Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Chi tiêu của 5 gia đình ở những nơi có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam

5 gia đình ở Hà Nội, TP.HCM chia sẻ về mức thu nhập và chi tiêu trong một tháng. Đa số đều phải "thắt lưng buộc bụng" nếu muốn có một khoản tích lũy.

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm qua là Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Dương.

So với thống kê năm 2022, Hà Nội tiếp tục là địa phương có mức sống cao nhất cả nước. Còn TP.HCM đã vượt Quảng Ninh về chi phí sống đắt đỏ trong năm 2023.

Giữa bối cảnh giá cả sinh hoạt ngày một tăng, các gia đình phải học cách lên kế hoạch chi tiêu, tích lũy tài chính hợp lý. 5 gia đình hiện sống tại Hà Nội và TP.HCM chia sẻ với Tri thức - Znews cách họ phân bổ thu chi, tiết kiệm tiền bạc trong năm qua.

Võ Hồng Ngân (27 tuổi, TP.HCM)
Mức thu nhập: 25-30 triệu đồng/tháng

muc song anh 1

Một trong những cách để vợ chồng tôi tiết kiệm tiền bạc trong giai đoạn khó khăn là "chi tiêu ngược xu hướng". Ví dụ, vào đợt lễ 30/4-1/5 sắp tới, trong lúc mọi người ở TP.HCM sẽ di chuyển đến các địa điểm du lịch, gia đình tôi sẽ chỉ ở lại thành phố. Bố mẹ chúng tôi dự định bay từ Quy Nhơn vào TP.HCM để ở chơi với con cháu trong đợt lễ này.

Tôi đang là ERP/SAP consultant (tư vấn triển khai giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng hệ thống SAP/ERP). Chồng tôi làm việc tại bệnh viện nhưng đang đi học nghiệp vụ. Mức thu nhập trung bình của cả hai là khoảng 25-35 triệu đồng/tháng.

Với khoản thu nhập đó, chúng tôi thường sẽ tiết kiệm khoảng 5%; chi tiêu 20% cho con cái, bao gồm các khoản như bỉm sữa, học phí, tiêm ngừa; 30% cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại, dịch vụ sinh hoạt; 15% giải trí như xem phim, mua sắm, tụ tập; 10% phát triển bản thân như học tiếng Anh, học chuyên ngành; 10% trả nợ/ trả góp các khoản vay; 5% cho sức khoẻ như bảo hiểm, khám chữa bệnh, thuốc; 5% cho sinh nhật, tiệc cưới, đám tang.

Các khoản chi tiêu không thể cắt giảm là dành cho con cái, nhu cầu thiết yếu và phát triển bản thân. Còn lại có thể cắt giảm hoặc điều chỉnh để phù hợp với mức thu nhập trong từng giai đoạn. Trong khoảng một năm qua, gia đình tôi thường xuyên cơm ăn tại nhà, hạn chế ra ngoài không cần thiết. Thay vì du lịch xa, chúng tôi chọn đi chơi những chỗ ít tốn kém như công viên, bãi thả diều công cộng.

Theo tôi, TP.HCM là nơi có mức sống tương đối cao, nhưng đi đôi với đó là nhiều cơ hội việc làm và dễ dàng gia tăng thu nhập. Điều quan trọng là những cặp vợ chồng trẻ như chúng tôi cần biết cách cân đối thu chi, xây dựng kế hoạch tích lũy tài chính hợp lý.

Hà Ninh (30 tuổi, Hà Nội)

Mức thu nhập: 30 triệu đồng/tháng

Tôi đang làm việc trong ngành truyền thông, còn công việc của chồng tôi thuộc lĩnh vực xây dựng. Hiện tại, mỗi tháng, hai vợ chồng có thu nhập ổn định ở mức 30 triệu đồng.

Chúng tôi dành ra 6 triệu đồng để thuê nhà, khoảng 15 triệu đồng cho ăn uống và các khoản tiêu chính, còn lại là chi tiêu lặt vặt và tích lũy. Tuy nhiên, với những tháng phát sinh nhiều khoản như đám cưới, lễ Tết, ngày giỗ, chúng tôi phải chi tiêu nhiều hơn và không còn lại bao nhiêu để tiết kiệm.

Khi còn độc thân, tôi từng có thời gian sống và làm việc tại TP.HCM. Khi đó với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng, tôi thấy mình sống khá thoải mái. Vì ở một mình, tôi cũng không phải quá đau đầu trong việc cân đối thu chi.

Tuy nhiên, khi đã lập gia đình và chuyển sang sống ở Hà Nội, tôi thấy gánh nặng chi tiêu lớn hơn. Đặc biệt, khi có kế hoạch sinh con, vợ chồng tôi phải suy nghĩ nhiều đến chuyện gia tăng thu nhập và tích lũy.


Thu Tuyền (47 tuổi, TP.HCM)
Mức thu nhập: 40 triệu đồng/tháng

Gia đình tôi có 4 thành viên, bao gồm vợ chồng và hai con còn đang đi học. Tôi là cán bộ nhà nước với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Chồng tôi làm cho một công ty về công nghệ thông tin. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng vào khoảng 40 triệu đồng.

muc song anh 2

Trung bình, một ngày cơm của gia đình chị Thu Tuyền có chi phí là 500 nghìn đồng. Ảnh: NVCC.

