Vừa “làm” vừa… mắng
Theo Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, khoảng 10-20% trường hợp nạo phá thai là các cô gái chưa lập gia đình. Tuổi quan hệ tình dục của thanh niên (TN) cũng ngày càng sớm. Còn theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên (VTN) tại Việt Nam năm 2011 là 46/1.000. Tỷ lệ này cao hơn so với nhiều nước châu Á, trong đó có Myanmar với tỷ lệ 17,4; Malaysia 12 và Singapore 5,2.
Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nạo phá thai và có con sớm là do TN-VTN còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS. Nguyễn Thị Bích (sinh viên Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội) do sống xa gia đình nên em sớm có mối quan hệ thân thiết với bạn trai, sau đó, để tiết kiệm tiền nhà, hai người đã sống chung.
Công nhân Công ty Canon (Hà Nội) hào hứng với buổi chia sẻ về SKSS hiếm hoi được tổ chức dành cho họ. |
Tuy nhiên, do e ngại, thụ động, Bích không sử dụng các biện pháp tránh thai dẫn tới mang thai ngoài ý muốn. “Khi em đi khám tại cơ sở y tế, em bị bác sĩ mắng mỏ nào là con gái ngày nay hư, không biết thương bố mẹ, ngu xuẩn không biết cách tránh thai... Bác sĩ cũng dọa em đủ bệnh như là thủng tử cung, viêm nhiễm, vô sinh. Em tởn đến già, lần sau có việc gì chỉ đến phòng khám tư cho nhanh”- Bích kể.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, hiện hệ thống chăm sóc SKSS cả về lượng lẫn kỹ thuật đều phát triển khá đầy đủ, rộng khắp các vùng miền. Tuy nhiên, không ít cán bộ y tế định kiến nên có thái độ cư xử với TN-VTN đến tư vấn và làm dịch vụ SKSS, đặc biệt là dịch vụ nạo phá thai. Điều đó khiến TN-VTN cảm thấy bị xúc phạm, e ngại.
Bà Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, tại 38 tỉnh thành đã có 98 góc thân thiện, 152 câu lạc bộ. Tuy nhiên, ở nhiều vùng sâu vùng xa, các đối tượng đặc thù như công nhân, người khuyết tật chưa được tiếp cận những thông tin này. TN-VTN khi có thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường tìm đến cơ sở tư nhân vì muốn làm nhanh, ít gặp mặt người lạ mà bất chấp nguy hiểm cho bản thân.
Công nhân thiệt thòi
Đinh Quang Trường – công nhân công ty Nhôm Đô Thành (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, rất nhiều bạn bè trong khu công nghiệp có người yêu và sống chung với nhau. Tuy nhiên, các mối quan hệ thường không bền vững, các kiến thức phòng tránh thai và bệnh tật lại không có nhiều. Do đó, các “tai nạn” xảy ra cũng không ít.
Bà Phùng Thị Hiên – cán bộ phụ trách dự án Nhịp sống trẻ dành cho công nhân khu công nghiệp (Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP) cho biết, các chính sách chăm sóc sức khỏe cho thanh niên là khá đầy đủ. Tuy nhiên, công nhân là đối tượng đặc thù, họ phải làm ca kíp, doanh nghiệp không cho nghỉ làm, trong khi các cơ sở chăm sóc SKSS công lập chỉ làm việc ban ngày, không làm vào ngày nghỉ. Các nguồn thông tin về SKSS cũng bị hạn hẹp. Do đó, họ không có điều kiện chăm sóc SKSS định kỳ, không tiếp cận được các dịch vụ tư vấn SKSS hiện nay. Đa số họ sẽ đi khám tại các phòng khám tư vào buổi tối. “Chúng tôi có dự án tuyên truyền chăm sóc SKSS cho công nhân, tuy nhiên khi liên hệ với doanh nghiệp, nhiều nơi đã từ chối vì “công nhân còn phải làm việc”. Theo bà Hiên, Nhà nước cần có quy định cụ thể yêu cầu doanh nghiệp phải có các buổi chăm sóc SKSS định kỳ cho công nhân và giám sát họ thực hiện.
Bà Hiên cho biết, có đến 76% trong tổng số gần 1.200 nữ công nhân được khám tại Hà Nội đã bị mắc bệnh phụ khoa. Nguyên nhân chính là họ không có kiến thức SKSS để bảo vệ và chăm sóc mình.
Báo cáo “Giám sát tình hình trẻ em và phụ nữ của Tổng cục Thống kê” chỉ rõ, 34,3% phụ nữ chưa lập gia đình không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ về các biện pháp tránh thai. Nữ TN thuộc các nhóm người di cư, dân tộc thiểu số, khuyết tật là những người dễ bị tổn thương nhất nhưng lại chưa được đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS nhiều nhất. Ngoài ra, 30% TN-VTN ở độ tuổi 14-24 thiếu kiến thức và thụ động trong tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS.