Tour lặn tự do hút khách bởi trải nghiệm khác biệt, những khung ảnh check-in ấn tượng. Ảnh: Yosea Freediving. |
Biết đến tour lặn tự do ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) qua những video trên mạng xã hội, Thư Lâm (26 tuổi, sống tại Tiền Giang) háo hức chọn cho mình tour lặn kèm dịch vụ quay chụp với mức giá 1,7 triệu đồng vào ngày 11/7.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Thư cho biết bản thân chưa từng học bơi, cũng ít tắm biển. Cô chỉ được đào tạo 2 buổi, mỗi buổi khoảng 1-3 tiếng, sau đó được đưa xuống biển vào tạo dáng theo hướng dẫn của huấn luyện viên.
"Mục đích của tôi khi tham gia lặn tự do là những bức ảnh trông như nàng tiên cá để khoe với bạn bè trên mạng xã hội. Tôi cũng ham muốn khám phá thế giới dưới biển, nhưng lý do này chỉ là phần nhỏ", Thư bày tỏ.
Không biết bơi, vẫn có ảnh đẹp
Lặn tự do là môn thể thao khá mạo hiểm khi không có bình dưỡng khí. Để giữ hơi thở dưới nước, người lặn phải tự kiểm soát khí trong phổi và dùng sức mạnh tinh thần để vượt qua cảm giác sợ độ sâu.
Hiện tại, tour lặn tự do dần phổ biến tại các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang (Khánh Hòa), Hòn Khô (Bình Định), đảo Phú Quý (Bình Thuận), Hòn Yến (Phú Yên), đảo Phú Quốc (Kiên Giang)…
Ảnh "sống ảo" là quan tâm hàng đầu của nhiều khách trẻ khi lặn tự do. Ảnh: Mỹ Hà. |
Lấy hơi và giữ lâu, làm quen với kính lặn là những điều Thư Lâm được học trong buổi đào tạo đầu tiên. Không chỉ vậy, cô còn được thử đứng nước với chân vịt (fin) để bớt sợ hãi.
Buổi chiều cùng ngày, các huấn luyện viên đưa Thư xuống nước, hướng dẫn kĩ thuật duckdive (lặn xuống), đạp chân vịt, cân bằng áp suất tai và thở phục hồi. Đặc biệt là các động tác đẹp khi chụp ảnh.
Cô kể lại: "Ban đầu, tôi sợ chìm, nhưng người lại nổi khi nằm ngang, huấn luyện viên phải kéo xuống. Tôi mất 20 phút mới cân bằng được áp suất tai và thích nghi với môi trường nước. Mỗi kiểu tạo dáng, huấn luyện viên vịn vào vai hoặc eo để chỉ dẫn, khi đúng dáng sẽ thả tay và chụp lại bằng gopro (camera hành trình). Với video, tôi chỉ cần đạp nhẹ chân hoặc lượn người để di chuyển".
Kết thúc tour khoảng 1-3 ngày, Thư Lâm nhận được bộ ảnh thành phẩm. "Tôi thỏa mãn với những bức ảnh điệu nghệ, nhìn vào ít ai nghĩ tôi không biết bơi. Dù chỉ lặn 1,5 tiếng, tôi vẫn cảm nhận rõ áp lực nước. Bộ môn này cần thể lực tốt và kỹ năng nhất định. Có lẽ tôi phải học bơi nếu muốn trải nghiệm lại", cô cho biết.
Giống với Thư Lâm, Hải Hà (33 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng tham gia lặn tự do trong 2 ngày vui chơi trên đảo Phú Quý vào đầu tháng 7. Cô chọn tour có mức giá khoảng 1,5 triệu đồng/2 buổi.
Nhìn vào những bức ảnh đẹp, Hải Hà có thêm động lực để học bơi và lặn bài bàn. Ảnh: Hải Hà. |
"Trên đảo hiện có nhiều tour lặn tự do, cộng thêm ảnh đẹp được các bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội nên tôi đặt tour lặn thử. Phần muốn vượt qua giới hạn của bản thân, tò mò thế giới dưới nước đẹp thế nào, phần muốn có những bức ảnh cho riêng mình", cô nói.
Hải Hà thừa nhận mình không biết bơi. Khi huấn luyện viên đưa xuống biển, cô lo lắng đến luýnh quýnh tay chân. Áp suất nước cũng tăng lên, tác động đến hệ thần kinh và hệ hô hấp khiến cô bị ù tai và chảy máu mũi.
"Tôi cân bằng được áp suất tai trong 5-10 phút. Do tập yoga mỗi ngày, tôi giữ hơi thở được lâu hơn. Cố gắng vượt qua nỗi sợ đại dương, tôi xoay người và thực hiện từng động tác theo hướng dẫn để bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất. Tour có huấn luyện viên một kèm một nên tôi khá yên tâm", cô cho biết.
Trong vài tiếng lặn, Hải Hà cảm giác cơ thể được giải phóng, đầu óc hoàn toàn kết nối với tự nhiên. Thu vào tầm mắt là đàn cá hề bơi tung tăng bơi và những rặng san hô đủ sắc. Cô nhận ra lặn tự do thú vị hơn những bức ảnh.
