Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chị em đang chuộng phương pháp tránh thai nào?

Đặt vòng nội tiết, miếng dán, cấy que, đặt thuốc diệt tinh trùng… đang là “mốt” của những chị em sành điệu muốn ngừa thai.

Cho dù đã du nhập vào Việt Nam từ 7-8 năm trước nhưng đến nay, que cấy tránh thai mới được nhiều chị em sử dụng. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – khoa Sản, Trung tâm y khoa Thái Hà cho biết, phương pháp tránh thai này được khá nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, cũng có một số người phàn nàn với bà về việc tự nhiên mất kinh hoặc rong kinh. Nhưng chuyên gia sản khoa này khẳng định, đó là chuyện bình thường vì lượng huyết rong không bao giờ nhiều hơn lượng kinh nguyệt hàng tháng.

“Que cấy tránh thai thường được cấy ở cánh tay, không vướng víu và bảo hành trong 5 năm”, bác sĩ Dung nói.

Que cấy tránh thai cũng có thể làm mất kinh hoặc rong kinh. Ảnh: Giadinh.net

Đối với vòng tránh thai nội tiết, bác sĩ Dung thông tin, phương pháp này khá mới mẻ và không có nhiều để đáp ứng. Khác với loại vòng tránh thai truyền thống bằng khóa đồng như ngày xưa, vòng này tiết ra nội tiết tại chỗ nên nó chỉ tác động ở niêm mạc tử cung, không lan tỏa ra toàn thân. Vậy nên, tác hại toàn thân rất ít.

“Ngày xưa, vòng tránh thai bằng đồng gây rong kinh nhưng vòng này rất ổn định, hạn chế rong kinh và hạn chế đau bụng. Tuy nhiên, nếu như vòng khóa đồng chỉ mất từ 100.000-200.000 đồng/lần đặt thì vòng nội tiết mất 3,5 triệu/lần đặt vòng và có tác dụng trong 5 năm”, bác sĩ Dung nói.

Vòng tránh thai nội tiết hạn chế rong kinh và hạn chế đau bụng nhưng có giá đắt gấp gàn 30 lần vòng truyền thống bằng đồng. Ảnh minh họa: NLĐ

Miếng dán tránh thai cũng đang được nhiều chị em lựa chọn vì tính năng tiện dụng, không cần phải nhớ như uống thuốc tránh thai hoặc không gây cảm giác sợ khi phải đưa vật gì đó vào cơ thể như vòng hay que cấy. Chị em có thể dán miếng tránh thai này trực tiếp vào vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay và không thể tự rơi ra nếu không có tác động. 

Miếng dán sẽ ngăn ngừa có thai bằng cách ngăn cản sự rụng rứng ở người nữ. Nó cũng làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại, làm cho tinh trùng khó gặp trứng. Tuy nhiên, bác sĩ khoa sản Lê Thị Kim Dung cho biết, đối với phương pháp này, không ít chị em than thở bị đau ngực, đau bụng, rong kinh, thậm chí bị đông máu…

Theo lý giải của bác sĩ Dung, trong miếng dán tránh thai có thành phần hooc môn là oestrogen và progesterone. Với những người dị ứng với các thành phần này, tác dụng phụ của miếng dán sẽ được phát huy tác dụng.

Miếng dán tránh thai có thể gây đông máu hoặc rong kinh ở một số chị em. Ảnh: Lao Động

Đối với phương pháp đặt thuốc diệt tinh trùng trong âm đạo, bà Dung cho biết, rất nhiều chị em vẫn bị “dính” bầu do tỷ lệ thành công không cao mà giá thành lại đắt. Thay vì phải dùng thường xuyên hoặc cố định vật thể lạ trong cơ thể trong liền vài năm, với phương pháp này, chỉ cần đặt vào âm đạo ít nhất từ 15 phút đến 1 giờ, đủ để tan trong âm đạo trước lúc giao hợp. Trước khi đặt thuốc một lúc và 8 tiếng sau khi quan hệ không nên rửa âm đạo hoặc tắm bằng xà phòng, không nên dùng chung với các thuốc khác.

“Việc đặt thuốc không những tác dụng không cao mà nó còn khiến cho các bạn rơi vào thế bị động. Ai biết mình chuẩn bị quan hệ đâu mà đề phòng. Lúc muốn quan hệ, chạy đi đặt thuốc cũng đủ mất cảm xúc rồi”- bác sĩ Dung nói vui.

Nhiều năm trong nghề, vị bác sĩ này không dám khẳng định phương pháp tránh thai nào là tối ưu vì mỗi người là một cơ thể khác nhau: có người chỉ uống tránh thai hàng ngày vẫn tốt; có người đặt vòng thường rẻ tiền cũng được; nhưng có những người phải cấy que tránh thai hoặc đặt vòng nội tiết đắt tiền mới chịu được… Vậy nên, bác sĩ Dung khuyến cáo, chị em cần tìm hiểu về tất cả các phương pháp tránh thai và lựa chọn cho phù hợp với cơ thể và khả năng kinh tế của mỗi gia đình.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm