Thay vì ca ngợi lối sống nghiện việc, ngày càng nhiều người xem việc ngủ đủ, ngon giấc và nghỉ ngơi hợp lý mới là cách giúp đem lại hiệu suất làm việc tốt.
Sự phát triển của công nghệ hiện đại đang xóa mờ lằn ranh giữa văn phòng và nhà, khiến thời gian dành cho công việc dài thêm.
Ngoài giờ làm, nhân viên vẫn thường xuyên nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hay email yêu cầu báo cáo tiến độ từ cấp trên. Laptop, điện thoại luôn kề bên, được kết nối Internet sẵn sàng phục vụ người lao động xử lý công việc mọi lúc.
Tuy nhiên, một ngày chỉ có 24 tiếng, dành càng nhiều thời gian cho công việc và những vấn đề khác đồng nghĩa với việc giấc ngủ, vốn được khuyên cần khoảng 7-8 giờ/ngày đối với người lớn, có thể sẽ ngày càng ngắn lại.
Dần dần, từ một điều dĩ nhiên trong cuộc sống, giấc ngủ dần phải “nhường chỗ” cho công việc trong cuộc sống của nhiều người trẻ.
Bòn rút giấc ngủ cho công việc
Tự nhận là người khá chăm chỉ, Elon Musk cho biết ông luôn bị cuốn theo công việc và điều này đôi khi dẫn tới việc tỷ phú công nghệ bỏ quên giấc ngủ.
Elon Musk cũng thừa nhận với The New York Times rằng từng làm việc tới 120 tiếng/tuần, không rời khỏi nhà máy Tesla trong nhiều ngày và phải sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi.
Theo Inc, vừa làm việc quá độ, kiệt sức và phụ thuộc vào thuốc có thể là nguyên nhân đằng sau những dòng tweet gây tranh cãi của vị tỷ phú vào thời điểm đó.
Tại Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma cũng là người nổi tiếng với việc khuyến khích nhân viên hết mình với văn hóa 996 - làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần - và hơn thế nữa.
“Có thể làm việc theo phong cách 996 là một điều tuyệt vời. Nếu muốn gia nhập Alibaba, bạn cần chuẩn bị tinh thần làm việc 12 giờ/ngày. Nếu không, đừng nghĩ đến chuyện làm tại đây”, phát ngôn của ông từng gây tranh cãi.
Tại các công ty công nghệ Trung Quốc, 996 là nỗi ám ảnh của nhiều nhân viên. Văn hóa “không ngủ, không tình dục, không gì ngoài công việc” từng được South China Morning Post mô tả trong một bài viết năm 2019, cho thấy lịch làm việc khắc nghiệt của những người muốn thành công trong ngành công nghệ tại đất nước này.
Thậm chí, vì đã dành quá nhiều thời gian cho công việc vào ban ngày, nhiều người trẻ xứ tỷ dân chấp nhận cắt xén giấc ngủ để dành thời gian cho các hoạt động giải trí hoặc những việc mình thích khác vào ban đêm, dù biết điều này có hại cho sức khỏe. Xu hướng này còn được gọi là “trả thù giấc ngủ”.
“Tình trạng này xảy ra khi con người không được chủ động về mặt thời gian vào ban ngày nên từ chối ngủ sớm để tìm lại cảm giác tự do khi đêm xuống”, nhà báo Daphne K. Lee, một trong những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ trên, mô tả.
Nhiều người lao động Trung Quốc thiếu ngủ vì vắt kiệt sức cho công việc. Ảnh: Reuters. |
Năm 2019, khảo sát về giấc ngủ trên 11.000 người tại 12 quốc gia của tập đoàn Phillips cho thấy 62% người trưởng thành không ngủ đủ giấc. Thời gian ngủ trung bình của những người được khảo sát là 6,8 tiếng/ngày, ít hơn mức 8 tiếng theo khuyến nghị của các chuyên gia sức khỏe. 37% cho rằng áp lực và lịch học tập, làm việc dày đặc khiến họ không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi vào ban đêm.
Tại Nhật Bản, "văn hóa ngủ gật" có tên inemuri - miêu tả những giấc ngủ ngắn không cố ý của người lao động tại văn phòng, trên tàu hoặc nơi công cộng - còn được tôn vinh. Nhiều công ty cho rằng việc các nhân viên ngủ gật như vậy chứng tỏ họ đã cống hiến cho công việc tới mức kiệt sức.
Thức tỉnh
Trong cuốn sách Why We Sleep: Unlocking the Power of Sleep and Dreams, một nhà thần kinh học nhấn mạnh: “Ngủ càng ít, sống càng ngắn”. Chứng thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, cả về thể chất và tâm lý, BBC nhận định.
Vì vậy, theo thời gian, ngày càng nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc có một giấc ngủ ngon, đủ giấc đối với hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống nói chung. Sau khi gặp nhiều vấn đề, tỷ phú Elon Musk cũng phải điều chỉnh thời gian làm việc còn 80-90 tiếng/tuần, dành nhiều thời gian hơn cho nghỉ ngơi.
"Rõ ràng không phải cứ làm thật nhiều là hiệu quả", ông thừa nhận.
Theo Fast Company, ít ngủ tác động đến sức khỏe tinh thần của nhân viên và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của công ty. Thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ chấn thương tại nơi làm việc đến 70%.
Điều này một phần là do người lao động mệt mỏi và ít có khả năng tập trung vào các hướng dẫn an toàn tại nơi làm việc.
Giấc ngủ tác động không nhỏ tới năng suất làm việc của người lao động. Ảnh: The Paper. |
Ngoài ra, các vấn đề về an toàn tại nơi làm việc liên quan đến giấc ngủ, bao gồm tai nạn và thương tích cũng như hậu quả sức khỏe lâu dài do thiếu ngủ, như bệnh tim, có thể khiến người lao động phải nghỉ làm nhiều ngày, tốn nhiều chi phí bảo hiểm, gây tốn kém cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Nhận ra vai trò của giấc ngủ đối với năng suất làm việc và kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe, nhiều công ty đã bắt đầu hỗ trợ nhân viên trong vấn đề này.
Tháng 10/2019, New Balance, công ty sản xuất giày thể thao ở Mỹ, ra mắt Dayzz, ứng dụng trên điện thoại di động cung cấp các lời khuyên để có giấc ngủ ngon hơn. Nếu người dùng cho biết sẽ xem tivi trên giường, đến giờ ngủ, ứng dụng có thể gửi tin nhắn để nhắc tắt tivi. Nếu người dùng mất quá nhiều thời gian để vào giấc, ứng dụng có thể đề xuất họ tạm thời rời khỏi giường và nghe nhạc.
Nhân viên cũng có thể dùng Dayzz để quét mức độ tiếng ồn và cường độ ánh sáng trong phòng hay trò chuyện với người hướng dẫn về giấc ngủ, theo Washington Post.
Ngành công nghiệp giấc ngủ
Với sự tăng cường nhận thức về sức khỏe trong đại dịch, ngành công nghiệp giấc ngủ cũng ngày càng phát triển.
Từ năm 2016 đến 2020, thị trường liên quan đến giấc ngủ ở Trung Quốc đã tăng 41,1 tỷ USD lên 59,3 tỷ USD và dự kiến vượt 157,1 tỷ USD vào năm 2030, theo iiMedia Research.
Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ ngày càng phát triển. Ảnh: John Nguyen/JNVisuals. |
Ngoài các sản phẩm phổ biến hỗ trợ giấc ngủ như giường nệm, chăn gối, nhu cầu từ người dân cũng kéo theo sự lên ngôi của nhiều sản phẩm công nghệ và dịch vụ tiện ích. Nhiều người trẻ ưa chuộng các sản phẩm nến thơm, dầu thơm không khói để thư giãn, dễ vào giấc ngủ.
Bên cạnh đó, các nghề nghiệp mới phục vụ nhu cầu ngủ ngon cũng xuất hiện, ví dụ như ru ngủ khách hàng online, có giá khoảng 10 nhân dân tệ/giờ. Những người được trả tiền thường kể những câu chuyện thú vị hoặc trò chuyện với khách hàng.
Ngoài ra, các “salon ngủ” dành cho người mất ngủ nghiêm trọng cũng ngày càng trở nên phổ biến. Đây là nơi cung cấp không gian yên tĩnh, dạy mọi người cách thư giãn và chìm vào giấc ngủ, theo China Daily.
Các quán cà phê ngủ ở Hàn Quốc được nhiều người trẻ ưa chuộng. Ảnh: Korea Herald. |
Từ năm 2017, một số phòng tập ở Anh đã cung cấp liệu pháp tập hỗ trợ giấc ngủ có tên “napersice”. Những người tham gia sẽ được phát chăn gối, miếng bịt mắt, tận hưởng khoảng thời gian 45 phút nghỉ ngơi và 15 phút giãn cơ.
Tại Hàn Quốc, các quán cà phê có ghế massage, không gian yên tĩnh, tràn ngập hương bạc hà hay oải hương dễ chịu, hỗ trợ những vị khách muốn có giấc ngủ ngon cũng đắt khách. Jung Oon-mo, chủ một quán cà phê cung cấp dịch vụ, nhận định mô hình kinh doanh này không phải là trào lưu nhất thời.
“Mô hình dịch vụ này có thể tạo ra lợi nhuận lên tới 30 năm, chúng ta cần những nơi như thế này”, ông nói với Korea Herald.