"Sau khi trải nghiệm, tôi quyết định học bơi và lặn nghiêm túc. Khi biết bơi, tôi sẽ tự tin khám phá đại dương bao la. Nếu có cơ hội, tôi muốn thử sức ở những điểm lặn đẹp trên thế giới như biển Nusa Dua (Indonesia) hay đảo Borawan và thành phố biển Cebu của Philippines", Hải Hà bộc bạch.
An toàn là trên hết
Theo Nam Anh, người sáng lập Yosea Freediving - đơn vị tổ chức tour lặn tự do tại Phú Quý, Nha Trang và Phú Quốc - bộ môn này ngày càng nở rộ tại Việt Nam, tổng lượng khách tăng mạnh với năm trước. Song, tỷ lệ khách không biết bơi lại chiếm 80%.
"Hè năm 2023, khi lặn tự do mới nổi, khách có nền tảng thể lực, bơi và lặn tốt tham gia ồ ạt. Mọi người cũng ý thức được việc nâng cao sức khỏe, yêu thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái biển. Đến hiện tại, phần lớn khách đều không biết bơi, thậm chí là nhát nước. Họ chỉ cần có ảnh và video lặn đẹp nên nhờ huấn luyện viên đưa xuống biển, hỗ trợ tạo dáng và quay chụp lại", anh chia sẻ.
Huấn luyện viên thường nắn dáng cho khách, sau đó ghi hình lại bằng gopro hoặc máy ảnh mirrorless với màu sắc cân chỉnh đẹp hơn. Ảnh: Yosea Freediving. |
So với lặn có bình dưỡng khí (scubadiving), lặn tự do đòi hỏi người lặn có khả năng điều khiển tốt lượng khí trong phổi. Khi tham gia, 100% khách phải đủ 16 tuổi trở lên và không mắc các bệnh lý nền. Mỗi khách được cung cấp đủ kính lặn, chân vịt, thắt lưng…
Nam Anh cho biết đối với khách không biết bơi, 2 buổi đào tạo rất khó để tự lặn, tối thiểu phải 10 buổi. Để đảm bảo an toàn và hỗ trợ kịp thời, đội huấn luyện viên và cứu hộ luôn theo sát khách khi lặn.
"Khách phải nắm chắc các lưu ý an toàn, tuân thủ chỉ dẫn của huấn luyện viên, đặc biệt là cân bằng được áp suất tai mới được xuống biển. Kĩ thuật này giúp tránh tổn thương màng nhĩ hoặc các bệnh lý liên quan đến vòi nhĩ trong và khoang tai", anh nói.
Hàm lượng muối dưới biển cao, cơ thể không dễ chìm, nhưng cân bằng áp suất là điều quan trọng khi xuống sâu từ một mét. Hiện có 2 phương pháp là frenzel và valsalva. Khách chủ yếu áp dụng phương pháp valsalva với động tác bóp mũi, đẩy mạnh hơi lên xoang và ép ra màng nhĩ.
Tuy nhiên, Nam Anh cũng đưa ra lời khuyên về việc học bơi và lặn để mang đến trải nghiệm thật. "Ảnh đẹp là cái để đơn vị có doanh thu, nhưng mọi người nên học bơi và lặn để nâng cao sức khỏe. Đừng bất chấp an toàn vì những bức ảnh đẹp trên mạng xã hội. Hơn nữa, khi bản thân tự khám phá đại dương, cảm giác thích thú hơn nhiều", anh nói.
Học bơi và lặn là cách tốt nhất để tận hưởng trọn vẹn thú vui mà bộ môn này mang lại. Ảnh: Yosea Freediving. |
Tương tự, Cá, đại diện một đơn vị địa phương chuyên tour lặn tự do ở Hòn Khô (Bình Định), cũng cho biết lượng khách trẻ 16-30 tuổi chiếm 90%, phần lớn không biết bơi và khá chú trọng đến hình ảnh.
"Điểm hút khách của các tour lặn tự do là dịch vụ ghi hình kèm theo. Khi lặn, khách cần sự trợ giúp của huấn luyện viên để biểu diễn dưới nước. Tùy theo thể trạng và khả năng thích nghi, có người thả lỏng cơ thể dễ dàng, có người lại mất bình tĩnh vì không quen nín thở và sợ độ sâu", Cá chia sẻ.
Trước khi xuống nước, khách được khởi động, giãn cơ, tập các động tác tay cơ bản và cân bằng áp suất tai. Các huấn luyện viên sẽ lặn song song để kèm khách, đồng thời ghi lại những bức ảnh, thước phim bằng gorpo.
Để đảm bảo an toàn, đơn vị chỉ cho khách lặn ở khu vực có độ sâu từ 1-5 mét, khách không biết bơi thường chịu được mức 2 mét. Khách thường tự biết giới hạn độ sâu cho bản thân bằng cách cân bằng tai. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra điều kiện thời tiết, dòng hải lưu và sinh vật ở điểm lặn.
"Học bơi và lặn bài bản vẫn là cách tốt để tâm lý thoải mái khi lặn, đồng thời rèn luyện thể lực và tăng dung tích phổi. Trước hết là tập ở hồ bơi để thích nghi với nước, sau đó mở rộng lặn tự do. Khi tự lặn, những bức ảnh sẽ đáng giá và nhiều kỷ niệm", đại diện này bày tỏ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.