John Ritchie (37 tuổi) là một trong 40 nhân viên đầu tiên của Seatfrog, công ty bán vé tàu hỏa ở Anh, chỉ làm việc 4 ngày/tuần, theo New York Post.
Ritchie nói rằng cuộc sống của anh hoàn toàn thay đổi nhờ chính sách mới của công ty. "Tôi sẽ đưa hai con đến trường vào sáng thứ 6 và có cả buổi sáng hôm đó cho riêng mình. Tôi có thể tập thể dục, làm việc lặt vặt trong nhà hoặc dạo quanh thị trấn".
Công ty của Ritchie đang đặt mục tiêu đạt doanh thu 31,2 triệu USD trong năm nay và quyết định cắt giảm một ngày làm việc trong tuần cho nhân viên từ tháng 9 năm ngoái.
Đó là thử nghiệm thành công khi cách làm việc mới giúp thúc đẩy năng suất lao động. Công ty ước tính hiệu quả làm việc của nhân viên tăng 20% khi làm việc 4 ngày thay vì là 5 ngày/tuần như trước đây.
Hiện tại, tất cả nhân viên của công ty đều được hưởng chính sách rút ngắn thời gian làm việc trong tuần.
Một vài công ty ở Nhật Bản áp dụng chương trình làm việc 4 ngày/tuần. Ảnh: New York Times. |
Iceland, Tây Ban Nha, Bỉ là những quốc gia đầu tiên cắt giảm số ngày làm việc. Hàng nghìn công nhân ở Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand cũng đang thử nghiệm chương trình lao động 4 ngày/tuần.
Ở châu Á, Nhật Bản và Indonesia là những nước tiên phong. Có thể thấy, cắt giảm giờ làm đang trở thành xu hướng với niềm tin lao động thông minh mang lại nhiều lợi ích hơn làm việc chăm chỉ.
Không còn ngày thứ 6 mệt mỏi
Với chính sách làm 4 ngày/tuần, đa số công nhân sẽ làm việc ít giờ hơn nhưng lương và phụ cấp ngày nghỉ không thay đổi.
Ritchie cho biết ngoài việc nghỉ thêm ngày thứ 6, anh vẫn được nghỉ phép, nghỉ lễ như thông thường. Tiền lương và các quyền lợi trong ngày nghỉ không bị cắt giảm vì công ty tin rằng người lao động đang làm việc tốt hơn với chính sách mới.
"Một tuần làm việc 4 ngày giúp tôi tập trung. Tôi không nhất thiết phải làm việc nhiều giờ hơn từ thứ 2 đến thứ 5. Tôi chỉ làm việc năng suất và lập kế hoạch nhiều hơn vì biết mình không có thứ 6. Công ty cũng đánh giá dựa trên hiệu suất, kết quả thay vì số giờ bạn ở văn phòng".
Đôi khi, Ritchie vẫn đến công ty vào ngày thứ 6. Tuy nhiên, anh nói đó là sự lựa chọn của mình.
"Nếu có nhiều deadline, tôi chọn làm cả ngày thứ 6. Nhưng nó không có cảm giác căng thẳng và áp lực vì bị bắt buộc tới văn phòng như trước đây".
Tuần làm việc 4 ngày được cho mang lại hiệu suất cao hơn, giúp người lao động cân bằng công việc - cuộc sống. Ảnh: AFP. |
Cuộc sống gia đình của Ritchie cũng được cải thiện khi anh có thêm một ngày cuối tuần bên vợ con.
"Con gái từng nói tôi luôn trông quá mệt mỏi vào các ngày thứ 6 nên không thể làm bất cứ điều gì vào buổi tối. Nhưng bây giờ chúng tôi có thể đi xem phim. Đó là một sự thay đổi rất lớn".
Tiến sĩ Jan-Emmanuel De Neve, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe tại Đại học Oxford, cho rằng những thay đổi do đại dịch đang tạo ra "cuộc cách mạng" về thời gian và năng suất lao động, làm việc 4 ngày/tuần là một phần của sự chuyển dịch.
"Tôi nghĩ sắp tới sẽ rất khó để một người sếp nói không với nhân viên, ví dụ như bạn không thể làm việc ở nhà vào chiều thứ 4 hoặc thứ 6, bởi thực tế chứng minh rằng điều đó hoàn toàn có thể", tiến sĩ nói.
David Hulme, cựu phát thanh viên đài BBC, người có kinh nghiệm làm việc 4 ngày/tuần từ những năm 1970, khẳng định: "Tuần làm việc 4 ngày là một phần của tương lai, đó là điều không thể tránh khỏi và là con đường chúng ta chắc chắn phải đi".
Những nơi đã áp dụng thành công
Nhiều người nói rằng tuần làm việc 4 ngày là một sự tiến hóa tự nhiên trong việc phân bổ thời gian cho công việc. Lịch sử cho thấy số giờ làm của con người có xu hướng ngày càng giảm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cân bằng cuộc sống - công việc.
Hàng trăm năm trước, ngày làm việc kéo dài 12-18 tiếng không hề hiếm. Đến năm 1817, nhà hoạt động xã hội người Anh Robert Owen đề xuất chia 24 giờ trong ngày thành 3 phần: 8 tiếng làm việc, 8 tiếng giải trí và 8 tiếng cho ngủ nghỉ.
Sự phân chia này tạo tiền đề cho quy định làm 8 tiếng/ngày kéo dài về sau. Năm 1926, Ford Motor Company trở thành một trong những công ty đầu tiên ở Mỹ áp dụng chế độ làm việc 5 ngày (40 giờ) mỗi tuần.
Tuần làm việc 5 ngày nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chính sách này đang dần được thay thế bằng tuần làm việc 4 ngày ở một số quốc gia, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nhiều công ty ở Tây Ban Nha, Scotland, Iceland, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Nhật Bản và Bỉ đều đã chuyển sang tuần làm việc 4 ngày.
Mỗi quốc gia, công ty có cách tiếp cận chính sách làm việc 4 ngày/tuần khác nhau. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, chính sách cắt giảm giờ làm không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, Iceland vẫn giữ nguyên ngày làm 8 tiếng, thời gian lao động trong một tuần giảm còn 36 giờ. Trong khi đó, Bỉ giảm số ngày làm việc trong tuần nhưng tăng số giờ lao động trong ngày, tức thay vì làm 8 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần thì nhân công sẽ phải làm 10 tiếng/ngày và 4 ngày/tuần (tổng cộng là 40 giờ/tuần).
Những nơi đầu tiên áp dụng chính sách làm 4 ngày/tuần đều ghi nhận thành công nhất định.
Công ty phần mềm Delsol của Tây Ban Nha, nơi rút ngắn thời gian làm việc từ năm 2020, cho biết chế độ làm 4 ngày/tuần giúp tỉ lệ nhân viên vắng/nghỉ giảm 28% trong khi mức độ hài lòng với công việc tăng lên.
Microsoft Nhật Bản, nơi đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày từ năm 2019, kết luận dù tổng số giờ làm việc giảm, lương của công nhân vẫn giữ nguyên, năng suất lao động lại tăng gần 40% nhờ chính sách mới.
Công ty Elephant Ventures tại Mỹ cũng cho phép nhân viên chọn làm việc 4 ngày/tuần hoặc 5 ngày/tuần với điều kiện đảm bảo 40 giờ/tuần.
"Những người làm 4 ngày, nghỉ 3 ngày trở lại văn phòng với tinh thần sảng khoái. Ai cũng làm việc hiệu quả và tập trung hơn", Chủ tịch Elephant Ventures Art Shectman nói.