Nhiều trường đại học trên cả nước quyết định sử dụng điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Đây được coi là cơ hội để thí sinh mở thêm một cánh cửa vào đại học. Ảnh: Việt Linh. |
Hoàng Minh (học sinh lớp 12 tại Đồng Nai) bắt đầu ôn thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ đầu năm lớp 12. Bên cạnh việc sử dụng tài liệu trên Internet, Minh mua thêm một khóa học ôn Tiếng Việt - Tư duy logic - Phân tích số liệu có giá gần 500.000 đồng.
"Phần tiếng Việt, Tư duy logic và Phân tích số liệu chiếm tỷ lệ khá lớn trong bài thi. Đó cũng là những phần em còn yếu. Vì vậy, em mua khóa học cho chắc chắn", Minh chia sẻ và cho biết thêm lúc mới ôn, cậu gần như phát hoảng vì không tìm ra phương pháp làm dạng bài này.
Không riêng Hoàng Minh, hoang mang khi ôn tập, tin tưởng vào các khóa luyện thi là tâm lý chung của nhiều thí sinh có dự định tham gia kỳ thi ĐGNL.
Chi tiền dù còn băn khoăn
Chia sẻ với Zing, Minh cho biết cậu chọn khóa học hiện tại sau khi được vài người bạn giới thiệu. Bên cạnh đó, nam sinh cũng tham khảo kỹ ý kiến của người từng thi thông qua các hội nhóm mạng xã hội. Sau gần một tháng, Minh mới quyết định xin tiền bố mẹ để mua khóa học.
Theo Minh, trên mạng có rất nhiều khóa học của nhiều trung tâm với giá cả khác nhau. Nếu chỉ dựa trên giá, quảng cáo mà không tham khảo ý kiến hay đánh giá của người từng học, mọi người rất dễ mua phải những khóa học kém chất lượng. Bản thân cậu cũng từng hoang mang khi gõ tìm từ khóa trên Google.
"Rất nhiều khóa học với nhiều mức giá hiện ra khiến em mông lung. Ngay cả khi đọc đánh giá, em cũng không dám tin nó có thực hay chỉ là seeding. Vì vậy, em phải hỏi các bạn cũng như các anh chị từng thi để xin đánh giá rồi mới dám mua", cậu chia sẻ.
Tương tự, M.Q. (học sinh lớp 12 tại Thanh Hóa) cũng dự định đăng ký thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 4 tại Thanh Hóa.
Dù có sức học tốt, Q. vẫn băn khoăn về kỳ thi sắp tới, nhất là khi em chưa biết cách ôn tập, chưa nắm rõ cấu trúc bài thi. Chưa kể một số môn như Ngữ văn, Vật lý, Địa lý đang là điểm yếu của Q.
Giữa lúc băn khoăn, Q. quyết định mua khóa luyện thi trực tuyến với chi phí 2,9 triệu đồng cho 10 môn học, hy vọng sẽ có cách ôn thi đạt kết quả tốt nhất. Ở khóa học này, Q. học thông qua các video bài giảng có sẵn và làm đề của từng môn do khóa học cung cấp.
Sau một tháng, Q. nhận thấy kiến thức một số môn có tiến bộ hơn trước, cậu cũng nắm được cấu trúc đề thi. Tuy nhiên, do khác với bài thi "truyền thống", dù tham gia khóa học, Q. vẫn thấy mông lung do thiếu người hướng dẫn trực tiếp.
“Kiến thức trong bài thi ĐGNL khá nhiều và rộng, đòi hỏi vận dụng và tư duy, có luyện thi cũng chỉ được phần nào. Tuy nhiên, em nghĩ làm nhiều bài tập sẽ quen và vận dụng được”, Q. chia sẻ.
Ngoài ra, nhờ giới thiệu từ những người đi trước, Q. chi thêm 300.000 đồng để mua sách luyện thi. Nam sinh cho biết khóa học chỉ có bài giảng và cung cấp đề thi, cậu mua thêm sách để học cách tư duy, biết thêm một số mẹo và cách làm nhanh.
Các dịch vụ mua bán tài liệu, cung cấp đề thi, chào bán công khai khóa ôn cấp tốc nở rộ với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng. |
Bạt ngàn dịch vụ luyện thi
Năm 2023, hàng trăm trường đại học trên cả nước quyết định sử dụng điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Đây được coi là cơ hội để thí sinh mở thêm một cánh cửa vào đại học.
Chính từ sức nóng này, các dịch vụ mua bán tài liệu, cung cấp đề thi, chào mời công khai khóa ôn cấp tốc nở rộ với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.
Chỉ với một cú click chuột, hàng triệu kết quả liên quan đến luyện thi ĐGNL hiện ra trên Internet, thí sinh có thể dễ dàng tìm thấy các nhóm ôn tập trên mạng xã hội hoặc được cung cấp đầy đủ thông tin về các dịch vụ này.
Theo tìm hiểu của Zing, một trung tâm nổi tiếng tại Hà Nội cung cấp khóa luyện thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức với giá 1,2-1,8 triệu đồng (mức giá đã ưu đãi 40-45%).
Theo đó, với hình thức học trực tuyến, thí sinh sẽ được học qua video bài giảng thầy cô ghi hình sẵn hoặc tham gia học live tương tác trực tiếp với giáo viên dạy học. Học sinh có thể tham khảo đề cương và học thử một số bài giảng trước khi đăng ký.
Ngoài ra, trung tâm cũng cam kết đầu ra 100+ nếu hoàn thành đầy đủ khóa học, đồng nghĩa với có đầy đủ kiến thức để thi.
