Tối 21/7, Huỳnh Lan, du học sinh ở North Rhine-Westphalia (Đức), ngủ một mạch hơn 9 giờ. Sau những đêm thao thức mất ngủ vì nóng, đây là buổi tối đầu tiên Lan có giấc ngủ trọn vẹn. Nữ sinh cảm thấy cơ thể khỏe khoắn, ăn uống ngon miệng hơn.
“Những hôm vừa rồi, trời nóng như đổ lửa, mình không ăn không ngủ được, còn bị sút cân. Cũng may, trời đỡ nóng, mình mới thấy thoải mái hơn một chút”, nữ sinh tâm sự với Zing.
Mất ngủ, sút cân vì quá nóng
Nơi Huỳnh Lan sống là một bang ở miền Tây nước Đức, nhiệt độ trung bình khoảng 15-32 độ C. Tuy nhiên, đợt nắng nóng vừa rồi, nhiệt độ trong vùng chạm mức 40 độ C. 13-21h là khoảng thời gian nền nhiệt tăng cao, nếu không tránh nóng đúng cách, sức khỏe rất dễ bị ảnh hưởng.
Lan mới sang Đức du học khoảng 6 tháng, chưa quen với điều kiện thời tiết ở địa phương. Nữ sinh nhận xét thời tiết mùa hè ở Đức vừa nóng vừa khô, khác với kiểu thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam. Cô bị dị ứng da mạn tính, nếu ra ngoài mà không che chắn hay dùng kem chống nắng, làn da sẽ bị bong tróc, nổi mẩn đỏ. Chưa đầy một tháng, cô dùng hết 10 lọ kem chống nắng.
Huỳnh Lan dùng hết 10 lọ kem chống nắng trong chưa đầy một tháng. Ảnh: NVCC. |
Một điểm Huỳnh Lan cảm thấy bất tiện khi sống ở Đức là nhà không có điều hòa. Nữ sinh còn thuê phòng gác mái, nhiều cửa sổ. Những ngày nắng nóng lên đến 40 độ C, cô kiệt sức, không thở nổi vì ánh nắng và sóng nhiệt phả thẳng vào nhà.
“Mấy hôm trước, dù đã 22h, nhiệt độ trong nhà vẫn là 36 độ C. Mình không ngủ nổi dù nhà được thiết kế cách nhiệt và bật quạt liên tục. Mình phải nằm bất động để tránh ra mồ hôi”, nữ sinh nói.
Trời nóng, việc sinh hoạt và sức khỏe của Lan bị ảnh hưởng đáng kể. Cả ngày, cô chỉ uống nước, nhiều hôm, chỉ ăn được một bữa. Trải qua một tuần sống trong cái nóng ở Đức, nữ sinh Việt sút 3 kg.
Việc đi lại của Lan cũng bị gián đoạn do sóng nhiệt kỷ lục ở châu Âu. Thông thường, nữ sinh dùng phương tiện công cộng để đi học, đi làm. Trong những ngày nắng to, nữ sinh chấp nhận đi bộ hơn 20.000 bước chứ không lên xe buýt hay tàu điện vì ngại nóng và mùi mồ hôi. Cô miêu tả không khí trong xe buýt vào những ngày đó không khác gì lò nướng.
Trong khi đó, Gia Linh, du học sinh ở Nottingham (Anh), nhận xét cái nóng ở nước này khắc nghiệt hơn cái nóng tại TP.HCM - nơi cô từng sinh sống. Trời nắng to, kết hợp luồng gió nóng rát khiến nữ sinh có cảm giác như đang ở sa mạc. Những ngày nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C, cô phải mở hết cửa sổ và “ôm” cây quạt rất lâu nhưng vẫn không thể chợp mắt.
Hôm 19/7 vừa rồi, Gia Linh cùng bạn bè di chuyển từ London về Nottingham. Ở trên xe buýt có điều hòa nhiều giờ liền, khi xuống xe, cô bị sốc nhiệt. Cái nóng khắc nghiệt ở xứ ôn đới khiến Linh choáng váng, hụt hơi và da dẻ luôn trong tình trạng khô do thiếu nước.
Nữ sinh chia sẻ thêm những người bạn của cô là dân bản địa ở Nottingham cũng gặp khó khăn khi chống chọi với cái nóng 40 độ C. Sức khỏe, tâm lý đều bị ảnh hưởng. Một người bạn của Linh sau khi chuyển nhà giữa trời nắng nóng đã đổ bệnh.
“Trời nóng nên nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà. Nhưng khổ nỗi, ở nhà cũng không mát hơn là bao. Bọn mình khi làm việc hay làm bài tập nhóm cũng hay kéo nhau ra thư viện chứ ở nhà nóng quá không chịu nổi”, nữ sinh nói.
Cũng là du học sinh ở Anh, Lê Tùng (sống tại Manchester) luôn trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi vì mất ngủ, mất nước do nắng nóng. Những ngày Manchester tăng nhiệt, Tùng đi ngủ từ 23h nhưng 3h mới vào giấc, 5h lại tỉnh vì quá nóng.
