Từ trưa 19/12, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn 5 phường của quận Hoàn Kiếm, bao gồm Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Buồm và Hàng Gai, chỉ được phép bán mang về. 13 phường còn lại hoạt động bình thường.
Do đó, một vài con phố bỗng chốc trở thành nơi giao thoa giữa "vùng cam" và "vùng vàng". Chỉ cách nhau vài bước chân hoặc một ngã tư, nhưng có quán ăn vẫn phục vụ tại chỗ, nhưng có nhà hàng chỉ bán mang về.
“Chẳng hạn, trong khi phố Hàng Bạc (phường Hàng Bạc) và phố Bát Đàn chỉ được bán mang về, phố Hàng Bồ (phường Hàng Bồ) nằm ở giữa vẫn nhộn nhịp”, Thảo Vi (24 tuổi), quản lý một nhà hàng đồ chay trên phố Bát Đàn, chia sẻ.
Nằm đối diện nhau khoảng 7 m, nhưng một hàng phở vẫn được phép phục vụ tại chỗ, hàng còn lại đợi khách tới mua mang về. |
Cùng 1 phố, 2 hoàn cảnh
Thảo Vi cho biết cô hụt hẫng khi nhận thông báo tạm ngừng phục vụ khách tại chỗ. Quán của cô nằm ở cuối phố Bát Đàn, thuộc địa phận phường Cửa Đông - một trong 5 “vùng cam” của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Đến thời điểm này, cô và các nhân viên khác đã quen với việc đóng - mở quán liên tục. Tuy nhiên, tinh thần của mọi người đều rệu rã.
Để thích ứng với hoàn cảnh, nhà hàng lập tức phải chuyển các chương trình khuyến mãi cho dịp lễ cuối năm sang hình thức online. Sự thay đổi này sẽ không còn thu hút được nhiều khách hàng tới trải nghiệm như mục tiêu ban đầu của quán.
Cô cho biết sau gần 2 năm dịch bệnh với phần lớn thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thực khách thích dùng bữa trực tiếp tại nhà hàng hơn.
“Khách hàng không còn mặn mà dịch vụ bán mang về. Đặc biệt, với tình cảnh hiện nay, họ dễ ‘quên’ mình bởi nhiều quán ăn khác vẫn được phục vụ tại chỗ. Trừ khi toàn thành phố đều bán mang về, mình mới có thể cạnh tranh”, cô nói.
Thảo Vi hụt hẫng khi nhận tin nhà hàng phải dừng phục vụ khách tại chỗ ngay thời điểm cuối năm. |
Cũng nằm trên phố Bát Đàn, chỉ cách nơi Thảo Vi làm việc khoảng 100 m, song quán cà phê của chị Hường (44 tuổi) mở cửa đón khách như thường lệ bởi thuộc địa bàn phường Hàng Bồ.
Thế nhưng, tình hình kinh doanh vẫn phần nào bị ảnh hưởng. Cả ngày, quán chỉ có vài khách quen ghé qua dùng đồ uống.
“Ban đầu, khi nghe thông báo rằng quán nằm trong vùng được hoạt động bình thường, tôi thở phào, khấp khởi mừng thầm. Thế nhưng, sau 2 ngày, tôi nhận thấy cửa hàng lại vắng khách hơn”, chủ quán nói với Zing.
Theo chị Hường, do các phường lân cận tạm ngưng phục vụ tại chỗ, khách hàng có xu hướng ngại lên khu vực này dùng bữa nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, khách quen của cửa hàng chị không chuộng mua mang về.
“Đa phần khách hàng muốn ngồi tại chỗ, trò chuyện với bạn bè và ngắm phố xá. Được mấy ai mua cà phê mang đi đâu”, chị chia sẻ.