Trong khi đó, với kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, một trung tâm tại TP.HCM cung cấp khóa luyện thi cấp tốc có giá 3,5 triệu đồng với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Cụ thể, học sinh được học trực tuyến hàng ngày (7 ngày/tuần) đến khi thi (1,5 tháng), học đủ lý thuyết 10 môn và kết hợp luyện đề. Trung tâm tặng kèm các đề thi thử và cung cấp tài khoản thi thử. Khóa học có trợ giảng kèm riêng, hỗ trợ giải bài tập và giám sát trong suốt quá trình học. Ngoài ra, học sinh còn được tặng kèm một khóa luyện đề THPT.
Tuy nhiên, dù không yêu cầu đầu vào, nhân viên trung tâm cam kết đầu ra chắc nịch - thí sinh học từ chưa biết gì đến khi đạt 800+.
“Nếu thí sinh thi không đạt 800+ sẽ được học miễn phí khi thi đợt 2. Sau đợt 2, nếu không đạt 800+ sẽ được hoàn 100% học phí. Ngoài ra, học sinh còn được tặng kèm một khóa luyện đề VIP trong vòng 3 buổi cho một môn bất kỳ", nhân viên tư vấn cho biết.
Tham khảo thêm một số trang cung cấp đề thi ĐGNL, nhiều trang khẳng định đó là "đề thi chính thức", trong khi theo quy định, tất cả đề thi đều không được mang ra ngoài sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Các bộ đề luyện thi được bán với giá 20.000-170.000 đồng.
Trong khi đó, một số bộ sách luyện thi được bán với giá 90.000-370.000 đồng.
Không khuyến khích tham gia “lò” luyện thi
Trước nhiều "chiêu" chào mời tham gia các khóa ôn luyện thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, không tổ chức ôn luyện hay xuất bản các ấn phẩm phục vụ việc ôn luyện thi, chỉ cung cấp duy nhất một đề thi tham khảo để các em quen với định dạng, cấu trúc bài thi.
Theo ông Thảo, tất cả đề luyện thi quảng cáo đều là những đề thi na ná đề thi tham khảo, hoặc được cóp nhặt từ các trường khác nhằm lôi kéo thí sinh.
Tuy nhiên, với đề cóp nhặt kiểu này sẽ thiếu tính hệ thống hóa, học sinh giải các đề này cảm thấy chỗ rất khó, câu lại quá dễ không đúng với ma trận đề thi chính thống.
“Đó là các nguồn không chính thống và chúng tôi không hy vọng và khuyến cáo thí sinh luyện những bộ đề như vậy. Thí sinh cần cẩn trọng với các dịch vụ chào mời luyện thi, mua bán đề nêu trên", ông Thảo khẳng định.
Ngoài ra, ông Thảo cho biết ngữ cảnh sử dụng trong đề thi rộng, không chỉ có trong sách giáo khoa. Ngân hàng câu hỏi đề thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội rất lớn và không dễ lặp lại, lên đến 12.000-15.000 câu hỏi. Như vậy, không có giới hạn và không có trung tâm nào đủ khả năng luyện thi hết số lượng câu hỏi lớn như vậy.
Việc học sinh luyện thi, ôn mẹo, học tủ không giải quyết được bài thi ĐGNL. Quá trình ôn tập buộc các em phải nắm chắc kiến thức để ứng dụng giải quyết vấn đề.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhận định việc học sinh luyện thi, ôn mẹo, học tủ không giải quyết được bài thi ĐGNL. Ảnh: VNU. |
“Để đạt kết quả cao của kỳ thi này, thí sinh chỉ cần nắm chắc chương trình THPT và làm quen với dạng bài thi qua đề thi tham khảo đã được công bố. Thí sinh nên làm bài thi tham khảo để đánh giá năng lực bản thân, nếu chưa tốt phần nào thì ôn luyện bổ khuyết thay vì luyện thi tràn lan ở trung tâm”, ông Thảo nhấn mạnh.
Tương tự, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM - cũng không ủng hộ thí sinh tham gia các khóa luyện thi. Thí sinh nên chuẩn bị cho kỳ thi này trong suốt 3 năm học THPT, rèn luyện tốt các năng lực thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin sẽ có thể hoàn thành bài thi tốt.
"ĐH Quốc gia TP.HCM không khuyến khích thí sinh tham gia các khóa luyện thi. Bản thân ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không tổ chức các trung tâm luyện thi, không ban hành các tài liệu ôn tập. Chúng tôi chỉ ban hành bài thi mẫu giúp thí sinh hiểu rõ đề thi mà thôi", ông Chính cho rằng thí sinh nên tham khảo cấu trúc bài thi trong đề thi mẫu và có sự chuẩn bị mang tính tổng thể, học đều, học khoa học sẽ thi tốt.
Ông cho biết nhiều thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi trước đây đều chia sẻ kinh nghiệm chỉ cần ôn tập và học tốt tại lớp, không nhất thiết phải luyện thi.
Tuy nhiên, ông Chính cho hay việc thí sinh lo lắng, tham gia các lớp học, khóa luyện thi để có sự chuẩn bị tốt hơn là không tránh khỏi.
"Nhiều cá nhân, tổ chức dựa trên cấu trúc đề thi của ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố để xây dựng khóa học, đề thi để thí sinh luyện thi. Các khóa học, bộ đề này chưa được cơ quan nào kiểm chứng. Vì vậy, thí sinh cần cẩn trọng khi lựa chọn hình thức học này", ông nói.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.