Tuyên bố này được Silver Ribbon, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề sức khỏe tâm thần tại Singapore, rút ra sau khi thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến vào ngày 21/3 trên 535 người.
Những phát hiện này cũng được công bố tại một sự kiện online về sức khỏe tâm thần của tổ chức này vào ngày 5/5, theo The Straits Times.
Cuộc khảo sát còn cho thấy 63% người được hỏi cảm thấy hơi căng thẳng tại nơi làm việc trong khi 28% cho biết bản thân cảm nhận mức độ căng thẳng cao.
36% người được hỏi cho rằng sự căng thẳng của họ là do các vấn đề trong công việc, trái ngược với 5% cho rằng không phải vậy. Ngoài ra, 59% cho hay nguyên nhân khiến họ cảm thấy căng thẳng là sự kết hợp của cả hai: vấn đề công việc và ngoài công việc.
Cân bằng cuộc sống và công việc mới là ưu tiên của nhiều người lao động Singapore. Ảnh: Desmond Wee/Straits Times. |
"Theo thời gian, việc có một mức lương hấp dẫn không còn là lý do duy nhất khiến người lao động muốn gắn bó với một công việc. Do đó, sẽ thật tốt nếu cả người sử dụng lao động và các nhân viên cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề, để cả hai bên hiểu rõ hơn về nhu cầu và kỳ vọng của nhau", bà Ellen Lee, chủ tịch Silver Ribbon, nhận xét.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nhân lực Gan Siow Huang, khách mời tại sự kiện, cho biết việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần của người dân - bao gồm cả người lao động - luôn là ưu tiên của chính phủ Singapore. Đó là lý do Singapore thành lập một lực lượng tập trung vào sức khỏe tâm thần và phúc lợi, hỗ trợ những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Căng thẳng nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến năng suất của nhân viên. Ảnh: Shutterstock. |
Bà Gan cho rằng những người lao động này cần sự linh hoạt trong lịch trình làm việc để có thể tiếp tục vừa làm vừa nhận sự tư vấn hoặc trị liệu, một số người khác có thể cần hỗ trợ trong quá trình tìm việc.
Ingrid Daniels, cựu chủ tịch Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới, nói đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh một thực tế rằng các vấn đề về sức khỏe tâm thần ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng lao động và doanh nghiệp theo nhiều cách, ví dụ như gia tăng tình trạng nghỉ không phép, nghỉ việc và tác động tiêu cực đến năng suất, lợi nhuận.
"Hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc không phải là điều 'nên có' nữa, mà là rất cần thiết", bà khẳng định.
"Môi trường làm việc mang lại sức khỏe tâm thần, thể chất tốt không chỉ có lợi cho người lao động mà còn cả người sử dụng lao động. Những nhân viên có tinh thần tốt sẽ tập trung hơn trong công việc. Họ có động lực hơn để đạt được mục tiêu, góp phần vào một môi trường làm việc an toàn, hiệu quả hơn cho mọi người".