Sau khi xuất hiện trong phiên tòa xét xử vụ kiện phỉ báng giữa Johnny Depp và Amber Heard, khái niệm "lạm dụng song phương" lan truyền nhanh chóng, gây chia rẽ trên mạng xã hội.
Laurel Anderson cho rằng mối quan hệ của Depp và Heard là "lạm dụng lẫn nhau". Ảnh: Martyn Wheatley/I-IMAGES, Yui Mok/PA. |
Cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Johnny Depp và Amber Heard đang được nhiều người theo dõi và bàn tán trên mạng xã hội. Cả hai diễn viên đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy mình bị đối phương lạm dụng tinh thần, bạo hành thể xác, theo NBC.
Laurel Anderson, nhà tâm lý học lâm sàng và cố vấn hôn nhân của cặp đôi, đã sử dụng cụm từ "mutual abuse" (tạm dịch: lạm dụng lẫn nhau hay lạm dụng song phương) để mô tả về mối quan hệ này.
Bà Anderson nói rằng cả Depp và Heard đều từng bị lạm dụng lúc nhỏ. Họ dễ kích động và gây tổn thương cho đối phương mỗi khi cảm thấy bị đe dọa hoặc không được tôn trọng.
Sau lời khai trước tòa của bà Anderson, cụm từ "mutual abuse" trở thành chủ đề gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận trực tuyến.
Nhiều người nhận định lạm dụng lẫn nhau có thể mô tả đúng tính chất độc hại của mối quan hệ giữa Depp và Heard. Tuy nhiên, số khác không đồng tình và cho rằng khái niệm "mutual abuse" chỉ là sự ngụy biện của hung thủ, góp phần thúc đẩy hành vi đổ lỗi cho nạn nhân.
Vòng xoáy của lạm dụng và yêu thương
Ruth Glenn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Liên minh quốc gia chống bạo lực gia đình của Mỹ (NCADV), cho rằng không thể tồn tại sự lạm dụng lẫn nhau trong một mối quan hệ.
"Giữa hai người, sẽ luôn có một 'kẻ gây hấn chính'. Tôi không tin vào sự ngược đãi qua lại. Kể cả khái niệm 'reactive abuse' (lạm dụng phản ứng) cũng chưa thực sự đúng. Chúng ta sẽ lạm dụng người khác như một phản ứng sao? Không, chúng ta sẽ chỉ phản ứng bằng cách tự vệ".
Bà Glenn nói thêm rằng việc tự vệ chống lại kẻ gây hấn chính có thể "giống như hành vi lạm dụng", nhưng bản chất lại hoàn toàn khác. Khi tự vệ, chúng ta không sử dụng quyền lực để kiểm soát đối phương.
Depp phủ nhận cáo buộc bạo hành, lạm dụng vợ cũ. Ảnh: New York Times. |
Còn theo nhà tâm lý học Betsy Usher, nếu không hiểu đúng bản chất của lạm dụng, nhiều người sẽ sử dụng những khái niệm như "mutual abuse", "reactive abuse" để đổ lỗi cho nạn nhân thay vì lên án hung thủ thực sự.
Bản chất của lạm dụng là sự chênh lệch về quyền lực, tức luôn có người mạnh và người yếu thế. Dù đôi bên đều có những hành xử không tốt, quyền kiểm soát vẫn nghiêng về một phía.
Mindy Mechanic, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang California, nói rằng để xác định nạn nhân trong một vụ lạm dụng cần dựa vào động cơ của hành vi.
"Hung thủ tấn công vì muốn quyền lực và sự kiểm soát. Trong khi đó, nạn nhân có thể phòng vệ vì muốn quyền lực, sự kiểm soát này chấm dứt".
Hiểu đúng về lạm dụng song phương
Nhà trị liệu tâm lý Janie Lacy cho rằng sự lạm dụng song phương có thể bắt nguồn từ những sang chấn. Chuyên gia sử dụng khái niệm "trauma bond" (tạm dịch: mối quan hệ tổn thương) để mô tả sự ràng buộc về mặt tình cảm giữa kẻ bạo hành và người bị bạo hành.
"Nạn nhân bị cuốn vào vòng xoáy của lạm dụng và thương yêu, có thể phát triển mối quan hệ đau thương với kẻ bạo hành. Họ khó có thể lựa chọn rời đi hay ở lại".
Bà Lacy lưu ý rằng "trauma bond" không dành riêng cho các mối quan hệ lãng mạn. Trẻ em cũng có thể phát triển mối quan hệ tổn thương đối với cha mẹ bạo hành.
Một đứa trẻ từng bị cha mẹ bạo hành có thể phát triển "trauma reactivity" (tạm dịch: phản ứng chấn thương) trong các mối quan hệ khi trưởng thành, Lacy nói.
"Đó là lý do nạn nhân bạo hành gia đình dễ lạm dụng người khác khi lớn lên. Trong trường hợp cả hai người đều có phản ứng chấn thương, mối quan hệ của họ dễ trở nên độc hại hơn".
Heard kiện Depp và yêu cầu chồng cũ bồi thường 100 triệu USD. Ảnh: New York Times. |
Các chuyên gia đồng tình rằng phản ứng chấn thương có thể dùng để giải thích nhưng chắc chắn không phải là cái cớ cho hành vi lạm dụng.
Ruth Glenn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của NCADV, cảnh báo không nên sử dụng quá khứ bị bạo hành, lạm dụng chất kích thích hoặc hoàn cảnh sống để biện minh cho tội lỗi ngược đãi người khác.
"Chúng ta thường muốn tìm lý do bởi vì không có bất kỳ dữ liệu thực tế nào lý giải tại sao kẻ lạm dụng lại làm như vậy. Tôi nghĩ rằng điều đó vô tình khiến chúng ta dễ đồng tình, thương cảm thậm chí thứ tha cho thủ phạm. Cần biết rằng hầu hết kẻ bạo hành đều chủ động đưa ra lựa chọn là lạm dụng người khác. Họ muốn quyền lực và sự kiểm soát".
Trong các vụ kiện được quan tâm như của Depp và Heard, các thuật ngữ mô tả hành vi lạm dụng nhanh chóng viral trên mạng xã hội.
Bà Glenn nói rằng các cụm từ như "gaslighting" (tạm dịch: thao túng tinh thần nạn nhân) và "mutual abuse" có thể làm suy yếu những cuộc trò chuyện nghiêm túc về vấn nạn bạo hành gia đình.
"Làm ơn không sử dụng những khái niệm này cho đến khi bạn thực sự hiểu chúng, bởi dùng sai sẽ rất tai hại", bà Glenn nhấn mạnh.