Việc bảo quản thực phẩm lâu dài, an toàn được nhiều người nội trợ quan tâm, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh phức tạp.
Trả lời phỏng vấn của Zing, 4 người nội trợ cho biết việc sắp xếp và bảo quản thực phẩm khoa học trong hộp chất lượng giúp bữa ăn của họ luôn tươi ngon, dinh dưỡng.
Chọn thương hiệu uy tín
Bích Ngọc, Hà Nội
Tôi sưu tầm, tìm mua hộp bảo quản khá nhiều đợt và đa dạng thương hiệu. Tôi đang sở hữu khoảng 30 hộp, số tiền bỏ ra khoảng 14-16 triệu đồng.
Ban đầu, tôi tìm hiểu thông tin, ưu, nhược điểm của sản phẩm muốn mua trên Internet và trong các hội nhóm bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh, bếp núc...
Về đồ nhựa, tôi chủ yếu lựa chọn nhựa tritan và nhựa nguyên sinh để đựng rau, củ, quả và đồ ngăn đông lạnh. Tôi tin dùng các thương hiệu như LocknLock, Tupperware, Rubbermaid. Sản phẩm trong nước như nhựa Duy Tân, nhựa Song Long có giá mềm hơn cũng đáng để tham khảo.
Tôi dùng hộp thủy tinh để trữ đồ ăn đã chế biến và nấu chín. Loại dùng kính borosilicate chịu nhiệt cao, bền là lựa chọn yêu thích của gia đình tôi.
Gia đình tôi dùng tủ lạnh 405 lít. Trước đây, tôi chỉ dự trữ đồ dùng trong 2-3 ngày, ưu tiên đi chợ và sử dụng ngay để đảm bảo độ tươi ngon. Tuy nhiên khi dịch bùng phát, để hạn chế ra ngoài, tôi thường bảo quản thực phẩm trong 5-7 ngày, đủ dùng cho cả nhà 4 người.
Trước khi đem bảo quản tôi sẽ nhặt lá rau dập nát, rửa sạch thịt và cắt thành từng phần đủ cho một bữa ăn. Tất cả nguyên liệu đem bỏ vào hộp đóng kín để mùi thức ăn không lẫn vào nhau. Nhiệt độ phù hợp giúp bảo quản thức ăn lâu mà vẫn giữ được sự tươi ngon.
Rau củ bảo quản 3 tuần vẫn tươi xanh
Ánh Diễm, Đà Nẵng
Hơn một tháng nay, tôi mới bắt đầu tìm hiểu, sắp xếp thực phẩm trong bếp một cách khoa học. Trước kia, tủ lạnh nhà tôi luôn trong tình trạng chật cứng, không kiểm soát được lượng thực phẩm bên trong.
Khi ấy, tôi dùng bao nhựa vừa không an toàn mà thực phẩm thường nhanh hỏng. Khi bạn bè gợi ý sử dụng hộp đựng, tôi thử và thấy khá hiệu quả.
Với các loại rau dễ úng, dập nát, người nội trợ nên sử dụng hộp có hốc đáy đựng nước thừa và vent hô hấp bên trên để hạn chế hư hỏng. Tôi bảo quản rau cải, xà lách, cải bó xôi, bí, bầu... 3 tuần rồi vẫn tươi xanh.
Tủ lạnh nhà độc giả Ánh Diễm trước và sau khi sử dụng hộp bảo quản. |
Trước dịch, tôi đi chợ 2 lần/tuần, giờ Đà Nẵng hạn chế ra khỏi nhà nên tôi thường mua số lượng nhiều, ăn đủ trong khoảng 2 tuần.
Với rau cải, rau muống, mồng tơi… tôi lót dưới một lớp giấy ăn rồi mới cho vào hộp. Thịt, tôm, cá cần được rửa sạch với nước muối pha loãng hoặc giấm, để thật ráo mới bảo quản. Tôi cố gắng chia thịt thành từng phần nhỏ. Hôm sau cần chế biến thì buổi tối đem để dưới ngăn mát trước.
