Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Khách ngoại tới TP.HCM sắm đồ 'cả năm nữa mới có ở chỗ tôi'

Các nhóm khách du lịch nước ngoài đang giúp những con phố thời trang ở TP.HCM sôi động hơn khi người mua trong nước giảm, dè dặt chi tiêu.

Trong kỳ nghỉ 4 ngày ở TP.HCM, Anna và Oxana (20 tuổi, Australia) dành nguyên một ngày để dạo quanh các con phố mua sắm tại quận 1 như Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Tôn Thất Thiệp...

Cặp chị em mua được nhiều món đồ như quần áo, váy, phụ kiện từ một số cửa hàng quần áo local brand. Cả hai rất ấn tượng với chất lượng và giá thành của các sản phẩm may mặc này.

"Nhiều món đồ tôi tìm thấy ở đây chắc phải vài tháng, thậm chí là cả năm nữa mới có ở Australia. Thời trang ở Việt Nam dường như hợp mốt hơn nhiều", Anna nói với Tri thức - Znew.

Tương tự Anna và Oxana, nhiều du khách nước ngoài rất thích ghé qua các con phố mua sắm ở TP.HCM. Bên cạnh các hàng ăn, địa điểm du lịch, giờ đây các shop thời trang cũng được nhiều du khách thêm vào danh sách điểm đến trong chuyến du lịch của mình.

Du lịch mua sắm

Trong ứng dụng tìm đường trên điện thoại, Anna đã lưu sẵn 10 điểm đến. Tất cả đều là tên thương hiệu quần áo Việt Nam. Cô cho biết trước khi đến TP.HCM, hai chị em đã lên TikTok để tìm kiếm các shop thời trang được đánh giá tốt.

"Chúng tôi đã xem khoảng chục clip review và lưu lại những địa chỉ này. Đây đều là những nơi được nhiều du khách ghé qua, mua đồ và khen ngợi", Anna cho hay.

mua sam o tphcm anh 1

Anna, Oxana (Australia) đi mua sắm tại TP.HCM.

Trên TikTok, hashtag #shoppinginvietnam có 228 clip liên quan. Còn trên YouTube, nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ trải nghiệm mua sắm cũng như review các thương hiệu quần áo tại Việt Nam.

Cuối năm ngoái, loạt ảnh Lisa (thành viên nhóm nhạc Blackpink) đến TP.HCM shopping từng gây sốt cõi mạng, góp phần vào xu hướng du lịch mua sắm. Từ đây, các local brand được nhiều bạn trẻ ở Đông Nam Á, Hàn Quốc chú ý hơn.

Vào những ngày cuối tuần, phố mua sắm Nguyễn Trãi (quận 1), nơi có hàng chục cửa hàng quần áo, giày dép nằm san sát nhau, khách nước ngoài chiếm tỷ lệ không hề nhỏ, nhất là khi số lượng khách trong nước có xu hướng giảm vì chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Prya (Mỹ) cũng biết đến các shop quần áo ở đường Nguyễn Trãi thông qua TikTok. Sau khoảng 2 giờ dạo quanh các cửa hàng quần áo, cô mua được 7 món đồ với tổng chi phí 2 triệu đồng.

Nữ du khách cho biết khi du lịch ở một đất nước mới, cô thường rất thích mua sắm ở các cửa hàng địa phương. Vì theo cô, những thương hiệu lớn có thể dễ dàng tìm mua ở Mỹ, trong khi hàng nội địa thì mỗi nơi mỗi khác và thường rất độc đáo.

"Tôi thấy những món đồ tôi mua được hôm nay đều đẹp, chất lượng vải ổn, kiểu dáng thì đa dạng và quan trọng là giá thành rất hợp lý", Prya chia sẻ.

mua sam o tphcm anh 2

Jasmine (Indonesia) chi 5 triệu đồng mua sắm quần áo ở TP.HCM.

Thích nhưng vẫn khó mua

Khi tìm kiếm các địa điểm nổi bật ở TP.HCM trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu (The Little Red Book), Cheyenne (29 tuổi, Malaysia) và nhóm bạn đã tìm thấy rất nhiều cửa hàng quần áo local brand. Hình ảnh bắt mắt khiến cô quyết định ghé tới những địa điểm này trong chuyến du lịch TP.HCM kéo dài 6 ngày vào cuối tháng 3.

Sau khi ghé qua 4-5 shop thời trang, Cheyenne nhận thấy rằng quần áo ở Việt Nam vừa bắt kịp xu hướng, nhưng cũng có nhiều nét rất riêng. "Ấn tượng đầu tiên của tôi là mọi thứ đều nhiều màu sắc, kiểu dáng đa dạng và hình như là mọi người rất thích đính hoa, các họa tiết cầu kỳ lên trang phục. Có lẽ quần áo ở Malaysia sẽ đơn giản hơn thế này", cô nhận xét.

Trong khi đó, người bạn đi cùng Cheyenne phàn nàn rằng các phố mua sắm ở TP.HCM chủ yếu bán quần áo cho nữ, còn đồ dành cho nam thì quá ít.

mua sam o tphcm anh 3

Nhóm bạn của Cheyenne (Malaysia) dạo quanh các phố mua sắm ở quận 1.

Còn đối với Jasmine (24 tuổi, Indonesia), trở ngại lớn nhất nằm ở khâu thanh toán. Một số cửa hàng chưa tiếp nhận các loại thẻ thanh toán quốc tế.

Lần thứ hai đến Việt Nam, cô tự nhận mình có nhiều kinh nghiệm shopping hơn. Sau khoảng một buổi chiều, Jasmine và bạn chi khoảng 5 triệu đồng và mua được rất nhiều quần áo. Nữ du khách biết đến các cửa hàng thời trang ở TP.HCM thông qua sự giới thiệu của bạn, những người cũng từng đến Việt Nam du lịch.

"Tôi rất hài lòng với những món đồ mua được trong lần này. Quần áo ở đây rẻ hơn ở Indonesia mà chất lượng rất tốt nên tôi nhất định sẽ quay lại khi có cơ hội".

Dù ưng ý rất nhiều mẫu quần áo tại các shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi, cặp chị em Anna và Oxana chỉ mua được khoảng 1/3 trong số này. Lý do là cả hai không thể tìm được size đồ vừa vặn.

"Kích cỡ quần áo rất hạn chế, một số nơi còn không có size L hoặc size L nhỏ hơn so với thông thường. Đó là điều đáng tiếc nhất", Anna chia sẻ.

Nhiều shipper ở TP.HCM tắt app vì sợ chở hoa, giao bánh ngày 8/3

Đơn “nổ” dồn dập nhưng nhiều shipper lo lắng khi phải giao những món quà dễ hư hỏng như hoa, bánh kem. Một số người chọn tắt ứng dụng.

Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng

Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.

Huệ Lâm - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm