Thời kỳ đại dịch đã làm bùng nổ trào lưu "hẹn hò bạn trai ảo", khi các cô gái say đắm những chàng trai là nhân vật bảnh bao, lãng tử trong trò chơi điện tử. Giờ đây, nhiều phụ nữ bắt đầu thuê diễn viên cosplay hóa trang để được hẹn hò với bạn trai trong mơ.
Buổi hẹn hò đầu tiên của Rynee Ren (20 tuổi) với bạn trai Zuo Ran là tất cả những gì cô mơ ước. Hai người chơi băng chuyền ở công viên, đến thăm một cửa hàng nước hoa nơi họ cùng nhau tạo ra mùi hương độc đáo của riêng mình.
Trước khi chia tay ra về, họ còn trao nhau một nụ hôn nồng nàn.
Vấn đề duy nhất là Zuo Ran không có thật. Người mà Ren hôn thực ra là một nữ cosplayer, người được cô gái 20 tuổi này đã thuê trong một buổi chiều để đóng vai Zuo Ran - nhân vật trong trò chơi điện tử yêu thích của mình.
Giờ đây, "cos commission", dịch vụ giúp phụ nữ giống như Ren trên khắp Trung Quốc được gặp bạn trai trong game của họ ngoài đời thực, đang ngày càng phổ biến.
Bạn trai ảo, tình cảm thật
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc xa lánh các mối quan hệ ngoài đời thực. Thay vào đó, họ tìm kiếm sự lãng mạn trong các trò chơi điện tử nổi tiếng.
Các thành viên của nhóm văn hóa này, được gọi chung là “những cô gái mộng mơ”, thường nảy sinh tình cảm mãnh liệt với các nhân vật nam trong trò chơi, sẵn sàng chi hàng nghìn USD để mở khóa cấp độ mới.
Nhiều người thậm chí cố gắng chuyển mối quan hệ kỹ thuật số này sang thế giới thực. Những cô gái mộng mơ như Ren chọn thuê diễn viên cosplay chuyên nghiệp để đóng giả các nhân vật, sau đó tổ chức những buổi hẹn hò công phu với người mình yêu.
Ren đã thuê một nữ cosplayer đóng vai nhân vật yêu thích của cô trên game trực tuyến. |
Hàng loạt bức ảnh về các cô gái trẻ trong ngày hẹn hò với bạn trai ảo viral trên mạng xã hội Trung Quốc trong những tháng gần đây, với hashtag liên quan nhận được hơn 100 triệu lượt xem trên Douyin.
Mặc dù nghe có vẻ giống cốt truyện trong loạt phim khoa học viễn tưởng "Black Mirror", cơn sốt "cos commission" không thực sự được thúc đẩy bởi công nghệ tiên tiến.
Đối với nhiều người, trào lưu này phản ánh nhiều hơn các vấn đề xã hội sâu xa: cụ thể là quan hệ giới tính không cân bằng của Trung Quốc, nhiều năm phong tỏa vì đại dịch khiến những người trẻ tuổi cảm thấy bị cô lập và mất kết nối.
"Cos commission" có nguồn gốc từ thế giới của các trò chơi "otome", được phát triển đầu tiên ở Nhật Bản đầu những năm 1990. Đây là những trò chơi điện tử dựa trên cốt truyện khuyến khích người chơi nữ phát triển mối quan hệ lãng mạn với các nhân vật nam trong game.
Otome game lan sang Trung Quốc vào những năm 2010 và nhanh chóng thu hút lượng lớn người xem.
Vào năm 2017, "Love and the Producer" - trò chơi kể về nam giám đốc truyền thông đang xây dựng sự nghiệp của mình, trong khi hẹn hò với 4 người bạn tâm giao tiềm năng - đã có hơn 7 triệu lượt tải xuống, truyền cảm hứng cho một loạt tựa game tương tự.
Ngay từ đầu, những trò chơi này đã truyền cảm hứng cho nền văn hóa hâm mộ cuồng nhiệt, đôi khi là ám ảnh, ở Trung Quốc. Nhiều cô gái mộng mơ tiêu hàng chục nghìn nhân dân tệ vào trò chơi, với mong muốn thắt chặt mối quan hệ với các nhân vật.
Thực tế, sự bùng nổ không phải vì trò chơi đặc biệt có công nghệ cao: đồ họa thường ở mức trung bình và các tương tác trong trò chơi được viết theo kịch bản.
"Nhưng các nhân vật nam có sức hấp dẫn tình cảm mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những người chơi nữ có lòng tự trọng thấp", Sun Yuannan, giảng viên tại Đại học Sư phạm Sơn Đông, người nghiên cứu tác động của otome game đối với phụ nữ, cho biết.
"Càng chơi nhiều, họ càng trở nên túng thiếu hơn. Khi lượng thời gian và tiền bạc dành cho trò chơi đạt đến một mức nhất định, cảm xúc của một người đối với nhân vật ảo sẽ được thay đổi, và cảm giác đó giống như một mối quan hệ lãng mạn ngoài đời thực", Sun nói.
Áp phích game "Love and the Producer" phủ kín bức tường trong một quán cà phê ở Thượng Hải. |
Những cô gái mộng mơ
Mức độ phổ biến của trò chơi còn tăng cao hơn nữa trong thời kỳ đại dịch. Trên khắp Trung Quốc, hàng triệu sinh viên phải ở trong nhà suốt nhiều tháng liên tục và không thể hẹn hò ngoài đời thực.
Nhiều người chuyển sang chơi otome game để giải khuây. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã gây được tiếng vang lớn với một tựa game mới vào năm 2021.
Ren, một sinh viên đến từ thành phố phía đông Ninh Ba, là một trong số những cô gái mộng mơ.
Trước đại dịch, Ren giành được một suất theo học tại trường đại học ở Australia, nhưng lệnh cấm du lịch năm 2020 đã khiến cô bị mắc kẹt ở Trung Quốc. Trong hai năm tiếp theo, cô tham gia các lớp học trực tuyến tại nhà và gặp khó khăn khi gặp gỡ người mới.
Sau đó, Ren tìm thấy Zuo Ran. Anh là nhân vật chính trong trò chơi otome có tên "Tears of Themis", một luật sư ngôi sao tại công ty quyền lực.
Trong công việc, Zuo Ran có vẻ lạnh lùng và xa cách, nhưng bên ngoài văn phòng, anh trở nên ngọt ngào và biết quan tâm. Ren đã bị đánh gục. Cô dành hàng giờ liền để trò chuyện với anh qua các cuộc gọi thoại và tin nhắn văn bản theo kịch bản của trò chơi, tiêu khoảng 15.000 nhân dân tệ (tương đương 2.200 USD).
Mối quan hệ có lẽ sẽ chỉ dừng lại ở đó. Nhưng khi các cộng đồng "cos commission" bắt đầu nổi lên, Ren nhận ra rằng có thể gặp Zuo Ran ngoài đời thực.
Những cô gái mộng mơ yêu chàng trai trên game vì mất niềm tin vào đàn ông ngoài đời thực. |
Cách đây vài năm, những cô gái mộng mơ lần đầu tiên trả tiền cho người cosplay để hóa trang thành nhân vật yêu thích, nhưng dịch vụ này chỉ thực sự thu hút sự chú ý lớn trong thời kỳ đại dịch.
Giai đoạn cuối năm 2022, bài đăng của các cô gái trẻ về cuộc hẹn hò với diễn viên cosplay lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Sau khi quốc gia này bỏ các hạn chế chống dịch vào tháng 12 năm ngoái, số lượng các bài đăng tăng lên gấp bội.
Các cô gái cũng đăng quảng cáo tuyển diễn viên cosplay trên trang thương mại điện tử Xianyu, hoặc các nền tảng xã hội như Douyin và Xiaohongshu.
Mỗi quảng cáo chỉ định nhân vật mà người cosplay sẽ phải đóng, mức phí và hỏi liệu người cosplay có sẵn sàng hôn hay không. Sau đó, cosplayer có thể liên hệ và sắp xếp một cuộc hẹn.
Các cuộc gặp gỡ thường bao gồm hoạt động hẹn hò điển hình: ăn uống, đi mua sắm hoặc thăm công viên giải trí. Các diễn viên cosplay thường tính phí 100-200 nhân dân tệ (14,5-29 USD) mỗi giờ, và cô gái là người trả tiền cho các hoạt động đó.
Ren đã tham gia buổi hẹn hò cosplay đầu tiên của mình vào tháng 2 và rất vui với trải nghiệm này. Trong một buổi chiều, cô thực sự cảm thấy như Zuo Ran yêu dấu của mình đã sống dậy.
"Tôi thực sự cảm thấy sự hiện diện của anh ấy, như người du hành từ thế giới ảo đến hiện thực. Cosplayer đã mang lại trải nghiệm một cách chân thực và hữu hình", Ren nói với Sixth Tone.
Những cô gái mộng mơ thường xuyên bị chỉ trích, nhiều người chế giễu họ là những kẻ cô độc không dám đương đầu với các mối quan hệ thực tế. Nhưng các thành viên của nhóm văn hóa này phản đối rằng họ chỉ đơn giản là thích bạn trai hoạt hình của mình hơn đàn ông ngoài đời thực.
Cũng như tại các quốc gia khác, nhiều phụ nữ ở Trung Quốc cảm thấy mối quan hệ ngoài đời thực có thể gây thất vọng và đôi khi nguy hiểm. Áp lực phải phù hợp với vai trò giới truyền thống trong các mối quan hệ vẫn còn nặng nề, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Kết quả là một số cô gái mộng mơ đã mất niềm tin vào đàn ông. Không phải ngẫu nhiên mà các cosplayer được thuê hầu như luôn là nữ. Khách hàng có xu hướng thích môi trường toàn nữ cho buổi hẹn hò của họ, ngay cả khi các diễn viên cosplay đóng vai nhân vật nam.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.