Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi hàng trăm USD để cắm trại sang chảnh

Khó đi du lịch nước ngoài, ngày càng nhiều người trẻ và gia đình Trung Quốc tìm đến những điểm cắm trại với đầy đủ tiện nghi như một khách sạn cao cấp để nghỉ dưỡng.

Một năm qua, Yoga Song (26 tuổi) đã có khoảng 10 chuyến du lịch đến nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc, chủ yếu là vùng ngoại ô.

Thay vì nghỉ lại khách sạn hay homestay, cô đã đặt chỗ tại một điểm glamping để trải nghiệm.

"Đây là trào lưu du lịch phổ biến nhất dạo gần đây. Vào mỗi cuối tuần hoặc dịp lễ, những điểm cắm trại này thường kín chỗ", Song nói.

"Glamping", hay còn gọi là cắm trại sang chảnh, là trào lưu đi dã ngoại ở ngoại ô, vui chơi và thư giãn trong chiếc lều lớn, đầy đủ tiện nghi tựa một khu nghỉ dưỡng thực thụ.

cam trai sang chanh o trung quoc anh 1

Ngày càng nhiều người trẻ, gia đình Trung Quốc chọn cắm trại sang chảnh để có đủ tiện nghi khi nghỉ ngơi ở ngoại ô, nông thôn. Ảnh: Shine.

Trào lưu cắm trại tiện nghi

Theo CNN, ngày càng nhiều người trẻ thành thị ở xứ tỷ dân mong muốn đến khu vực ngoại ô, nông thôn để thay đổi không khí, giảm bớt căng thẳng. Nhưng họ lại không sẵn sàng từ bỏ những tiện nghi như đệm mềm, wifi hay điều hòa.

Vì thế, trào lưu cắm trại sang chảnh dần trở thành lựa chọn hàng đầu khi cho các chuyến du lịch, dã ngoại.

Xu hướng này lần đầu xuất hiện kể từ khi Covid-19 bùng phát. Khi đó, người dân Trung Quốc không thể ra nước ngoài, bị hạn chế di chuyển nên muốn trải nghiệm du lịch nội địa, cụ thể là hoạt động cắm trại.

Báo cáo do công ty điều hành du lịch CTrip công bố cho thấy lượt tra cứu từ khóa "glamping" đã tăng gấp 8 lần vào năm 2021.

cam trai sang chanh o trung quoc anh 2

Ảnh hưởng từ các hạn chế di chuyển trong đại dịch khiến hình thức cắm trại này trở nên phổ biến. Ảnh: China Daily.

Trong dịp lễ Quốc tế Lao động vừa qua, nền tảng Qunar thống kê rằng doanh thu bán vé của các công viên cho phép cắm trại đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Website đặt phòng Tujia cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh trong lượng đặt chỗ ở các khu vực cắm trại sang chảnh.

Trang web Xiaohongshu là một trong những nhân tố thúc đẩy xu hướng này, nhất là sau khi phủ sóng nền tảng bằng hàng loạt bài đánh giá các chuyến glamping.

Người dùng trên website này thường xuyên đăng tải ảnh check-in tại những điểm cắm trại mới và lộng lẫy nhất, danh sách vật phẩm cần đem theo lúc glamping, và các công thức nấu nướng tiện lợi trong chuyến đi.

Thông thường, các cơ sở cắm trại sang chảnh luôn có đầy đủ tiện nghi cho khách nghỉ, từ chăn nệm, ổ điện, cho tới khu vực chụp hình. Tuy nhiên, chi phí lưu trú tại đây thường có giá khoảng 1.000 yuan/đêm/người (khoảng 148 USD).

cam trai sang chanh o trung quoc anh 3

Mỗi lều trại đều được trang bị đầy đủ tiện nghi như nhà vệ sinh, bếp nướng, wifi, nệm giường... như một phòng khách sạn cao cấp. Ảnh: Li Yang/Unsplash.

Wade Cheung, giám đốc tiếp thị của công viên giải trí Saiyuen (Hong Kong), tiết lộ lượng khách đặt chỗ đã "tăng đáng kể" trong 2 năm qua, với hơn 10% khách hàng quay lại sau lần lưu trú đầu tiên.

"Sau đại dịch, ngày càng nhiều người muốn khám phá, trải nghiệm cuộc sống đơn giản, mộc mạc ở vùng đồng quê. Chúng tôi cung cấp những cảm giác ấy qua cách thiết lập các khu vực cắm trại glamping theo chủ đề", Cheung nói.

Saiyuen có nhiều chủ đề khác nhau, với khu vực cắm trại riêng biệt cho các nhóm khách. Mỗi khu lều có thể chứa tới 4 người, có phòng tắm riêng biệt, bếp nướng và võng nằm.

Một đêm trong túp lều sang trọng này có giá khoảng 446 USD đến 611 USD, tương đương với một đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp.

Cheung nhận định rằng hầu hết khách hàng tìm đến dịch vụ cắm trại sang chảnh vì ưu tiên sự tiện nghi, thoải mái hơn là tận hưởng, hòa mình với thiên nhiên.

Chỉ là trào lưu nhất thời

Song nói với CNN rằng sự phổ biến của trào lưu cắm trại sang chảnh đa phần là vì các hạn chế phòng dịch. Thế nhưng, cô lo rằng sự hào nhoáng, xa xỉ mà xu hướng này đem lại có thể khiến người trẻ hiểu lầm về mục đích của hoạt động cắm trại.

cam trai sang chanh o trung quoc anh 4

Nhiều người cho rằng trào lưu glamping sẽ "hạ nhiệt" khi hạn chế di chuyển được gỡ bỏ. Ảnh: Radii China.

"Thực tế, chúng ta đi cắm trại vì muốn gần gũi với thiên nhiên, thay đổi môi trường, rời xa những tiện nghi cuộc sống. Những gì mà glamping thể hiện quá hào nhoáng, khiến khách hàng coi đó là tiêu chuẩn để đánh giá mọi thứ", cô nói.

Tuy nhiên, Song khẳng định rằng "gần gũi với thiên nhiên" không đồng nghĩa là bỏ đi hoàn toàn các tiện nghi tối thiểu.

"Vài người bạn của tôi có thể cắm trại ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc ba lô. Tôi khó mà làm được điều đó. Ít nhất, tôi cần tìm nơi có các tiêu chuẩn vệ sinh cơ bản", cô nói.

Nhiều ý kiến cho rằng xu hướng này có thể "tắt dần" khi các hạn chế di chuyển, du lịch được nới lỏng.

"Sau khi đại dịch ổn định và các hạn chế được gỡ bỏ, xu hướng này có thể sẽ dần giảm xuống. Hiện tại, 60% khách hàng tới Saiyuen đều là các gia đình trẻ. Họ vừa muốn đưa con cái đi cắm trại, vừa muốn đảm bảo các tiện nghi cơ bản, thậm chí xa xỉ một chút để bớt vất vả", Cheung lưu ý.

Cách người giàu đi du lịch

Những người trẻ giàu có thích du lịch kết hợp làm việc, muốn chủ động lên kế hoạch cho chuyến đi và thường tham khảo các đề xuất của influencer trên mạng xã hội.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm