiết trong quá trình làm để hạn chế việc vượt dự trù ban đầu.
Một không gian ấm cúng và "thật Đà Lạt"
Xử lý phần thô
Hiện trạng ban đầu của nhà có nhiều chỗ bị thấm mốc, tủ bếp hư hỏng, các đường ống thoát không hoạt động tốt. Về phần thô vẫn còn chắc chắn và cấu trúc hợp lý nên tôi không cần can thiệp nhiều. Một vài khu vực thiếu sáng, nhìn cảm giác không sạch sẽ nên không tận dụng hết được công năng của chúng.
Nhờ vậy, quá trình cải tạo của tôi cũng không quá khó khăn. Tôi cho đập bỏ một bức tường ở phòng ngủ nhỏ trên lầu, chuyển từ 3 phòng ngủ thành 2 phòng để mở rộng không gian, có thêm chỗ cho phòng làm việc và tổng thể trông sẽ rộng rãi hơn.
Các phòng ngủ trong nhà tôi đều cho thu nhỏ diện tích nhà vệ sinh để có thêm không gian sử dụng, trông cũng cân đối và thoáng đãng hơn. Bên cạnh đó, tôi cho trổ thêm cửa sổ ở 2 phòng để đưa thêm ánh sáng tự nhiên vào bên trong và có thể ngắm nhìn quảng trường Lâm Viên lẫn hồ Xuân Hương.
Với tôi, công đoạn khó khăn nhất chính là làm việc với thợ xây phần thô và thợ điện, nước. Hai phần này có vai trò quan trọng trong tổng thể chung nên nếu làm sai thì xem như phải làm lại từ đầu.
Để hạn chế những sai sót không đáng có cho việc thi công, tôi đã phải học mẹ cách nói chuyện để hai bên có thể vui vẻ trong quá trình làm việc và theo sát từng bước khi thực hiện.
Ý tưởng thiết kế
Vì chủ yếu là cải tạo và nhà cũng nhỏ nên tôi tự lên ý tưởng thiết kế để chủ động tiến độ, đúng ý thích, phù hợp nhu cầu sử dụng và tiết kiệm chi phí.
Sau khi cải tạo, tôi muốn ngay khi bước vào, mọi người sẽ cảm nhận được một không gian ấm cúng. Bên cạnh đó còn phải có sự lãng mạn, thể hiện đúng cá tính của tôi và một chút sang trọng, chỉn chu nhưng vẫn gần gũi để ai cũng cảm giác đây là "nhà mình".
Theo những hình ảnh tôi xem trên mạng thì nhà tôi có thể xem là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển châu Âu và Farmhouse: tường treo nhiều tranh, đồ dùng chất liệu gỗ, dùng nhiều đồ dùng có họa tiết hoa lá nhỏ, rèm và khăn trải bàn bằng len móc, rèm vải bố, cửa lùa,...
Từ đó, tôi tham khảo thêm các phong cách khác để định hình thiết kế cho ngôi nhà của mình. Tôi không có một tiêu chuẩn cụ thể nào cho việc trang trí mà chỉ dựa vào sở thích cá nhân và nhu cầu sử dụng của gia đình để sắp xếp.
Do nhà nhỏ, tôi không sử dụng màu sắc quá sặc sỡ mà lựa chọn những màu sơn nhẹ nhàng như màu tím pastel cho khu vực bên ngoài và màu xanh mint cho khu vực bên trong. Màu sắc chủ đạo sẽ là màu xanh lá, nâu gỗ và trắng ngà hoặc kem.
Các vật dụng trong nhà tôi ưu tiên chọn chất liệu gỗ, giỏ và thảm cói, đồ trang trí có các chi tiết nhấn màu vàng đồng hoặc họa tiết hoa lá, tấm phủ sofa, khăn phủ và gối được móc bằng len.
Rèm cửa các phòng trên lầu, khăn trải bàn đều là do mẹ tôi móc. Chúng làm cho tổng thể ngôi nhà trở nên duyên dáng, ấm cúng và có giá trị về mặt tinh thần hơn.
Một số bức tranh trong nhà cũng là do tôi và chị gái chụp trong các chuyến du lịch. Với tôi, chi tiết nhỏ đó cũng làm tăng cảm xúc cho căn nhà, tạo sự khác biệt với các homestay du lịch khác.
Đèn trong nhà tôi chỉ sử dụng duy nhất ánh sáng vàng để tăng thêm cảm giác ấm áp vì buổi tối ở Đà Lạt rất lạnh.
Kinh nghiệm cải tạo nhà
Sau khi hoàn thành quá trình cải tạo và trang trí lại ngôi nhà của mình, tôi rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
- Đội thi công: Hỏi người thân và bạn bè để được giới thiệu đội thi công uy tín, tránh làm việc với những bên chưa hề quen biết bởi họ đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải tạo.
- Tìm hiểu kỹ về cách thi công: Do không tìm hiểu kỹ về vật liệu và cách thức thi công, một số điểm trong nhà của tôi phải tốn nhiều thời gian sửa chữa lại và không có thành quả như ý.