Lee Ha-kyung (29 tuổi), nhân viên văn phòng ở Seoul (Hàn Quốc) vừa đặt vé máy bay đi Tây Ban Nha vào đầu tháng 7. Do gần đây giá vé tăng, cô phải trả khoảng 2 triệu won cho một chuyến khứ hồi, gần gấp đôi so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, cô không hối hận.
“Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi trong hơn 2 năm qua. Trong đại dịch, tôi cũng không tiêu quá nhiều tiền vì chỉ ở nhà nên con số này vẫn chấp nhận được”, Lee nói với Korea Times.
“Ngoài ra, tôi đọc tin tức rằng có khả năng Covid-19 sẽ bùng phát trở lại vào mùa thu năm nay, đồng nghĩa với sự trở lại của các quy định chống dịch hà khắc. Vì vậy, tôi nghĩ mùa hè này có thể là cơ hội hoàn hảo để du lịch nước ngoài”.
Lee là một trong số nhiều người Hàn Quốc đang tận hưởng “chi tiêu trả thù”, nghĩa là bù đắp cho những chuyến du lịch hay mua sắm đã bỏ lỡ trong đại dịch. Không chỉ xứ kim chi, xu hướng này cũng xuất hiện ở nhiều nước châu Á nơi Covid-19 đang dần được kiểm soát.
Sân bay quốc tế Incheon đông nghẹt hành khách vào ngày 3/6. Ảnh: Yonhap. |
Mạnh tay chi tiêu
Hiện, hầu hết quy định về giãn cách xã hội tại Hàn Quốc đã được gỡ bỏ. Mọi người đang đổ xô đến các sân bay, điểm du lịch trong nước, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim để thỏa mãn cơn khát du lịch và giải trí.
Theo Incheon International Airport Corp. (IIAC), nhà điều hành sân bay quốc tế Incheon, lượng hành khách lên các chuyến bay quốc tế vào 4/6 đạt 40.833 người, mức cao nhất kể từ 3/3/2020. Sân bay dự đoán khoảng 40.009 người sẽ du lịch nước ngoài vào 5/6 và 33.316 người đi vào ngày 6/6.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Statistics Korea, trong tháng 4, tổng lượng giao dịch mua sắm trực tuyến đạt 1,65 nghìn tỷ won, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các giao dịch về du lịch và vận tải online cũng tăng 89,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người Hàn mạnh tay chi tiêu cho du lịch, giải trí khi các quy định giãn cách được gỡ bỏ. Ảnh: Yonhap. |
Một quan chức của Statistics Korea cho biết việc gỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội góp phần khiến các lĩnh vực như hàng không, vận tải, xe hơi cho thuê và khách sạn phục hồi gần như hoàn toàn. Các chuyên gia nhận định xu hướng "chi tiêu trả thù" tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay, nếu tình hình Covid-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
“Mọi người hầu như bị giới hạn ở nhà trong hơn 2 năm. Họ có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu tiền qua mua sắm online nhưng vẫn chưa đủ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu tiền cho những trải nghiệm thực tế khiến người tiêu dùng hạnh phúc hơn là mua hàng hóa vật chất”, Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết.
“Và để bù đắp thời gian hoặc cơ hội đã mất trong đại dịch, mọi người sẵn sàng chi tiền cho du lịch và các hoạt động giải trí như xem phim, đi bảo tàng, công viên giải trí thậm chí nhiều hơn so với trước dịch”.
Giai đoạn đầu đại dịch, nhiều người Trung Quốc cũng "chi tiêu trả thù" sau các đợt phong tỏa. Ảnh: Reuters. |
Trước khi các quy định phòng dịch được nới lỏng vào 21/4, nhiều người dân tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã lên sẵn kế hoạch tiêu tiền.
Chloe Cheung (giáo viên 27 tuổi) đặt lịch trị liệu da mặt trong 30 phút, massage toàn thân và một lớp học yoga, tốn khoảng 446 USD. Cô cũng sẽ xin nghỉ phép 4 ngày để nghỉ ngơi.
"Cuối cùng thì chúng ta cũng trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian dài chờ đợi", cô nói với South China Morning Post.
Hiện tượng “chi tiêu trả thù” đang diễn ra không phải lần đầu xuất hiện trong đại dịch. Giữa năm 2020, khi làn sóng dịch đầu tiên bước đầu được khống chế ở Trung Quốc, nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu như Louis Vuitton, Hermès, Gucci và Prada chứng kiến sự phục hồi thần tốc về doanh số khi mở lại các cửa hàng. Riêng cửa hàng của Hermès tại Quảng Châu thu về tới 2,7 triệu USD trong ngày mở cửa trở lại đầu tiên vào tháng 4.
