Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc và đường bờ biển dài 3.260 km. Nắm trong tay nguồn tài nguyên lợi thế, các sản phẩm du lịch đường thủy phát triển ở nhiều địa phương như du thuyền cao cấp trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), thuyền dạo sông Hương (Huế), du thuyền đêm trên sông Hàn (Đà Nẵng) hay buýt sông Sài Gòn (TP.HCM)…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mô hình du lịch đường thủy tại Việt Nam vẫn thiếu hụt sự đa dạng và sức hút riêng, chưa thể khai thác hiệu quả tiềm lực vốn có. Từ đó, số lượng du khách nội địa lẫn quốc tế có nhu cầu trải nghiệm chiếm tỷ lệ thấp.
Ví dụ, tại TP.HCM, số lượt khách sử dụng các sản phẩm du lịch đường thủy mỗi năm chỉ đạt khoảng 350.000 lượt, chiếm 2% so với tổng lượt khách, dựa trên số liệu của Sở Du lịch TP.HCM.
"Cơ sở hạ tầng và môi trường là hạn chế đáng kể. Loại hình du lịch đường thủy cần đội ngũ vận hành có tay nghề cao để mang đến dịch vụ chất lượng. Ngoài ra, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và các bên tư nhân liên quan phải được cải thiện để tạo ra chiến lược phát triển mạch lạc", tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam), chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Đâu là nút thắt?
Theo tiến sĩ Kanagasapapathy, cơ sở hạ tầng, môi trường và khí hậu là 3 thách thức lớn nhất trong công cuộc phát triển du lịch đường thủy ở Việt Nam.
Cụ thể, nhiều tuyến đường thủy nội địa thiếu quy hoạch và đầu tư toàn diện khi không có cảng, bến tàu hoặc bãi giữ xe để kết nối với phương tiện giao thông khác. Sự thiếu vắng các tiện nghi này khiến du khách khó tiếp cận với các sản phẩm du lịch đường thủy.
Tàu cao tốc từ TP.HCM ra Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa thể đón số lượng khách như kỳ vọng, một phần do việc thiếu phương tiện kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố đến bến cảng. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Môi trường cũng đóng một vai trò không nhỏ. Sự ô nhiễm và suy thoái sinh thái làm giảm vẻ đẹp tự nhiên, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Như hồi tháng 3, một du khách nước ngoài bày tỏ sự thất vọng trên mạng xã hội khi chứng kiến vịnh Hạ Long ngập rác thải nhựa, váng dầu và phao xốp.
"Cần phải quản lý môi trường hiệu quả và chú trọng du lịch bền vững để bảo tồn các tuyến đường thủy, đồng thời duy trì sức hấp dẫn của các điểm du lịch", bà Kanagasapapathy nhận định.
Một thách thức lớn nhưng ít được chú tâm là tính chất mùa vụ của du lịch đường thủy. Điều kiện thời tiết vào một số thời điểm trong năm không thuận lợi cho các hoạt động sông nước, dẫn đến số lượng khách không ổn định.
"Biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa với du lịch đường thủy. Mực nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra liên tục đều có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của các sản phẩm du lịch. Việc phát triển các chiến lược nhằm thích ứng với thời tiết rất quan trọng", tiến sĩ nói thêm.
Du khách trải nghiệm buýt sông Sài Gòn, ngắm hoàng hôn tại vị trí đắc địa nhất TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Đức Thiện, giảng viên khoa Du lịch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), nhận định truyền thông cũng là một bài toán khó cần lời giải cho mô hình du lịch đường thuỷ tại Việt Nam. Các sản phẩm cần được quảng bá mạnh mẽ trên báo đài, mạng xã hội để tạo dựng niềm tin và kích cầu thị hiếu của du khách.
"Do hạn chế thông tin, một bộ phận du khách còn e ngại về trải nghiệm và tính an toàn các sản phẩm du lịch đường thủy. Mặt khác, nhiều du khách tiềm năng có thể chưa hình dung đầy đủ về sự độc đáo của du thuyền, SUP, kayak, buýt sông… Họ có thể cho rằng các sản phẩm này kém thú vị hơn so với hoạt động du lịch truyền thống", thạc sĩ này thông tin.
Tháo gỡ ra sao?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam), cho biết Việt Nam sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc, đường bờ biển dài, khung cảnh thiên nhiên trù phú và văn hóa riêng biệt theo từng vùng miền. Các sản phẩm du lịch đường thủy cần khai thác khéo léo dựa trên các thế mạnh này.
Bà đề xuất 7 sản phẩm du lịch đường thủy nổi bật giúp thu hút và mời gọi du khách quay lại vào những lần sau.
Một là chuyến đi ngắn ngày đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vào cuối tuần. Trong chuyến đi này, du khách được dịp thưởng cảnh, nghe nhạc sống hoặc ghé thăm đền, chùa cổ, làng nghề truyền thống và các di tích lịch sử dọc bờ sông.
Hai là chuyến đi theo chủ đề cho những ngày lễ Tết để tăng màu sắc lễ hội. Du khách sẽ được hòa mình vào các lễ hội và sự kiện, bao gồm các cuộc đua thuyền truyền thống, lễ hội đèn lồng và biểu diễn âm nhạc.
Du thuyền cao cấp khám phá vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là một sản phẩm du lịch đường thuỷ nổi bật, thu hút đông đảo khách quốc tế. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Ba là các chuyến tham quan chợ nổi sôi động ở đồng bằng sông Cửu Long. Việc trải nghiệm tận mắt giúp du khách mở ra cái nhìn sâu sắc về thương mại, ẩm thực và cuộc sống mỗi ngày trên mặt nước của người dân địa phương.
Bốn là thúc đẩy du lịch sinh thái như tour ngắm chim, tham quan rừng ngập mặn và khám phá công viên quốc gia bằng thuyền nhằm thu hút những du khách yêu thích thiên nhiên.
Năm là chuyến du lịch kết hợp ẩm thực. Du khách có thể khám phá ẩm thực Việt Nam, tham gia các lớp học nấu ăn, tham quan các khu chợ ven sông và thưởng thức nhiều món ngon tại nhà hàng nổi.
Sáu là tour chăm sóc sức khỏe trên du thuyền. Các du khách muốn tìm kiếm sự yên tĩnh và trẻ hóa có thể tham gia để tận hưởng liệu trình spa, tập yoga và thiền.
Bảy là mở rộng các tour thể thao dưới nước như chèo SUP, kayak, mô tô nước và trượt nước ở những điểm đến đẹp như vịnh Hạ Long hay các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
"Sự đổi mới liên tục trong gói tour là điều quan trọng để duy trì sức hấp dẫn của dịch vụ. Ngoài ra, các tour đường thủy cũng cần thêm hướng dẫn viên đa ngôn ngữ để cung cấp đầy đủ thông tin, mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách", tiến sĩ Ong cho hay.
Để du khách không tìm đến nước láng giềng
Liên hệ đến sự thành công của Singapore và Malaysia, thạc sĩ Phạm Đức Thiện khẳng định Việt Nam có thể rút ra những bài học giá trị về du lịch đường thủy vì còn nhiều tiềm năng để tạo nên những cú bật sáng giá.
Công thức tạo dựng sản phẩm du lịch đường thủy của 2 quốc gia trên là tận dụng nguồn tài nguyên tại điểm đến, cho ra đời dịch vụ năng động nhằm phục vụ du khách. Đơn cử là siêu du thuyền đi qua 3 nước Đông Nam Á với nhiều dịch vụ giải trí, mua sắm tích hợp. Lộ trình tham quan kéo dài 5 ngày 4 đêm này cũng thu hút nhiều du khách Việt trải nghiệm.
Các sản phẩm du lịch đường thủy nên đa dạng hóa từ trải nghiệm, thị hiếu đến độ tuổi. Chẳng hạn như tour thể thao phù hợp du khách Gen Z hay các tour ẩm thực nổi, chăm sóc sức khỏe phù hợp với Gen X. Ảnh: Phương Lâm, Việt Hà. |
"Đầu tiên, Việt Nam nên tính toán việc đồng bộ cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư dài hạn. Mỗi địa phương cần xây dựng cảng, bến, cầu cống. Các tài nguyên du lịch như công trình, cảnh quan, ẩm thực… phải nằm gần các tuyến giao thông đường thủy để tăng độ tiếp cận", thạc sĩ Thiện cho hay.
Singapore và Malaysia đặt ra các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn dịch vụ, tạo được danh tiếng cho các sản phẩm du lịch đường thủy. Việt Nam có thể xây dựng niềm tin cho du khách bằng cách thực hiện các chương trình đào tạo cho đội ngũ chuyên gia du lịch và đưa ra các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt cho tàu thuyền lẫn dịch vụ.
"Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ du thuyền sang trọng, tour du lịch văn hóa đến tour giải trí dưới nước để phù hợp với nhiều sở thích, độ tuổi là điều cần thiết. Hiện tại, người trẻ có xu hướng tìm kiếm các trò vui chơi như cano kéo dù/ván, jetski… Cùng với đó, việc đầu tư thêm hệ thống máy ảnh tự động, flycam cũng giúp lan tỏa hình ảnh của du khách, tạo được hiệu ứng cho sản phẩm", thạc sĩ này cho hay.
Chiến lược quảng bá hợp thời đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy du lịch đường thủy ở Singapore và Malaysia. Họ chi mạnh tay cho chiến dịch truyền thông, thuê đại sứ du lịch và tạo điều kiện cho những bộ phim "bom tấn" đến quay hình. Việt Nam có thể tận dụng các chiến lược tương tự để giới thiệu các điểm tham quan đường thủy và định vị mình là điểm đến hàng đầu cho những trải nghiệm sông nước.
Ngoài ra, quan hệ đối tác công - tư cũng là công cụ hỗ trợ phát triển du lịch đường thủy. Singapore và Malaysia thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan chính phủ, các tư nhân liên quan và cộng đồng địa phương. Việt Nam có thể khuyến khích các bên tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ, đồng thời đảm bảo cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ các sáng kiến phát triển du lịch.
"Du lịch đường thủy là một phần không thể thiếu trong bức tranh du lịch tổng thể. Học hỏi từ Singapore và Malaysia, tận dụng các tài nguyên sẵn có, Việt Nam có thể đưa du lịch đường thủy lên một vị trí xứng tầm, dần dà bổ sung những thiếu sót về mặt nhân lực và kinh nghiệm quản lý", thạc sĩ Thiện chia sẻ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.