Thót tim chờ ngày đèn đỏ
Chị Thanh cho biết ông xã không thích dùng bao cao su. Còn dùng thuốc tránh thai, chị Thanh hay bị quên. Đặt vòng tránh thai chị Thanh không hợp, hay bị đau bụng, rong kinh cả tuần. Sau đó vợ chồng chị bàn nhau kế hoạch theo biện pháp "xuất tinh ngoài" và theo chu kỳ kinh nguyệt.
Các biện pháp tránh thai theo kiểu tự nhiên đều khó thành công. |
Cụ thể khi quan hệ vợ chồng trong những ngày "nguy hiểm" gần ngày rụng trứng thì chồng chị sẽ không cho tinh binh vào trong âm đạo của vợ. Còn những ngày an toàn trong lịch báo chu kỳ thì hai vợ chồng thoải mái hơn.
Chị Thanh kể với biện pháp tránh thai này nhiều lần làm vợ chồng chị "thót tim". Đến chu kỳ mà bị chậm hai ba ngày là tim đập thình thịch, nhất là khi chị Thanh đang có kế hoạch thi biên chế vào sang năm.
Cách đây 1 tuần, chị Thanh bị chậm kinh 4 ngày. Chị không thấy có cảm giác nghén ngẩm như lần mang thai đầu nên hồi hộp cho rằng trễ do stress hay thay đổi thời tiết. Tuy nhiên, 1 tuần sau ngày đèn đỏ vẫn xa rời.
Chị Thanh mua que thử, kết quả que lên hai vạch. Hai vợ chồng chị trách nhau tại người này, người kia. Chị Thanh bức xúc với chồng "anh ta cứ bảo làm sao mà chửa được, anh căn hơi bị chuẩn đấy". Thế hóa ra bảo vợ chửa với hàng xóm sao".
Sau khi bàn tính kỹ, vợ chồng chị Thanh quyết định để sinh con. Nghĩ đến kế hoạch tháng 5 sang năm là thi biên chế, cơ hội chờ đợi cả 3 năm nay bị vỡ lở, chị Thanh buồn đến rầu rĩ.
Còn chị Hoàng Thị Mai - 39 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội đến siêu âm tại một phòng khám sản khoa ở Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội than thở: "Tôi căn rất chặt, gần 10 năm rồi không dính lần nào vậy mà lần này để lỡ, hỏng hết kế hoạch".
Hỏi ra kế hoạch căn cơ của chị Mai khiến nhiều người bất ngờ. Chị Mai và chồng chọn biện pháp "xuất ngoài" để ngừa thai. Nghe các cụ bàn nhau đàn ông phải xuất tinh bên ngoài dễ bị lú lẫn khi về già. Vợ chồng chị Mai thực hiện biện pháp tính theo chu kỳ ngày kinh nguyệt. Chín năm nay biện pháp này rất an toàn với vợ chồng chị, đến khi lỡ kế hoạch, chị Mai vẫn không biết vì sao mà có bầu đuợc.
Không thể tính được ngày rụng trứng
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, xuất tinh ngoài là biện pháp tránh thai truyền thống của nhiều cặp vợ chồng, nhưng biện pháp này lợi bất, cập hại. Tránh thai bằng cách xuất tinh ngoài có tỷ lệ rủi ro cũng khá cao.
Khi quan hệ vợ chồng nam giới phải cố gắng kiềm chế để tránh xuất tinh trong âm đạo có thể làm cuộc “gặp gỡ” “đang vui thì đứt dây đàn”, ảnh hưởng tới khoái cảm vì họ phải cố tỉnh táo nhất vào đúng lúc hưng phấn nhất.
Hơn nữa, không phải người đàn ông nào cũng có khả năng kiềm chế. Kể cả khi “ém quân” để rồi xuất tinh ra ngoài, vẫn có thể có một chút tinh dịch thấm ra ngoài chứa một lượng tinh binh nhất định trong giai đoạn hưng phấn. Chỉ cần một chút tinh dịch này tiếp xúc với bất cứ vùng nào của âm đạo cũng đều có thể dẫn đến thụ thai.
Ngoài ra, việc kiềm chế xuất tinh như thế cũng khiến ảnh hưởng đến khả năng sinh lý của đàn ông.
Hơn nữa, biện pháp tránh ngày “nguy hiểm” của chị em cũng thực sự nguy hiểm vì không ai tính được cụ thể ngày rụng trứng. Nếu quan hệ tình dục bình thường tinh trùng khỏe mạnh có thể sống được 7 ngày bên trong cơ thể nên việc mang thai rất có thể sẽ xảy ra.
Trước những biện pháp tránh thai của chị em là canh ngày rụng trứng, bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung trung tâm Y tế Lao động Thái Hà khẳng định, biện pháp này không mang lại kết quả như chị em mong muốn.
Theo chu kỳ kinh nguyệt là 28 đến 30 ngày nhưng trứng rụng không chỉ phụ thuộc vào thời gian chu kỳ, kích thước trứng mà còn liên quan nhiều tới sự thay đổi nội tiết, tâm lý…Nhiều chị em khi đến phòng khám biết mình có thai đã ngỡ ngàng cho rằng kế hoạch, kiểm soát rất kỹ nhưng vẫn có bầu.
Có những ông chồng khẳng định không hề cho vợ “tinh binh” nên không thể có thai được. Bác sĩ Dung cho biết thậm chí có cả quý ông ngoài 40 tuổi vẫn cho rằng xuất tinh ngoài là an toàn. Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm.