Chị rủ em bán 'vốn tự có' để thoát cảnh nghèo
Nhà nghèo, không đi học, chẳng biết chữ nên chị em Lan và Mai không biết làm gì. Hai cô gái này đã rủ nhau đi làm gái gọi.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phú, từ nhỏ 2 chị em ruột Nguyễn Thị Lan, SN 1983 và Nguyễn Thị Mai, SN 1989, không được học hành đầy đủ. Cám cảnh quê nghèo, 2 chị em kéo nhau xuống Hải Phòng làm nghề buôn phấn bán hương trong nỗi ê chề. Những ngày tháng được giáo dục, cải tạo tại Trung tâm Thanh Xuân đã giúp 2 cô gái quê hiểu ra lẽ sống ở đời và họ đang hy vọng về ngày mai tốt đẹp hơn.
Vì nghèo mà chị em rủ nhau đi bán dâm (Ảnh minh họa). |
Nghe theo bạn bè, đi… bán dâm
Tôi gặp Lan và Mai tại Trung tâm Thanh Xuân, khi 2 em vừa kết thúc giờ lao động buổi chiều. Không khó để nhận ra 2 cô gái này là con “nhà nông chính hiệu”, bởi sự lam lũ hiện ra từ dáng vẻ bề ngoài của họ. Cô chị tên Lan có thân hình cục mịch, nước da ngăm đen và lối giao tiếp nhát gừng. Còn cô em tên Mai thì mảnh dẻ, nước da trắng mịn và có tài ăn nói hơn. Ý thức được công việc nhơ nhuốc mà mình đã dấn thân nên khi được cán bộ Trung tâm dẫn ra phòng thăm gặp, cả Lan và Mai để tỏ ra e ngại và khép nép.
Ở môi trường giáo dục khác, có lẽ việc 2 chị em ruột cùng học chung một trường sẽ là niềm hạnh phúc cho chính họ và bố mẹ, thế nhưng ở nơi chỉ dành giáo dục nhân phẩm cho những cô gái buôn phấn bán hương này thì việc có mặt của cả 2 chị em gái ruột chẳng lấy gì làm hãnh diện. Dù rằng, như cô chị thừa nhận: “Ở đây em nhớ nhà lắm, có chị có em cũng đỡ hơn, nhưng…”.
Lan là con cả trong gia đình có bốn anh chị em. Dưới Lan là một cô em gái khác rồi mới đến Mai và cậu em út. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, quanh năm bố mẹ làm lụng vất vả mà cũng chẳng đủ ăn. Lan bảo: “Nhà nghèo quá nên em không được đi học. Em không biết chữ đâu chị ạ…”. Ngày còn nhỏ, vì là chị cả nên Lan phải lo giúp mẹ trông em và làm những công việc nhà. Khi đến tuổi đi học, bố mẹ Lan vẫn mải miết kiếm miếng ăn, “quên” cả việc lo cho con gái đi học. Rồi cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng, Lan thất học, ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng.
Rồi khi đã thành thiếu nữ, Lan yêu một một anh chàng cùng làng hơn cô một tuổi và nhanh chóng kết hôn. Được nhà chồng tạo điều kiện cho ít đất, 2 vợ chồng dựng căn nhà tạm để trú mưa, nắng. Do không có việc làm ổn định, vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm sống nên thường xuyên to tiếng, cãi vã. Khi Lan mang thai đứa con trai đầu lòng được 7 tháng thì gã chồng bỗng thay lòng đổi dạ, bỏ Lan và cái thai trong bụng, vào tận miền Nam kiếm sống và cũng bặt tăm từ đó không về. Tủi phận, không còn chỗ bấu víu, Lan đành vác bụng bầu ộ ệ về nhà mẹ đẻ để chờ sinh…
Hỏi thăm Lan về cậu con trai nhỏ, cô cũng chẳng nhớ nổi ngày sinh của con bởi không biết chữ và cũng chẳng biết cách tính tuổi con. May có cô em gái ngồi bên nhắc giúp, Lan mới nhớ. Con trai Lan đã tròn 4 tuổi và đang ở cùng ông bà ngoại, thằng bé ngoan và bụ bẫm lắm. Hỏi lý do của sự rạn nứt tình cảm vợ chồng, Lan thật thà: “Em cũng chẳng biết được. Cãi nhau, đánh nhau nên bỏ đi thôi…”. Lan bảo, cô biết tin chồng cô giờ đã chung sống với người đàn bà khác, dù về mặt giấy tờ thủ tục anh ta chưa chấm dứt cuộc hôn nhân với cô.
Hận chồng bội bạc, lại thêm gia cảnh khốn khó nên khi nghe chúng bạn rủ xuống Hải Phòng để làm giúp việc, lương tháng vài triệu bạc, Lan như kẻ chết đuối vớ được cọc nên nhận lời. Lan bỏ lại đứa con thơ cho cha mẹ chăm sóc, háo hức cùng bạn đến chốn phồn hoa đô thị, những mong kiếm tiền gửi về nuôi con. Thế nhưng, khi bước chân xuống Hải Phòng, cô mới nhận ra rằng, đồng tiền không dễ kiếm như viễn cảnh mà chúng bạn đã “vẽ” ra. Rồi Lan thấy mấy cô bạn đồng hương có tiền rủng rỉnh, công việc nhàn nhã, chẳng phải bươn chải nắng mưa nên tò mò...
Lâu dần, nghe theo bạn bè, Lan chấp nhận bán trôn nuôi miệng với ý nghĩ ngô nghê rằng, làm nghề này chẳng mất vốn liếng gì, lại kiếm được nhiều tiền hơn những công việc cô đã từng làm. Qua bạn bè môi giới, Lan được nhận vào làm tiếp viên trong nhà nghỉ Phúc Quỳnh trên đường Nguyễn Văn Linh. Tại đây, cô được chủ nhà nghỉ nuôi ăn, ở ngay tại đó và phục vụ khách mỗi khi được gọi. Giá mỗi “cuốc” đi khách của Lan là 200.000 đồng nhưng cô chỉ nhận được một nửa. Thi thoảng có vị khách hào phóng “bo” thêm vài đồng, số tiền ấy Lan giành dụm, cất giữ cẩn thận để gửi về quê.
Rủ em gái cùng bán “vốn tự có”
Từ ngày Lan đi làm ăn xa, có chút tiền về quê, bố mẹ cũng mở mày mở mặt, cuộc sống sinh hoạt cũng bớt khó khăn hơn. Các em của Lan dù may mắn hơn cô, được đi học nhưng cũng chẳng ai học đến nơi đến chốn. Cô em gái tên Mai chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng. Thấy chị cả gửi con cho ông bà ngoại để đi làm ăn xa, mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu gửi về, không phải chân lấm tay bùn nên Mai cũng ao ước.
Con gái mới lớn, Mai cũng muốn có chút tiền, gọi là vốn liếng phòng thân để sau này lấy chồng nên nhất quyết xin bố mẹ đi làm xa như chị. Nói mãi rồi bố mẹ cũng đồng ý để Mai theo Lan xuống Hải Phòng kiếm việc làm, chẳng gì cũng có chị có em. Họ đâu biết rằng ở nơi đất khách quê người, con gái của họ lại làm cái nghề nhơ nhuốc ấy.
Một ngày, Lan đưa Mai xuống Hải Phòng và nhanh chóng bố trí cho em gái làm nhân viên tại nhà nghỉ Phúc Quỳnh để 2 chị em “bảo ban nhau làm ăn”. Dù dấn thân sau cô chị, nhưng với tài ăn nói, có chút nhan sắc, Mai thường được khách “bo” có phần “xộp” hơn. Nhưng rồi, 2 chị em hành nghề chưa được bao lâu thì nhà nghỉ Phúc Quỳnh bị công an truy quét, chủ chứa bị xử lý pháp luật. Chị em Lan - Mai bị thu gom và đưa vào Trung tâm Thanh Xuân giáo dục, cảm hóa.
Tôi hỏi về số tiền mỗi ngày 2 chị em kiếm được bằng việc bán thân, Mai bảo: “Em chẳng muốn nhắc đến nữa. Ra khỏi đây em sẽ làm lại cuộc đời. Cũng là vì nhà nghèo quá nên em chấp nhận làm cái nghề này…”. Tuy Mai chẳng nói ra số lần cô phải tiếp khách mỗi đêm nhưng chắc hẳn đó là một số nhiều bởi chẳng một chủ chứa nào không tận dụng, khai thác tối đa vốn tự có của những cô thôn nữ như Mai. Tôi thoáng rùng mình khi nghĩ đến nguy cơ lây nhiễm bệnh xã hội của những cô gái bán hoa. Đoán được suy nghĩ của tôi, Mai bảo: “May mắn, hai chị em không bị nhiễm HIV, bởi mỗi lần “đi làm”, bọn em đều bắt khách phải đi bao cao su. Em cũng sợ bệnh tật lắm!”.
Ngắt lời cô em, Lan lại bảo: “Còn 3 tháng nữa 2 chị em được ra trại. Chúng em sẽ về quê thôi…”. Lan còn cho biết sau này cô sẽ về phụ mẹ làm ruộng rồi vay vốn chăn nuôi con gà, con lợn để có đồng ra đồng vào. Còn tương lai cuộc sống gia đình, cô chẳng dám hy vọng nhiều.
Biết tin hai chị em Lan vào Trung tâm Thanh Xuân, bố mẹ ở quê buồn nhiều lắm. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hơn năm qua, mẹ cũng chỉ xuống thăm con một lần. Lan bảo: “Gặp 2 chị em trong trung tâm, mẹ buồn lắm nhưng cũng chỉ biết khóc, rồi mẹ lại động viên chị em cố gắng học tập, cải tạo tốt để sớm trở về quê”. Lần gặp mẹ hiếm hoi ấy là động lực để chị em Lan làm lại cuộc đời sau những vấp ngã, dại dột, bồng bột của tuổi trẻ. Điều đáng quý của con người là biết đứng dậy sau khi vấp ngã, hy vọng rằng hai chị em Lan sẽ làm được điều đó và sau này trở về, họ sẽ tìm được mái ấm nơi quê nghèo.
* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
Theo An Ninh Hải Phòng