Mất ngủ gây ảnh hưởng việc học tiến sĩ của Tùng, anh không thể tập trung và làm bài kém hiệu quả hơn ngày thường. Trời nóng còn khiến Lê Tùng không thể ăn uống. Chỉ hơn một tuần nắng nóng, anh giảm 1,5 kg.
Đến Anh du học từ tháng 1/2022, Tùng chưa bao giờ phải trải qua cái nóng khủng khiếp như vậy. Những ngày nóng đỉnh điểm như hôm 19/7 vừa qua, nam sinh phải tìm mua quạt điện vì nhà không có điều hòa. Tuy nhiên, các cửa hàng đồ điện tử, siêu thị đều “cháy hàng”. Vì không mua được quạt, anh đành phải dùng khăn, bọc đá và chườm lên người để hạ nhiệt.
Cảm thấy được giải thoát khi trời mát trở lại
Trải qua những ngày khổ sở vì nắng nóng, du học sinh Việt ở châu Âu cảm thấy vui mừng khi nền nhiệt giảm xuống, thời tiết không còn quá gay gắt.
Sau nhiều ngày nằm yên trong nhà vì ngại nắng nóng, Huỳnh Lan mô tả bản thân “vui như Tết” vì nhiệt độ ở Đức đã giảm. Trời mát, tâm trạng của nữ sinh cũng vui vẻ hơn. Cô ra đường tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ đến tận 23h, khi nắng tắt, mới trở về nhà.
Trở lại nhịp sống ban đầu, Huỳnh Lan làm được nhiều việc hơn, không còn lo bị gián đoạn khi di chuyển. Bên cạnh việc học tập, nữ sinh dành thêm thời gian trượt ván, uống cà phê và đi dạo cùng bạn bè.
Gia Linh cũng được tận hưởng niềm vui khi thời tiết mát mẻ trở lại. Ở Nottingham, nhiệt độ đã giảm còn 16-17 độ C. Dù trời chưa mưa, nữ sinh vẫn có cảm giác dễ chịu hơn trước. Nữ sinh nhận thấy sức khỏe ổn định, ngủ ngon hơn khi nhiệt độ trong thành phố giảm xuống.
Khác với Huỳnh Lan, Gia Linh lại chọn ở nhà trong những ngày mát mẻ. Cô nhận thấy thời tiết 16-17 độ C thích hợp cho những hoạt động tại nhà như uống trà, đọc sách. Nữ sinh hy vọng thời gian tới, thành phố Nottingham sẽ không phải hứng chịu thêm đợt nóng mới, tránh làm đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng sức khỏe của người dân địa phương.
Lê Tùng đi chơi cùng bạn bè khi thời tiết ở Manchester dịu hơn. Ảnh: NVCC. |
Ở Manchester, thời tiết “quay ngoắt 180 độ” so với những ngày trước. Lê Tùng bày tỏ niềm phấn khởi khi nhiệt độ đã giảm chỉ còn 15-16 độ C, kèm theo luồng khí lạnh và những cơn mưa bất chợt. Thoát khỏi cái nóng, nam sinh vui vẻ hơn, không còn khó chịu và căng thẳng như trước.
Khi gió lạnh về, Tùng quyết định ngủ một giấc thật sâu để bù lại những ngày mất ngủ giữa mùa nóng. Nam sinh cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn, việc học tập, làm việc cũng đạt hiệu quả hơn trước.
“Trời mát, mình có thể ra bãi cỏ trong trường học bài. Mình cũng dành thời gian ra ngoài chơi và đi ăn lẩu cùng bạn bè”, nam sinh hào hứng chia sẻ.
Gia Linh chia sẻ thêm trong những ngày nắng nóng, Chính phủ Anh khuyên các công ty nên cho nhân viên làm việc tại nhà nếu văn phòng không có điều hòa nhiệt độ, đồng thời nhắc nhở người dân hạn chế ra ngoài hoặc đi đường xa. Một số công ty ở Nottingham cho nhân viên làm việc nửa ngày, trong khi đó, một số công ty ở London chỉ cho phép 20% nhân viên đến văn phòng làm việc.
Thời điểm đó, các tuyến xe buýt nội thành tại Nottingham đều mở cửa sổ. Tại các điểm dừng, đỗ xe buýt, chính quyền địa phương bố trí nhân lực phát nước miễn phí cho hành khách.
Gia Linh khuyên các du học sinh tại Anh nên chuẩn bị sẵn quần áo mỏng, mát để đối phó với thời tiết nắng nóng. Mỗi bạn cũng nên đầu tư thêm quạt điện, đề phòng trường hợp nhà trọ không có điều hòa hay các thiết bị cách nhiệt, làm mát.
Cùng quan điểm với Gia Linh, Huỳnh Lan khuyên các du học sinh tại châu Âu khi gặp kiểu thời tiết nắng nóng thì nên mặc quần áo mỏng, thấm mồ hôi, đồng thời uống nhiều nước và ăn thêm rau xanh. Nếu ra đường, Lan khuyên các bạn nên dùng kem chống nắng, đội mũ và mang theo quạt cầm tay.