Giữa cái nắng gắt giờ nghỉ trưa, Thùy Linh và đồng nghiệp tạt nhanh vào quán cà phê ngay đối diện tòa văn phòng để giải quyết gọn lẹ bữa trưa. Với một đĩa cơm gà và một ly cà phê cốt dừa mang đi, cô chi khoảng 90.000 đồng cho bữa ăn của mình.
"Trong những ngày có hẹn đi ăn với đồng nghiệp, tôi vừa dùng bữa vừa mua trà sữa/cà phê. Những quán cà phê có bán cả đồ ăn trưa như thế này thường miễn phí một phần nước, có thể ngồi lại thoải mái và không mất nhiều thời gian đi giữa trời", Linh nói với Tri thức - Znews.
Tòa nhà văn phòng nơi Linh làm việc nằm gần phố trà sữa quận 1, TP.HCM. Phố trà sữa này là một khu tứ giác gồm 4 con đường là Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu. Mỗi cạnh của tứ giác tương ứng với mỗi đoạn đường dài chỉ vài trăm mét, nhưng có hàng chục quán cà phê, trà sữa.
Sau giai đoạn dịch Covid-19, nhiều hàng quán ở đây đóng cửa, bỏ trống nhiều vị trí đẹp. Khoảng một năm trở lại đây, các mặt bằng này dần được lấp đầy. Đứng cạnh các thương hiệu lớn, nhiều cái tên mới cũng tìm cách xây dựng hình ảnh, thu hút khách hàng bằng những cách thức mới.
Menu kết hợp đồ uống và bữa trưa ở một quán cà phê trên đường Ngô Đức Kế. |
Công thức kết hợp
"Một phần ăn trưa kèm nước uống cho khách ở lầu 2", giọng nói cất lên từ bộ đàm của Thế Bảo, quản lý quán Vocuppa Café (đường Ngô Đức Kế, quận 1). Giờ ăn trưa của dân văn phòng cũng là lúc 15 nhân viên quán làm việc hết công suất.
Khác với các quán cà phê, trà sữa xung quanh, quán này có menu được chia làm ba: đồ ăn trưa, nước uống, bánh ngọt. Menu kết hợp như vậy chủ yếu phục vụ nhóm nhân viên văn phòng. "Dù tên quán là cà phê, chúng tôi giống một nhà hàng thu nhỏ hơn", Thế Bảo nói.
Quán này hiện có hai chi nhánh ở TP.HCM, nhưng menu đồ ăn trưa chỉ có ở cơ sở Ngô Đức Kế.
Mở cửa từ đầu năm nay và chỉ mới chính thức khai trương vào cuối tháng 3, quán có lượng khách tương đối ổn định, theo quản lý quán. Tuy nhiên, không gian 5 tầng với sức chứa hơn 100 khách này chưa bao giờ kín chỗ, kể cả giờ cao điểm. Khi 3 tầng phía trên vẫn bỏ trống, quán này đang muốn thu hút các nhóm khách tổ chức workshop.
Trong giai đoạn đầu, quán cà phê này chưa kỳ vọng quá nhiều vào doanh thu, lợi nhuận.
Vocuppa Café phục vụ bữa trưa, cà phê và cho thuê không gian tổ chức workshop. |
Thời điểm khó khăn sau dịch, nhiều thương hiệu lớn vẫn trụ vững ở khu đất vàng. Những nơi đóng cửa đầu tiên đều là cái tên mới. Trước Vocuppa Café, mặt bằng này trên đường Ngô Đức Kế cũng đã nhiều lần đổi chủ.
"Trước khi mở cửa chi nhánh này, phía công ty của tôi cũng đã nắm bắt được điều này. Thế nhưng, bên cạnh những khó khăn, chúng tôi vẫn nhìn thấy được những cơ hội. Thứ nhất, việc hiện diện trên khu phố này giúp chúng tôi xây dựng hình ảnh, thương hiệu tốt hơn. Thứ hai, nếu biết nắm bắt nhu cầu của khách hàng, cơ hội phát triển vẫn tốt", Thế Bảo nói.
Cũng nằm trên đường Ngô Đức Kế, một mặt bằng kết hợp hai thương hiệu là Piko Coffee và Shinsho Ramen. Khách hàng cùng ăn trưa, nhâm nhi cà phê, trà sữa trong cùng một không gian. Sự kết hợp này cũng chỉ mới xuất hiện vào cuối năm 2023.
Piko Coffee và Shinsho Ramen đều thuộc Golden Trust, công ty đang khai thác và vận hành thương hiệu trà sữa Gong Cha tại Việt Nam.
Uống cà phê, trà sữa mỗi ngày
Hiện tại, phố trà sữa quận 1 có hàng chục quán trà sữa, cà phê lớn nhỏ. Trong nhiều năm qua, các thương hiệu lớn như Gong Cha, Koi Thé, Phúc Long vẫn duy trì sự hiện diện ở đây. Katinat có đến hai cửa hàng trong khu tứ giác.
Tháng 6/2023, cửa hàng đầu tiên của ChaTraMue - thương hiệu trà sữa quốc dân Thái Lan - tại Việt Nam được mở trên đường Ngô Đức Kế. Thời điểm đầu, cửa hàng quá tải, khách xếp hàng dài để chờ mua món đồ uống đình đám.
“Sau một năm kinh doanh, cơn sốt giảm xuống nhưng quán vẫn có lượng khách ổn định”, Chloe Nguyễn (quản lý cửa hàng) nói.
Nhóm khách chủ yếu là người trẻ độ tuổi 25-30. Buổi trưa tập trung nhóm khách văn phòng, họ thường đặt online hoặc tới mua trực tiếp. Buổi tối thường là khách đi chơi ghé tới quán.
Khách xếp hàng mua trà sữa khi ChaTraMue mới khai trương. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Nhiều hàng kinh doanh gặp khó do sức tiêu dùng giảm. Tuy nhiên, điều này không tác động quá lớn đến sức mua của khách hàng tại quán trà sữa, cà phê. Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn, gần 60% người được hỏi sẵn sàng chi từ 41.000 đồng cho một lần đi cà phê gặp gỡ.
Hầu hết người Việt thỉnh thoảng đi cà phê khoảng 1-2 lần/tháng, với gần 43% đáp viên lựa chọn. Trong khi đó, tỷ lệ thực khách đi cà phê bên ngoài với tần suất 1-2 lần/tuần tăng cao từ mức gần 23% của năm 2022 lên hơn 30% đáp viên.
Có tới 6% người Việt tham gia khảo sát thừa nhận đi cà phê mỗi ngày.
Chloe Nguyễn giải thích rằng ăn uống là nhu cầu thiết yếu nên mọi người ít khi cắt giảm. Giá đồ uống tại cửa hàng của cô dao động từ 35.000 đồng trở lên, không quá cao nên mọi người vẫn sẵn sàng chi tiền.
“Với ăn uống nhìn chung, mọi người có tâm lý rằng nó không tác động quá lớn đến kinh tế của mình và thấy thoải mái hơn khi chi tiêu”, nữ quản lý cho hay.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.