Quán cà phê tạm thời đóng cửa, không bán mang về kể từ trưa 19/12. Cửa hàng nằm ở ngã tư Bát Đàn giao với Hàng Điếu, Hàng Gà - một trong những điểm giao thoa giữa vùng cam và vùng vàng của quận Hoàn Kiếm. |
Cảnh đối lập qua một ngã tư
Hiền (27 tuổi), quản lý một quán ăn ở cuối phố Hàng Gà (phường Hàng Bồ), cũng nhận thấy tình cảnh tương tự. Dù nhà hàng được mở bán tại chỗ, lượng khách vẫn ở mức thấp, chủ yếu là khách quen.
Trong khi đó, doanh thu của quán chưa thể hồi phục kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Để có thể duy trì suốt thời gian qua, họ phải cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương và thời gian làm của các nhân viên.
Tầm gần trưa, dù là thời điểm đông đúc nhất ngày, quán phục vụ chưa đầy 10 thực khách. Xuân (25 tuổi), nhân viên ngân hàng, và đồng nghiệp Minh (26 tuổi) nằm trong số đó.
Hiền cho biết hiện cô và các nhân viên đã thích ứng với hoàn cảnh, xác định sống chung với dịch bệnh lâu dài. |
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, họ chạy xe từ văn phòng trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) đến quán để dùng bữa. Cặp đồng nghiệp nói rằng họ không ngại di chuyển xa một chút để được ăn uống tại chỗ. Hiện các cơ sở kinh doanh ăn uống xung quanh công ty họ đều chỉ bán mang về.
Đây cũng là quán quen của cặp chị em gái Thu (27 tuổi), giáo viên, và Thảo (21 tuổi). Trước khi đến, Thu cẩn thận gọi điện và hỏi nhà hàng còn nhận khách dùng bữa trực tiếp hay không. Cô cũng chọn chỗ ngồi ngoài ban công tầng 2 để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong không gian kín.
“Hôm nay, vì có thời gian rảnh lại tiện đường, tôi cùng em gái cùng nhau đi ăn trưa. Thật may khi quán quen của hai chị em vẫn phục vụ tại chỗ. So với mua mang về, cảm giác dùng bữa trực tiếp ở nhà hàng ngon hơn nhiều”, Thu chia sẻ.
Anh Tuấn cho biết 2 năm Covid-19 là thời điểm khó khăn nhất của quán phở. |
Nằm bên kia ngã tư chưa đầy 30 m, quán phở ở đầu phố Hàng Điếu (phường Cửa Đông) tranh thủ bán vài suất cuối cùng trước khi dọn hàng lúc 13h. Khách đến mua được yêu cầu quét mã QR khai báo y tế và đứng chờ sau tấm chắn lớn bằng nhựa.
Tiến Tuấn (50 tuổi), chủ cửa hàng, cho biết anh đã quen với việc quy định kinh doanh thay đổi theo diễn biến của dịch bệnh.
“Tôi xác định sống chung với dịch bệnh rồi nên không còn rơi vào thế bị động. Với số ca nhiễm gia tăng mạnh trong những tuần gần đây, việc chuyển sang bán mang về là điều có thể đoán được. Đó cũng là vì sự an toàn của chính tôi”, anh nói.
Anh Tuấn thừa nhận 2 năm Covid-19 là quãng thời gian khó khăn nhất trong suốt 35 năm kinh doanh quán phở.
Hoạt động bán mang về chỉ có thể bù đắp khoảng 40% doanh thu. Nếu không nhờ kinh doanh tại nhà riêng, tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, anh cho biết rất có thể lúc này quán phở đã đóng cửa.
“Tôi vẫn lạc quan tự nhủ rằng hết dịch bệnh, thành phố sẽ bình thường trở lại. Rồi mọi khó khăn sẽ qua thôi”, anh cười, nói.
Phố Hàng Điếu, phố Cửa Đông (phường Cửa Đông) trở nên ảm đạm sau trưa 19/12. Nhiều cửa hàng đóng cửa, ngừng luôn hoạt động bán mang về. |