Tương tự, cuối năm 2020, nhiều người dân Singapore cũng đổ tiền vào các bữa tối tại nhà hàng, chấp nhận xếp hàng chờ lâu hoặc ngồi theo nhóm nhỏ và giữ khoảng cách. Mọi người sử dụng khoản tiền đáng lẽ dành cho du lịch, vui chơi vào những bữa ăn thịnh soạn tại nhà hàng.
Dè chừng
Tuy nhiên, với nhiều quốc gia còn duy trì các chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt, người dân vẫn dè dặt, cẩn trọng.
Tại Thượng Hải, việc phong tỏa đã kết thúc từ 1/6 nhưng Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid-19. Điều này khiến 25 triệu cư dân thành phố có xu hướng thắt chặt chi tiêu vì lo lắng rằng cảnh phong tỏa sẽ lặp lại.
“Nhiều bạn bè của tôi, đặc biệt người có gia đình và con nhỏ, đều đang định mua tủ lạnh lớn hơn hoặc mua thực phẩm. Hiện, họ không quan tâm đến việc mua những thứ không cần thiết”, Yang, giáo viên, cho biết.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Alibaba, Daniel Zhang, cũng có chung quan điểm này.
"Ở tất cả tầng lớp người tiêu dùng khác nhau, nhu cầu với các mặt hàng thiết yếu đã tăng lên và ít có sự nhạy cảm về giá cả", Zhang nói với các nhà phân tích.
Nhiều người dân Nhật Bản quyết định thắt lưng buộc bụng khi giá cả tăng cao và giá trị đồng yen giảm. Trong hình, một phụ nữ mua sắm tại cửa hàng giảm giá ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg. |
Tại Nhật Bản, sau khi gỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 vào tháng 3, chính phủ xứ anh đào đã tính đến trường hợp xuất hiện tình trạng “chi tiêu trả thù” từng xuất hiện ở Mỹ, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn khác.
Tuy nhiên, với chi phí năng lượng, thực phẩm và phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt do đồng yen giảm giá và cuộc xung đột ở Ukraine, tình trạng đó không xuất hiện.
Theo JTB Corp, công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản, số lượng khách du lịch vào dịp nghỉ lễ dự kiến tăng khoảng 70% so với năm 2021, nhưng vẫn còn kém 1/3 so với mức trước đại dịch.
Giống nhiều người Nhật quyết định thắt lưng buộc bụng, bà mẹ 3 con Maiko Takahashi (sống ở ngoại ô Tokyo) bắt đầu cho con trai học mẫu giáo sử dụng đồng phục cũ, tìm kiếm các chương trình giảm giá và chuyển hướng mua sang các thương hiệu thực phẩm bình dân hơn. Trước đây, chị chưa bao giờ quá chi li hay để các con phải dùng đồ cũ dù gia đình không mấy dư dả.
“Tôi cũng chú ý đến các mẹo sinh hoạt trên tivi, như giảm số lần mở tủ lạnh để tiết kiệm điện. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy mọi thứ khó khăn nên phải điều chỉnh lại”.
Chi tiêu trong bão giá
Vì sao người trẻ thích 'chốt đơn' trên sàn TMĐT?
Trong giai đoạn hậu Covid 19, thương mại điện tử vẫn là kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Người trẻ chia sẻ những thay đổi trong thói quen mua sắm
Trong giai đoạn vật giá leo thang, người trẻ bắt đầu có xu hướng thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên những món đồ chính hãng, chất lượng và áp dụng nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Các thế hệ chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu thời bão giá
Đối mặt với bão giá, người tiêu dùng thuộc các thế hệ đều tìm cách thích ứng và tận hưởng trải nghiệm mua sắm.
Cách người trẻ xoay sở giữa thời bão giá
Bất ngờ với khoản chi hàng triệu đồng mỗi tháng riêng cho ăn uống trong khi vật giá tăng cao, nhiều người trẻ tìm kiếm giải pháp phù hợp để cân đối chi tiêu.
Nhẹ gánh chi tiêu thời bão giá nhờ trợ lực từ nhà bán, sàn TMĐT
Trong bối cảnh vật giá leo thang, sàn thương mại điện tử (TMĐT) trở thành “kinh đô mua sắm” của người tiêu dùng nhờ nhiều tầng giảm giá.