Từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2020, Ziyi Zuo đã bỏ 2 công việc được trả lương cao ở Thâm Quyến và Bắc Kinh chỉ trong vòng 6 tháng.
Sau khi thất nghiệp, chàng trai 22 tuổi trở về quê nhà Thiên Tân để “nằm yên” - phong trào phát triển từ giữa năm 2021, thu hút những người trẻ từ chối sự cạnh tranh gắt gao ở Trung Quốc, theo The Daily Beast.
Hiểu theo cách đơn giản, “nằm yên” (tang ping) tức là ngừng phấn đấu. Theo BBC, đó là sự phản đối văn hóa làm việc quá sức và cạnh tranh khốc liệt của người lao động thuộc thế hệ Z (sinh năm 1997 đến 2010), Millennials ở Trung Quốc. Phong trào tập trung vào các cá nhân tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và dành thời gian thích hợp để thư giãn.
Hầu hết người tham gia trào lưu “nằm yên” là sinh viên mới tốt nghiệp. Việc đại chúng hóa giáo dục đại học ở Trung Quốc là một cách lý giải cho hiện tượng này, theo nhà Hán học Isabelle Thireau. Ảnh: CGTN. |
Thực tế, người trẻ làm việc trong lĩnh công nghệ của đất nước tỷ dân phải đối mặt với lịch trình “996” (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần). “Tang ping” động viên họ không cần đánh đổi sức khỏe để gặt hái thành công liên tục và thăng tiến.
Theo Insider, đây chỉ là một trong những trào lưu phản đối công việc đang diễn ra trên thế giới.
Phản đối công việc
Sau khi trải qua đại dịch, người lao động trên thế giới đặt kỳ vọng cao và muốn có nhiều việc làm hơn. Họ chọn từ bỏ hoặc nhảy việc, gây nên “tình trạng thiếu hụt lao động”.
Bộ trưởng Lao động Mỹ Marty Walsh chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến xu hướng này: nhân loại trải qua thời kỳ chưa từng có; mối quan tâm về sức khỏe gia tăng; mọi người suy ngẫm về những gì họ mong muốn khi từ bỏ công việc.
Những tháng gần đây, mạng xã hội cũng bùng nổ nhiều cộng đồng “antiwork”. Đây giống như “ngôi nhà” cho những người bỏ việc và phản đối tình trạng trả lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ.
Đôi khi, người lao động “cố tình làm việc chậm lại”, thường nhằm nỗ lực thay đổi điều kiện làm việc. Theo The Guardian, phong trào này là tín hiệu cho thấy giảm bớt khối lượng công việc có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của công nhân.
Nói cách khác, mục tiêu của xu hướng kể trên không phải giảm lương mà là duy trì lý tưởng “mọi người đều xứng đáng có cuộc sống cân bằng, bao gồm việc được nghỉ ngơi và tránh xa công việc”.
Nhiều người trẻ muốn làm công việc mình yêu thích và giúp họ nhận ra giá trị của bản thân. Ảnh: Lucy Lu/WSJ. |
The New York Times đặt ra thuật ngữ “nền kinh tế YOLO” vào đầu năm 2021 để chỉ những người thuộc thế hệ Millennials, có điều kiện tương đối khá giả, quyết định đảo lộn cuộc sống sau khi trải qua đại dịch. Họ thay đổi ưu tiên trong cuộc sống như ủng hộ việc bận rộn toàn thời gian, chuyển nơi ở hoặc tiếp tục ở nhà để dành thời gian cho người thân.
Tất nhiên, “nền kinh tế YOLO” không áp dụng cho tất cả. Tờ Washington Post ghi nhận nhiều người lao động lớn tuổi vẫn đang cố gắng tìm việc làm.
Tháng 5 năm ngoái, Anthony Klotz, nhà tâm lý học tổ chức người Mỹ, tiên phong dự đoán về làn sóng bỏ việc ồ ạt, được biết đến với tên gọi “đại từ chức”. Trong vòng 5 tháng, người Mỹ nghỉ việc ở mức kỷ lục. Chỉ tính riêng tháng 8/2021, khoảng 4,3 triệu lao động có lựa chọn này.
Một số chuyên gia cho rằng nhiều người còn nghỉ việc để chuyển sang công ty khác tốt hơn trong “cuộc đại cải tổ”.
Tháng 10/2021, Ryan Roslansky, Giám đốc điều hành LinkedIn, nói với Time rằng trong năm qua, xu hướng chuyển đổi công việc trên LinkedIn tăng 54%. Đối với người lao động thuộc Gen Z, quá trình chuyển đổi tăng vọt 80%, thế hệ Millennials theo sau với 50%.
