Từ trào lưu trên mạng xã hội, dịch vụ "thử lòng" người yêu đã phát triển thành một ngành kinh doanh béo bở. Ảnh minh họa: @vvkyzzz. |
Theo chuyên gia trị liệu hôn nhân Landis Bejar (Mỹ), thời đại số đã vô tình "mở đường" cho vô vàn cách thức lừa dối, phản bội trong một mối quan hệ.
Nỗi lo người yêu "bắt cá hai tay" ngày càng phổ biến, khiến nhiều người tìm đến các dịch vụ "thử lòng" như một giải pháp. Họ nhờ người lạ gửi tin nhắn tán tỉnh đối phương, với hy vọng "bắt tại trận" những phản hồi "lộ liễu".
Nắm bắt được tâm lý này, các công ty như Lazo và Loyalty-Test đã ra đời và đón nhận nhiều khách hàng tìm kiếm dịch vụ, theo Business Insider.
Dịch vụ kiểm tra lòng chung thuỷ thường có mô típ nhờ người lạ gửi tin nhắn tán tỉnh đối phương. Ảnh minh họa: @ketut_subiyanto/Pexels. |
Rộ lên dịch vụ 'thử lòng'
Từng là nạn nhân của những mối tình không chung thuỷ. Ari (29 tuổi, Mỹ) thấu hiểu nỗi đau của khách hàng. Chính trải nghiệm này đã thôi thúc cô trở thành một "chuyên viên thử lòng" (tester) trên ứng dụng Loyalty-Test.
"Ước gì tôi biết đến dịch vụ này sớm hơn", Ari chia sẻ.
Là một tester dày dặn kinh nghiệm, Ari nhận thấy không ít người dễ dàng "gục ngã" trước những lời đường mật chỉ trong vòng một ngày. Để đảm bảo tính khách quan, cô luôn trao đổi kỹ lưỡng với khách hàng về các tiêu chí đánh giá trước khi tiến hành "thử lòng".
Dịch vụ của Ari thu hút nhiều đối tượng, họ có thể là những người đang trong mối quan hệ nghiêm túc, hoặc những người đang cân nhắc tiến tới hôn nhân.
Tuy nhiên, công việc này cũng mang đến cho Ari những cảm xúc lẫn lộn, nhất là khi phải thông báo kết quả "trượt" cho khách hàng.
Loạt video về bài kiểm tra lòng chung thuỷ đã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội từ năm 2021. Hầu hết nội dung đều sử dụng mô típ quen thuộc: "người thử lòng" nhắn tin làm quen đối phương trên mạng xã hội, giả vờ muốn làm quen và xem họ có "cắn câu" hay không.
Nắm bắt nhu cầu ngày càng lớn, nhiều công ty đã nhanh chóng cung cấp dịch vụ "thử lòng" chuyên nghiệp, ẩn danh với mức giá đa dạng.
Lazo, một trong những công ty tiên phong, sở hữu đội ngũ 400 "người thử lòng" với chi phí khởi điểm từ 40 USD.
Ra đời sau đó, Loyalty-Tests cung cấp cả hình thức kiểm tra trực tuyến và trực tiếp với mức giá do "người thử lòng" đưa ra.
Brandan Balasingham (Mỹ), người sáng lập kiêm CEO của Loyalty-Tests, cho biết hoạt động tương tự ứng dụng gọi xe Uber, kết nối khách hàng với các "tester" đã được sàng lọc kỹ lưỡng.
Mức giá cho một bài kiểm tra trực tuyến có thể chỉ từ 10 USD, trong khi với hình thức trực tiếp, con số này có thể lên đến hơn 500 USD.
Theo thống kê của Lazo, 60% người được kiểm tra đã vượt qua "bài thử lòng". Trong khi đó, dữ liệu từ Loyalty-Tests cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ: khoảng 60% nam giới "trượt" bài kiểm tra, so với chỉ 30% ở nữ giới.
Chuyên gia cho rằng "thử lòng" cũng là một dạng phản bội trong mối quan hệ. Ảnh minh họa: @ttk_andy. |
'Con dao hai lưỡi' của tình yêu
Dù "thử lòng" người yêu đang là xu hướng, chuyên gia trị liệu hôn nhân Landis Bejar cho rằng, đây không nên là "chuẩn mực" trong một mối quan hệ lành mạnh.
Theo bà, niềm tin là nền tảng vững chắc trong một mối quan hệ lành mạnh. Thiếu đi sự tin tưởng, tình yêu sẽ trở thành cuộc chiến kiểm soát ngột ngạt, khó lòng bền vững.
Chuyên gia nhấn mạnh không chỉ ngoại tình, những "vết rạn nứt" nhỏ, như không thực hiện lời hứa hay nói dối, cũng có thể phá vỡ mối quan hệ một cách dễ dàng. Và "thử lòng" cũng là một dạng phản bội, việc phải dùng đến biện pháp này đã cho thấy mối quan hệ đang "cảnh báo đỏ".
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, "thử lòng" có thể là "cứu cánh" cần thiết, chẳng hạn như trong các mối quan hệ bạo hành, giúp nạn nhân nhận ra sự thật và tìm cách thoát ra.
Lời khuyên của chuyên gia Bejar dành cho các cặp đôi là hãy vun đắp niềm tin bằng sự chân thành, thẳng thắn trao đổi về những ranh giới, những "không thể chấp nhận" trong mối quan hệ.
"Tình yêu có thể khiến chúng ta mù quáng. Hãy tỉnh táo xác định đâu là giới hạn của bản thân để có thể dứt khoát ra đi khi cần thiết, dù điều đó không hề dễ dàng", bà nói.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.