Năm 2020, khi đang là sinh viên năm thứ hai ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trần Ngọc Minh Anh đã chi 50 triệu đồng để đăng ký 4 khóa học MC. Kết thúc thời gian học, một năm sau, Minh Anh có những công việc đầu tiên. Nữ sinh hiện là MC tự do, cộng tác với một số cơ quan báo chí về phần thu âm tin tức.
"Lúc đầu, tôi chưa có định hướng cụ thể cho bản thân. Sau khi học xong khóa đào tạo MC, tôi thấy nghề này phù hợp với mình. Tôi bắt đầu trau dồi nhiều hơn, cố gắng để hoàn thiện các kỹ năng", Minh Anh nói với Zing.
Trần Ngọc Minh Anh (bên trái) hiện là người dẫn chương trình tự do. |
Chương trình học xứng với số tiền bỏ ra
Hai năm trước, trung tâm đào tạo người dẫn chương trình mà Minh Anh theo học có 5 khóa học. Nữ sinh viên đăng ký học 4 khóa với 4 cấp độ khác nhau. Mỗi khóa học kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Càng lên cấp độ cao, số buổi giảng dạy càng nhiều. Để học hết 4 khóa, Minh Anh mất một năm.
Theo cô, trung tâm dạy có mức phí khá cao. Cố đã băn khoăn và học thử một khóa. Sau khi học xong, Minh Anh cảm thấy mình có thể tiếp thu được nhiều kiến thức mới nên đã học thêm các khóa khác. "Mức học phí này tương xứng với chất lượng đào tạo", Minh Anh nói.
Ở khóa học đầu tiên, Minh Anh học các kỹ năng cơ bản của nghề dẫn chương trình là giọng nói, cách di chuyển trên sân khấu, tâm lý khán giả.
Các khóa học tiếp theo, nữ sinh tìm hiểu chi tiết những kỹ năng trong việc dẫn chương trình. Hai hướng đào tạo ở các khóa học này là MC truyền hình và MC sự kiện.
"Mỗi buổi học ở trung tâm chủ yếu là thực hành. Thầy cô thường giảng dạy lý thuyết một chút rồi cho học viên luyện tập, sau đó góp ý chỉnh sửa", Minh Anh nói.
Nguyễn Thị Uyển Cầm (22 tuổi, TP.HCM) cũng lựa chọn học MC khi đang là sinh viên năm thứ hai. Uyển Cầm đã đăng ký khóa học cơ bản với mức học phí 10 triệu đồng. Mỗi tuần, Cầm học 2 buổi với thời lượng mỗi buổi từ 1,5 đến 2 tiếng.
Ban đầu, Uyển Cầm băn khoăn trong việc lựa chọn trung tâm đào tạo người dẫn chương trình ở TP.HCM. Nhiều điểm có mức học phí thấp hơn. Tuy nhiên, cô xác định bản thân muốn gắn bó với nghề dẫn chương trình, vì vậy, khi đủ điều kiện tài chính, Cầm sẵn sàng lựa chọn môi trường tốt để học tập.
"So với những ngành nghề khác, học phí đào tạo nghề dẫn chương trình không rẻ. Một khi đã xác định nghiêm túc với nghề, bản thân phải chấp nhận đầu tư", Uyển Cầm nói.
Thêm cơ hội việc làm và tự tin hơn
Cùng học tại trung tâm đào tạo MC với Minh Anh, Nguyễn Thị Hồng Trang, sinh viên năm 4 ngành Dược, ĐH Y Dược TP.HCM, đăng ký học khóa kỹ năng MC, kỹ năng livestream và kỹ năng lồng tiếng. Tổng học phí của Trang là hơn 30 triệu đồng.
Là sinh viên ngành Dược, Trang không thể dành hết thời gian của mình cho nghề dẫn chương trình. Do đó, cô xác định mình sẽ 'tay trái cầm thuốc, tay phải cầm micro'.
"Nhờ chuyên ngành học chính ở trường, tôi phù hợp với những chương trình có bác sĩ, dược sĩ hoặc thiên về chăm sóc sức khỏe và có thể cộng tác với nhiều bệnh viện hơn", Hồng Trang nói.
Trước khi học MC, Hồng Trang đã có nhiều cơ hội dẫn chương trình trên các sân khấu ở trường học. Sau khi kết thúc các khóa học này, nữ sinh viên bắt đầu dẫn chương trình ở bên ngoài nhiều hơn. Theo Hồng Trang, việc tham gia khóa học MC giúp cô nhận được những công việc có giá trị, phù hợp với năng lực.
Nguyễn Thị Hồng Trang (bên trái, ngoài cùng) đã dẫn nhiều chương trình về sức khỏe. |
Đối với Nguyễn Thị Hồng Trang, thay đổi lớn nhất của bản thân sau các khóa học này là cô cải thiện tâm lý trước đám đông. Hồng Trang tự tin hơn khi thuyết trình, hoạt động trong các câu lạc bộ và thuyết phục bạn bè để lên ý tưởng học tập.
"Nếu không học nghề dẫn chương trình, tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn để cải thiện tâm lý của mình. Ngoài ra, sau những buổi học ở trung tâm, tôi có thêm các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè trong nghề", Hồng Trang nói.
Đồng quan điểm với Trang, Minh Anh cho rằng các mối quan hệ này giúp bản thân có thêm cơ hội dẫn chương trình. Các anh chị trong giới chủ động nhắn tin mời Minh Anh cùng thực hiện nhiều chương trình khác nhau.
Cần nỗ lực và thực hành để cọ xát với nghề
Để các khóa học MC phát huy tối đa hiệu quả, Uyển Cầm cho rằng người học cần thực hành, va chạm nhiều ở thực tế. Qua đó, người học mới hiểu bản chất, tình yêu của mình với nghề dẫn chương trình.
"Các trung tâm đóng phần quan trọng vào việc bạn có trở thành MC hay không. Nhưng phần còn lại phụ thuộc vào sự cố gắng của mỗi người. Môi trường bên ngoài mới giúp tôi trưởng thành hơn khi dẫn chương trình", Cầm nói.
Minh Anh cũng chia sẻ sau khi nắm vững lý thuyết được giảng dạy, người học cần luyện tập, thực hành thêm. Thời gian đầu, khi chưa dẫn chương trình ở các sự kiện, học viên có thể thực hành tại nhà bằng cách luyện đọc các tin tức trên báo chí, sau đó đăng các sản phẩm của mình lên mạng xã hội.
"Đặc thù của các khóa học MC là bạn phải đứng lên, thực hành rất nhiều với người khác. Việc này giúp bạn được góp ý để cải thiện kỹ năng. Bên cạnh đó, khi thực hành nhiều, bạn sẽ quen và tự tin hơn. Đây là yếu tố cần thiết cho rất nhiều công việc, không chỉ với nghề MC", Minh Anh giải thích.
Hồng Trang cho rằng người học cần thực hành nhiều để cọ xát với nghề dẫn chương trình. |
Hồng Trang nhận định không phải ai học các khóa đào tạo MC đều có thể làm công việc này. Người học cần có đam mê, tự tạo động lực để bản thân cố gắng trau đồi, không bỏ cuộc giữa chừng, nắm bắt tất cả cơ hội làm nghề.
"Cơ hội là do chính bản thân tạo ra. Nếu bạn học tốt, có năng lực, thầy cô, anh chị đi trước mới có thể giới thiệu công việc, chương trình để bạn đi làm", Hồng Trang nói.
Nữ sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM nhận định bất kỳ ai cần giao tiếp với nhiều người hoặc phải nói trước đám đông cũng nên trang bị một ít kỹ năng MC. Các khóa học MC cơ bản có thể giúp người học cải thiện kỹ năng giao tiếp, làm chủ đám đông và phù hợp với những người chưa biết gì về nghề dẫn chương trình.