Tại cuộc họp báo về đề án đổi mới chương trình vừa diễn ra, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: "SGK mới phải giảm tải kiến thức, tăng hoạt động trải nghiệm, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất và định hướng nghề nghiệp của học sinh".
Không bắt học sinh học quá nhiều
Nhấn mạnh mục tiêu chung là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh chứ không đơn thuần là trang bị kiến thức, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, cần thay đổi quan niệm về kiến thức so với trước đây.
“Trước đây quan niệm rằng, có kiến thức thì có năng lực, nhưng giờ cần hiểu rộng và sâu hơn, kiến thức là quan trọng nhưng ngoài kiến thức còn nhiều điều khác. Kiến thức phải có quá trình tôi luyện vận dụng mới hình thành năng lực được”, ông Nguyễn Vinh Hiển nói.
Sách giáo khoa mới sẽ không nặng kiến thức như sách giáo khoa cũ. |
Lộ trình chung về xây dựng chương trình, SGK được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đầu (2015 - 2016), sẽ ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học. Giai đoạn hai (2016 - 2018), ban hành bộ SGK cho ba lớp đầu cấp. Giai đoạn ba (2018 - 2023), thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học.
Với tinh thần này, việc xây dựng chương trình, SGK mới sẽ phân loại hai lĩnh vực gồm giáo dục cơ bản (cấp THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Nếu như giáo dục cơ bản trang bị năng lực tự học của học sinh, hình thành tư cách công dân, bắt đầu gợi ý học sinh biết được năng lực, ý thích của bản thân, thì giáo dục định hướng nghề nghiệp dạy học phân hóa với các môn học vừa bắt buộc, vừa tự chọn giúp học sinh tự lựa chọn định hướng nghề nghiệp.
Theo ông Đoàn Văn Ninh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT, Thường trực Ban soạn thảo chương trình, SGK mới), cách thức chủ đạo trong xây dựng chương trình, SGK mới là giảm số môn học, để các kiến thức liên quan sát lại gần nhau hơn, giúp giáo viên không dạy đi dạy lại nhiều lần. Việc dạy và học theo đó dễ liên hệ với nhau, giúp hình thành năng lực tổng hợp của học sinh. Các hoạt động trải nghiệm cũng được tăng cường hơn thay cho nhiều tiết học lý thuyết khô khan.
Không phủ nhận rằng cách thức tổ chức học THPT sẽ phức tạp và khó hơn bây giờ, song theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng thiết kế mở để đáp ứng cao nhất nguyện vọng của học sinh trong khả năng của nhà trường.
Ông cho biết: “Các trường đại học yêu cầu học sinh được tăng cường năng lực, tâm thế vào đại học phải tốt hơn như kĩ năng làm việc nhóm, lựa chọn giải quyết vấn đề… Chương trình, SGK mới không bắt buộc các em phải học nhiều như bây giờ mà tạo điều kiện để các em phát huy khả năng riêng từng người”.
Đa dạng hóa phương pháp giảng dạy
Theo Ban soạn thảo đề án, sẽ tách bạch rõ việc xây dựng chương trình và SGK chứ không phải xây dựng xong chương trình tổng thể và chương trình môn học rồi sau đó mới làm căn cứ để biên soạn SGK.
Về các đơn vị đăng ký biên soạn SGK, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo một đơn vị có khả năng tốt nhất để tổ chức viết. Hiện mới chỉ có Sở GD&ĐT TP HCM đăng ký tham gia biên soạn SGK.
Về nguồn kinh phí, Bộ GD&ĐT cho biết, Chính phủ đã phê duyệt tổng thể 778 tỷ đồng, Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định cụ thể hơn nữa các mức chi và thông tư đang trong quá trình hoàn thiện. Các tiêu chí của đội ngũ tham gia xây dựng chương trình, SGK cũng đang trong quá trình hoàn thiện và sớm công khai trước dư luận.
Thừa nhận với chương trình mới, việc tổ chức dạy học sẽ phức tạp hơn trước, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, 80% giáo viên phổ thông hiện nay có thể đáp ứng được chương trình mới, chỉ cần được tập huấn kỹ.
Việc thiết kế chương trình với số lượng giờ dạy/môn học sẽ không làm xáo trộn hoạt động dạy học ở các nhà trường. Cụ thể, sẽ không có chuyện thừa giáo viên ở những môn học phải tích hợp thành môn mới.
Bộ GD&ĐT cũng làm việc với các trường sư phạm trọng điểm để cùng tham gia biên soạn chương trình, đồng thời nắm được cốt lõi của việc đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo, cung cấp đội ngũ giáo viên mới bổ sung cho lực lượng dạy học các năm sau này.