Những khoản chi tiêu “cứng” của gia đình tôi là 10 triệu đồng tiền ăn uống, 6-7 triệu học phí cho hai con, 2 triệu phí quản lý chung cư và 1 triệu tiền điện nước. Còn lại là những khoản phí không cố định như đi lại, tiền mừng cưới… Còn phần tiền dư, vợ chồng tôi sẽ để vào tài khoản tiết kiệm của gia đình.

Về trách nhiệm tài chính, chồng tôi là người lo những khoản đầu tư, tiền chung cư, học phí… Tôi lo các khoản còn lại là ăn uống, sắm sửa nhà cửa. Nếu tháng nào hụt tiền, hai vợ chồng sẽ phải ngồi lại cùng bàn bạc để cân đối tài chính trong tháng tiếp theo.

Năm 2023 trôi qua với nhiều khó khăn về kinh tế nên thu nhập của gia đình tôi cũng bị giảm đi. Chúng tôi phải tìm cách cắt giảm, tiết kiệm nhiều thứ. Lúc đi chợ, tôi cân nhắc nhiều hơn tới giá cả, làm sao không tiêu nhiều tiền mà bữa ăn gia đình vẫn phải đảm bảo. Ví dụ, thay vì mua thịt gà ta như trước đây, tôi chuyển sang dùng gà công nghiệp trong siêu thị để vừa tiết kiệm nhưng vẫn nấu được các món ngon, bổ dưỡng.

Lễ 30/4-1/5 sắp tới, gia đình tôi không có kế hoạch đi chơi vì di chuyển trong những ngày đó vừa đắt đỏ, lại đông đúc. Có thể chúng tôi chỉ tổ chức một bữa tiệc tại gia nho nhỏ với đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Lê Thanh Tâm (39 tuổi, TP.HCM)

Mức thu nhập: 45 triệu đồng/tháng

muc song anh 3

Tôi và chồng có thu nhập khoảng 45 triệu đồng/tháng. Bên cạnh những khoản chi tiêu thông thường như tiền ăn uống, học phí cho hai con, xăng xe đi lại, chúng tôi vẫn còn phải trả nợ khoản vay mua nhà, mua xe.

Trước đây, chúng tôi chủ yếu tiết kiệm bằng cách hạn chế chi tiêu những khoản lớn như mua sắm, du lịch, về quê ngày lễ Tết. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn, ngay cả những khoản chi tiêu lặt vặt, chúng tôi cũng không thể mạnh tay.

Vợ chồng tôi bắt đầu xây dựng thói quen thay phiên nhau dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho cả nhà từ hơn 2 năm nay. Cách làm này vừa giúp gia đình tiết kiệm khoản ăn ngoài, vừa đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho các thành viên.

Tết vừa rồi, cả nhà ở lại TP.HCM thay vì về quê như mọi năm. Trong đợt lễ 30/4-1/5 tới đây, chúng tôi dự định đón ông bà ngoại vào chơi với con cháu. Gia đình tôi rất ít khi đi du lịch trong ngày lễ vì ngại cảnh đông đúc ở các địa điểm du lịch.

Nga Nguyễn (52 tuổi, Hà Nội)

Mức thu nhập: 40 triệu đồng/tháng

Tôi và chồng đã về hưu và đang sống cùng các con ở Hà Nội. Con trai tôi vừa cưới vợ và dọn ra riêng. Hiện tại, gia đình tôi chỉ còn hai vợ chồng và con gái 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học.

Dù sống ở khu vực “đắt đỏ nhất Việt Nam”, gia đình tôi chỉ tiêu khoảng 4-4,5 triệu đồng/tháng. Trong đó, 3 triệu là tiền ăn uống, phần còn lại là chi phí điện nước, cưới hỏi. Vì đã về hưu nên chúng tôi không tốn quá nhiều cho việc đi lại.

Trung bình, mỗi tháng con gái tôi sẽ gửi bố mẹ khoảng 4 triệu đồng - tương ứng với nửa tháng lương để lo ăn uống và điện nước. Còn các chi phí riêng như đám tiệc, cưới hỏi của bạn bè thì các thành viên tự lo. Hàng tháng, con gái tôi cũng chi khoảng 4 triệu để tham gia các khóa học phát triển bản thân và ăn uống cùng bạn bè.

Nhờ lối sống tiết kiệm, gia đình tôi không bị ảnh hưởng nhiều dù 2023 là một năm khá khó khăn. Có một quan niệm tôi và chồng luôn nhắc nhở các con là: “Chi tiêu hợp lý thì bao nhiêu tiền cũng đủ, ăn to xài lớn thì bao nhiêu tiền cũng hết”.

Chuyển nhà, sắm vòng mát chống chọi với nắng nóng ở TP.HCM

Từ sinh viên, nhân viên văn phòng cho đến gia đình có con nhỏ đều tìm mọi cách để đối phó với nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng ở TP.HCM.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy - Đông Tùng

Bạn có thể quan tâm