Chưa từng nghĩ sẽ bỏ ra chục triệu đồng sắm hộp nhựa
Ngọc Anh, Hà Nội
Tôi áp dụng phương pháp lưu trữ này khá lâu rồi nhưng thời gian dịch bệnh, nhu cầu cũng tăng cao. Tôi mua gần 100 hộp trữ đông, để ngăn mát và đựng đồ khô. Giá loại chất lượng khá đắt đỏ, tôi biết nhiều người thậm chí bỏ ra chi phí tương đương chiếc tủ lạnh vì trót mê.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ ra số tiền lớn để mua những chiếc hộp đựng thức ăn cho đến khi hiểu và thấy được hiệu quả.
Tôi ưu tiên dùng hộp nhựa nguyên sinh, kín, kiểu cách đẹp. Ngoài ra, tôi mua nhiều kích cỡ để phù hợp với từng loại đồ ăn riêng biệt.
Tôi cho tất cả thực phẩm vào hộp trước khi đem bảo quản trong tủ lạnh. Nếu không, đồ ăn dễ hỏng và tủ lạnh cũng ám mùi, lộn xộn.
Các thực phẩm sau khi đóng hộp, tôi luôn có thói quen dán nhãn và ghi tên ở phía ngoài. Việc này giúp tôi không mất nhiều thời gian tìm kiếm.
Ngọc Anh có thói quen dán nhãn và ghi tên ở phía ngoài hộp. Ảnh: Ngọc Anh. |
Bố mẹ ở quê thường xuyên gửi rau củ, đồ tươi sống theo đợt giúp tôi tiết kiệm thời gian đi chợ mua sắm. Các loại thực phẩm được đóng thùng, phân chia từng loại. Nhiệm vụ của tôi là xử lý và xếp gọn trong tủ lạnh.
Những chiếc hộp là giải pháp giúp tủ lạnh của tôi luôn thoáng, đặc biệt trong mùa dịch.
Cách sắp xếp tủ lạnh cũng quan trọng không kém
Nguyễn Thao, TP.HCM
Dịch bệnh kéo dài, việc mua sắm thực phẩm khá khó khăn, tôi thường lưu trữ thức ăn trong nhà tối đa một tuần.
Với mỗi loại thực phẩm, tôi đều có cách xử lý, sơ chế riêng và phù hợp. Chẳng hạn, cá, thịt sống, tôi rửa sạch rồi để thật ráo nước và bảo quản ở ngăn đông.
Phần thịt này nên được chia theo bữa ăn và cho vào từng hộp riêng để tiện rã đông, chế biến.
Với rau củ, tất cả hộp đựng đều nên lót và phủ bằng lớp giấy trước khi đóng kín nắp để thực phẩm tươi lâu. Ngoài ra, người nội trợ không nên rửa rau trước khi bảo quản vì dễ úng.
Khoảng hơn 1 năm trước, tôi nhận ra mình yêu việc chăm sóc bản thân cũng như gia đình. Trong công việc nhà, tôi đều dành thời gian tìm hiểu, sử dụng những điều tốt nhất, như lưu trữ thực phẩm như thế nào là an toàn, tốt.
Hộp đựng khá quan trọng. Tôi tin dùng các sản phẩm chất lượng cao để quá trình rã đông nhanh hơn, ngăn mùi trong tủ lạnh. Để tiết kiệm, tôi có thói quen chọn sản phẩm ưng ý trước và theo dõi, tìm mua khi có đợt khuyến mãi.
Theo chị Thao, mỗi loại rau củ, thịt, cá có cách bảo quản khác nhau. Ảnh: Nguyễn Thao. |
Tuy nhiên, việc bảo quản thực phẩm không đơn giản là sử dụng hộp chất lượng hay đa dạng kích cỡ, bạn phải biết cách sắp xếp khoa học để khi mở tủ không bị che khuất tầm nhìn. Ở ngăn mát trên cùng, tôi để các loại sữa, sữa chua. Ngăn dưới là nơi để trái cây, đồ ăn nấu chín ở kệ tiếp theo. Hai hộc dưới cùng, tôi thường bảo quản dừa, dưa hấu hoặc các quả lớn.