Cuộc khảo sát công bố ngày 9/5 của Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy 52,4% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 chưa kết hôn cho rằng việc không sinh con sau khi cưới là vẫn ổn.
Con số này tăng mạnh so với 23,3% trong cùng một cuộc khảo sát được thực hiện 5 năm trước, theo Yonhap.
Ngược lại, 28,3% người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch sinh con sau khi kết hôn, chỉ tăng 7% so với 5 năm trước.
Phát hiện này được coi là cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của người trẻ Hàn Quốc, rằng sinh con sau khi cưới không phải điều bắt buộc mà là một lựa chọn. Các nhà phân tích nhận định chi phí nuôi dạy trẻ cao dường như là nguyên nhân cho sự thay đổi này.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc lo ngại về chi phí sinh hoạt, chăm sóc con sau khi kết hôn. Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group (Mỹ), tỷ lệ chi phí nuôi dạy trẻ trên mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Hàn Quốc cũng đã phải vật lộn với tình trạng tỷ lệ sinh thấp trong nhiều năm do nhiều người trẻ trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn, sinh con trong bối cảnh suy giảm kinh tế kéo dài và giá nhà đất tăng chóng mặt.
Tổng tỷ suất sinh ở Hàn Quốc - số con trung bình một phụ nữ sinh trong đời - xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2021, cũng là năm thứ 4 liên tiếp xuống dưới 1% và cho thấy tình trạng nhân khẩu học ảm đạm của quốc gia này.
Tỷ lệ sinh giảm được cho là sẽ đẩy nhanh sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, hiện tượng được gọi là "vách đá nhân khẩu". Dân số trong độ tuổi lao động giảm dẫn đến nguồn cung lao động giảm, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Để giải quyết tình trạng này, Seoul có kế hoạch tăng các hỗ trợ về thuế và ưu đãi khác cho những người trẻ kết hôn và sinh con, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sử dụng chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ và tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em.