"Có bạn bè tốn kém hơn nhiều so với việc một mình", Annabelle Havill (42 tuổi) chia sẻ. Kể từ 2 năm trước, cô cùng chồng và hai con chuyển đến thị trấn mới. Tại đây, Havill có 3 người bạn, trung bình mỗi tháng cô chi khoảng 170 USD/người.
Không riêng Havill, xu hướng chi tiền để xây dựng và giữ gìn tình bạn đang trở nên phổ biến. Đặc biệt tại Mỹ, khi ít dành thời gian cho văn phòng và các nhóm cộng đồng miễn phí, mọi người phải tìm đến những hoạt động trả phí để kết bạn, theo The Wall Street Journal.
Nghiên cứu của Giáo sư Jeffrey Hall từ Đại học Kansas cho thấy mỗi người mất khoảng 200 giờ để xây dựng một tình bạn thân thiết. Tuy nhiên, chi phí cho các hoạt động gắn kết bạn bè đang tăng nhanh so với mặt bằng chung.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá của các loại hình hội viên câu lạc bộ, học phí, vé tham dự sự kiện, đồ ăn và thức uống bên ngoài gia đình tăng gần 11% trong 2 năm qua, trong khi giá cả chung của tất cả hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 7,5%.
Xu hướng chi tiền để xây dựng và giữ gìn tình bạn đang trở nên phổ biến hơn. Ảnh minh họa: @agnessskkong. |
Jenny Orletski-Dehne (33 tuổi, Michigan, Mỹ) chi khoảng 200 USD cho hoạt động tập gym mỗi tháng. Đổi lại, khoản đầu tư này giúp cô có được thêm 15 người bạn thân thiết.
"Tôi trả tiền để có được cộng đồng của riêng mình. Nhờ đó, tôi tìm được những người bạn tri kỷ, nhưng đây quả thực là một thú vui tốn kém", trưởng bộ phận kinh doanh chia sẻ.
Theo khảo sát của Statista năm 2021, gần 1/3 số người tham gia phòng gym cho biết mục đích của họ là để gặp gỡ bạn bè mới. Thú vui này không chỉ gói gọn trong phòng gym. Khảo sát của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho thấy hơn một nửa người Mỹ có ít nhất một người bạn thường cùng tham gia các hoạt động hoặc sở thích.
Dù chi tiền tham gia các hoạt động giải trí, sự kiện xã hội với mong muốn xây dựng tình bạn, hiệu quả thu lại chưa hẳn như mong đợi.
Havill từng chi 100-200 USD mỗi tháng cho hoạt động đánh bóng bàn, làm đồ thủ công, buổi tụ tập làm bánh hoặc gốm sứ. Cuối cùng, 3 người bạn thân thiết của cô lại đến từ những lần dắt chó đi dạo và trông trẻ cùng hàng xóm.
Orletski-Dehne cho biết cô cũng tìm kiếm bạn bè tại các sự kiện giao lưu nghề nghiệp. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch, cô nhận thấy những người tham dự thường quan tâm đến việc mở rộng vòng tròn xã hội hơn là tìm kiếm việc làm. Mặc dù các sự kiện này có chi phí lên đến 25 USD nhưng cô chỉ kết thêm được một vài người bạn.
Marley Aikhionbare (trái) và Rowan Lester (phải). Ảnh: Richard Grandt. |
Trong bối cảnh chi phí xây dựng tình bạn ngày càng tăng cao, nhiều người trẻ đang tìm kiếm những cách thức mới để kết nối với nhau mà không tốn kém.
Marley Aikhionbare (22 tuổi) và Rowan Lester (20 tuổi) đang cùng nhau thực hiện sứ mệnh tạo ra không gian kết bạn với mức giá phải chăng.
Sau khi bỏ học đại học, Aikhionbare cảm thấy lạc lõng khi không còn thường xuyên gặp gỡ bạn bè. Tình trạng của Lester, sinh viên sắp tốt nghiệp Đại học California (Mỹ), cũng không khả quan hơn.
Tháng 2 vừa qua, đôi bạn đã tổ chức sự kiện dựa trên ý tưởng về "địa điểm thứ ba", khái niệm chỉ không gian khác gia đình và nơi làm việc, chỉ dành riêng cho việc giao lưu.
Với mục tiêu xóa bỏ sự ngại ngùng và giảm thiểu chi phí cho quá trình xây dựng các mối quan hệ xã hội, hai Gen Z khẳng định đây là nơi mọi người tự do chủ động kết bạn.
Vé vào sự kiện vừa qua có giá 10 USD, tháng 5 tới đôi bạn tiếp tục mở cửa không gian, vé vào cổng hoàn toàn miễn phí.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.