"Đây là điều mà tôi nhận ra trong đại dịch. Giao tiếp thực sự tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Bây giờ, thế giới bắt đầu tái mở cửa và tôi phải quay lại làm việc, điều đầu tiên tôi nhận ra là việc đi làm và nói chuyện với mọi người khiến năng lượng của tôi cạn sạch", Esha Paul, một nhân viên văn phòng đang vật lộn để học lại cách tương tác ở nơi làm việc, nói với VICE.
Khi phải làm việc tại nhà trong đại dịch, Esha đã hình thành thói quen giải quyết nhiều công việc cùng lúc một cách hiệu quả, có thể là vừa bàn việc online vừa làm việc gì khác bên cạnh. Nhưng bây giờ, cô thường xuyên loay hoay không biết cách thảo luận nội dung công việc một cách nghiêm túc với đồng nghiệp trong văn phòng.
Tình trạng mệt mỏi với các tương tác xã hội này không chỉ giới hạn ở những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp trong không gian bó hẹp. Ngay cả với những người bạn cũ lâu ngày không gặp, việc trở lại các cuộc tụ tập đông người cũng cần sự nỗ lực.
Nhiều người quen với việc ở nhà trong đại dịch và cảm thấy khó khăn để hòa nhập lại trong bình thường mới. Ảnh minh họa: Freepik. |
"Tôi vẫn thích đi chơi với bạn bè, chỉ là tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải giao tiếp nhanh hơn. Dù tôi có thích đến thế nào đi nữa thì điều đó vẫn khiến tôi cảm thấy kiệt quệ và tôi thực sự mệt mỏi khi về đến nhà", Therese Reyes, một người chung tình trạng với Esha, chia sẻ.
Với các quy định phòng chống dịch trong 2 năm qua, từ phong tỏa đến sau đó là tái mở cửa hạn chế, phần lớn mọi người đã điều chỉnh cuộc sống theo những thay đổi này.
"Tôi đã quen với lối sống trong đại dịch. Tôi là một người rất thích sống theo thói quen. Trước đại dịch, mỗi tối thứ 6 tôi đều ra ngoài chơi với bạn bè nhưng rồi Covid-19 đến và điều đó đã thay đổi, thói quen của tôi cũng thay đổi".
Giờ, Therese quen với việc xem phim ở nhà vào tối thứ 6 và ngủ thoải mái vào thứ 7 sau bữa trưa. Việc trở lại với các hoạt động xã hội như trước đại dịch đồng nghĩa với việc giảm bớt những giờ nghỉ ngơi quý giá của cô.
"Vài lần ra ngoài vào thứ 7, tôi chỉ mong được chợp mắt ngủ ngay sau bữa trưa và rõ ràng là tôi không thể làm vậy vì đang ở ngoài. Bây giờ tôi chỉ muốn ở nhà để thực hiện những điều yêu thích đó".
Bắt đầu với những cuộc gặp nhỏ bên bạn bè thân thiết là cách để dần lấy lại cảm giác tụ tập xã hội. Ảnh minh họa: Pexels. |
Sự lo lắng về đại dịch Covid-19 hiện giảm bớt khi phần lớn mọi người đã được tiêm phòng song việc trở lại các hoạt động vui chơi vẫn là điều mới mẻ với nhiều người.
"Tôi nhận ra mình không cảm thấy thoải mái khi ở trong một nhóm đông người. Tôi lo mình sẽ xa cách mọi người, không nói chuyện, trở thành người nhàm chán trong một bữa tiệc", Esha bày tỏ.
Annabelle Chow, nhà tâm lý học lâm sàng tại Singapore, nhận định cảm xúc của Esha và Therese là điều có thể hiểu được. Nhiều khách hàng của cô cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự.
"Tôi nghĩ không có gì sai khi muốn ở nhà và không nói chuyện với mọi người. Tuy nhiên nếu việc lo lắng khi trò chuyện với mọi người khiến bạn ở nhà, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sâu hơn và bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia".
Với những người đang muốn trở lại với cuộc sống như trước dịch nhưng cảm thấy lo rằng sẽ bị "ngợp", Annabelle khuyên nên bắt đầu với các nhóm nhỏ, bạn bè thân thiết và ở một địa điểm thoải mái. Cô cho rằng điều quan trọng là phải biết đặt ra ranh giới thay vì cảm thấy bắt buộc phải dành cả ngày cho bạn bè.
"Tôi nghĩ điểm mấu chốt là hãy làm một cách từ từ, nhẹ nhàng, liên tục kiểm tra xem bản thân đang cảm thấy như thế nào. Nếu cảm thấy quá sức thì tạm ngưng, hãy để ý cảm giác của bản thân và đưa ra quyết định".