Xu hướng này giúp người lao động có lựa chọn tốt hơn là chỉ thoát khỏi một công việc tồi tệ. Các nhà tuyển dụng lao vào cuộc chiến tăng lương và đưa ra nhiều điều khoản hấp dẫn để thu hút người lao động.
Tại Trung Quốc, người sử dụng hashtag #tangping để nói về hoàn cảnh của họ. Trong khi đó, các nhân viên Mỹ đang bỏ việc hàng loạt và người lao động Pháp sẵn sàng rời bỏ thành phố lớn khi có thể. Ảnh: Vernon Yuen/NurPhoto. |
Ngừng phụ thuộc vào công việc
Theo Forbes, trải nghiệm cận kề cái chết đánh thức suy ngẫm về sự mong manh của cuộc đời và tầm quan trọng của việc sống có mục đích, ý nghĩa. Đại dịch Covid-19 chính là hồi chuông cảnh tỉnh.
Nhiều người nhận ra công việc của họ là “ngõ cụt” và bỏ việc trong làn sóng “đại từ chức”. Xu hướng này cho thấy mọi người không còn muốn lãng phí thời gian để làm công việc mà họ không thích và sẽ tìm kiếm cơ hội tốt hơn mang lại sự phát triển trong tương lai.
Tư duy mới này cũng chuyển sang các lĩnh vực khác trong công việc và cuộc sống. Tuần làm việc tiêu chuẩn 9-to-5 đã được thay đổi. Trong đại dịch, đây được chứng minh là thành công không thể bàn cãi.
Các tập đoàn như Amazon, Apple, Microsoft, Facebook và Google đạt mức lợi nhuận kỷ lục. Thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất mọi thời đại. Các nghiên cứu cho thấy người lao động làm việc nhiều giờ hơn vào ban đêm và cuối tuần. Năng suất của họ được cho là phi thường.
Khi làm việc từ xa cho thấy lợi ích cho cả nhân viên và quản lý, sự điều chỉnh phương thức làm việc là điều tất nhiên.
Hậu dịch, nhiều người đặt câu hỏi về lịch trình 9-to-5 truyền thống và muốn thay thế bằng thời gian làm việc 4 ngày/tuần. Ảnh: Josh Huskin/The New York Times. |
Thay vì 9-to-5, sẽ có ý nghĩa hơn nếu các công ty hỏi nhân viên rằng lịch trình nào phù hợp nhất với họ. Một số có thể chọn bắt đầu công việc muộn hơn và làm thêm vài giờ nếu cần. Những người khác có thể yêu cầu đến sớm và tan ca vào khoảng 15-16h. Nghỉ ngơi vài ngày cũng sẽ giúp họ nạp năng lượng để hoàn thành tốt nhất công việc.
Làm việc 4 ngày/tuần có thể làm nên điều kỳ diệu cho sức khỏe tinh thần của người lao động. Việc quản lý sẽ không tốn quá nhiều công sức mà còn giúp cuộc sống của nhân viên được cải thiện đáng kể.
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng mọi người làm việc hiệu quả nhất khi kiểm soát được lịch trình của mình. Họ hạnh phúc hơn và có thể sắp xếp thời gian xung quanh nhịp sinh học, việc nhà, trách nhiệm gia đình và sở thích riêng. Nhờ đó, năng suất làm việc sẽ được nâng cao.
Sự thay đổi của lịch trình 9-to-5 cuối cùng sẽ xảy ra, theo cách này hay cách khác. Thế hệ Z và Millennials chứng kiến cha mẹ kiệt sức, bị sa thải hay đánh đổi nhiều thứ để được thăng tiến. Họ không muốn điều này lặp lại ở mình.
Bị mắc kẹt trong văn phòng hàng giờ liền là sự tra tấn đối với người lao động trẻ tuổi. Họ muốn sự linh hoạt và kiểm soát cuộc sống của mình. Cuối cùng thì Baby Boomers, những người làm công việc 9-to-5 trong hơn 30 năm và đã quá quen với độc tính của nó, sẽ nghỉ hưu.
Các công ty nên hành động ngay bây giờ bằng cách bắt đầu thay đổi lịch trình 9-to-5.
Với những trào lưu phản đối công việc, rõ ràng người lao động đang đứng lên cho chính mình. Nếu cảm thấy không được đánh giá cao, họ sẽ ra đi và tìm công việc mới. Các công ty thông minh, tiến bộ và có tư duy tương lai sẽ xem xét lịch trình 9-to-5 để thu hút người lao động.
Những người giỏi sẽ rời đi để đến với công ty luôn lắng nghe và làm cho cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn. Các tập đoàn lớn sẽ mất đi các nhân viên ngôi sao. Khi những người thông minh rời đi để gia nhập doanh nghiệp đối thủ, các công ty quan liêu kiểu cũ, không chịu thay đổi sẽ sụp đổ theo chiều hướng này.