Sau thời gian dài chờ đợi, giới đam mê tốc độ đã chính thức diện kiến 1 trong 3 mẫu xe “Holy Trinity” (Bộ 3 Thần Thánh) thế hệ mới - chiếc McLaren W1. Đây cũng là mẫu xe thương mại mạnh nhất từ trước tới nay của thương hiệu. |
Đây là mẫu hypercar có nhiệm vụ thay thế cho siêu xe McLaren P1, vốn ra mắt từ năm 2013 và đã dừng sản xuất vào cuối năm 2015. Cùng với McLaren F1, McLaren W1 đã tạo nên "1 Bloodline" (Huyết thống 1). |
Mặc dù kín tiếng hơn nhiều so với các đối thủ đến từ Ferrari hay Porsche, McLaren W1 lại được công bố đầu tiên trong 3 mẫu xe này. Thư mời ra mắt gửi đến các khách hàng VIP đã được hãng chuyển đi từ khoảng tháng 7/2024. |
So với những hình ảnh bị rò rỉ từ trước, McLaren W1 mang đến sự bất ngờ cho những tín đồ tốc độ khi sở hữu ngoại hình hầm hố đậm chất khí động học với nhiều đường nét cắt xẻ so với đàn anh McLaren F1 hay P1. |
Lần đầu tiên trong lịch sử thương hiệu, McLaren W1 được trang bị cửa cánh chim, đóng góp vào khả năng khí động học của xe. Hãng gọi thiết kế này là "Anhedral", vốn là một thuật ngữ chỉ góc cánh nghiêng xuống của các mẫu máy bay. |
Là mẫu xe thứ 7 thuộc dải sản phẩm Ultimate Series, McLaren W1 được phát triển trên nền tảng khung gầm bằng sợi carbon McLaren Race Active Chassis Control III giúp khối lượng của hypercar này chỉ ở mức 1.399 kg, chỉ nặng hơn 4 kg so với P1. |
Đóng vai trò không nhỏ trong thiết kế khí động học của siêu phẩm này là thiết kế cánh gió khí động học "McLaren Active Long Tail", mô phỏng theo thiết kế của huyền thoại McLaren F1 GTR đời 1997. |
Vói khả năng kéo dài phần đuôi về phía sau thêm 300 mm, đồng thời kết hợp cùng việc hạ cầu trước 37 mm và cầu sau 17 mm, cơ cấu này có thể tạo ra một lực ép xuống mặt đường lên đến 1.000 kg. |
Xe được trang bị bộ mâm 19 inch ở cầu trước và 20 inch ở cầu sau, kết hợp cùng hệ thống treo được ứng dụng công nghệ in 3D. Hệ thống phanh độc quyền McLaren Carbon Ceramic Racing+ là trang bị tiêu chuẩn. |
Nội thất của McLaren W1 được tối ưu về không gian và khối lượng, đi kèm màn hình trung tâm cảm ứng 8 inch. Đặc biệt, vô lăng của xe vẫn sử dụng trợ lực thủy lực để mang đến cảm giác lái chân thực nhất. |
Với khoang lái liền khối bằng sợi carbon Aerocell, cấu trúc ghế ngồi được cố định, thay vào đó vị trí bàn đạp ga thắng có thể di chuyển. Xe không có khoang hành lý mà chỉ có không gian đặt nón bảo điểm sau tựa đầu dung tích 117L. |
Siêu xe McLaren W1 được thừa hưởng những công nghệ từ các mẫu xe đua F1 của đội đua McLaren Formula 1 Team, đặc biệt là hệ thống hybrid vốn đang được sử dụng trên chiếc McLaren MCL38. |
Cụ thể, động cơ V8 twin-turbo MHP-8 dung tích 4.0L hoàn toàn mới có khả năng sản sinh công suất tối đa 928 mã lực và mô-men xoắn cực đại 900 Nm. Mức giới hạn vòng tua lên đến 9.200 vòng/phút. |
Động cơ điện chuẩn F1 E-motor kết hợp cùng bộ pin điện 1,384 kWh cho ra công suất 347 mã lực và mô-men xoắn 440 Nm. Chỉ mất 22 phút để sạc khoảng 80% dung lượng, tuy nhiên xe có thể di chuyển khoảng 2 km với chế độ thuần điện. |
Do đó, tổng công suất mà cơ cấu này mang lại cho McLaren lên đến 1.275 mã lực và 1.340 Nm. Đi kèm với động cơ này là hộp số 8 cấp DCT với số lùi điện E-reverse. |
Với những công nghệ mới nhất, McLaren W1 có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 2,7 giây, 0-200 km/h trong 5,8 giây, vận tốc tối đa được giới hạn ở 350 km/h. |
McLaren W1 chỉ được sản xuất giới hạn 399 chiếc trên toàn cầu với mức giá khởi điểm khoảng 2,1 triệu USD. Tất cả đều đã được bán hết. Rất có thể hãng sẽ sản xuất thêm các phiên bản hiệu năng cao, tương tự F1 GTR hay P1 GTR. |
Trong khi đó, đối thủ của mẫu hypercar này là Ferrari "F250" rất có thể được ra mắt tại triển lãm Universo Ferrari tổ chức tại Thái Lan vào tháng sau. Thông tin về phiên bản thương mại của Porsche Mission X vẫn chưa được công bố. |
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.