Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chìa khóa cho hàng không bền vững có thể nằm ở nước lẩu Tứ Xuyên

Khi phải đối mặt với áp lực chuyển đổi sang các loại nhiên liệu bền vững hơn, ngành hàng không thế giới đi tìm đáp án ở nơi ít ai ngờ đến: Những nồi nước lẩu Tứ Xuyên còn thừa.

Một công ty Trung Quốc thu thập dầu thừa từ nước lẩu tại các nhà hàng ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) để tái chế thành nhiên liệu máy bay. Ảnh: Bloomberg.

Những nồi lẩu cay béo ngậy là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực tại Tứ Xuyên (Trung Quốc). Mỗi tháng, khoảng 12.000 tấn dầu được thải ra từ các nồi lẩu thừa, chỉ tính riêng tại thủ phủ Thành Đô.

Năm 2016, một công ty khởi nghiệp bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc dầu thừa từ nước lẩu tới châu Âu và Singapore. Tại những địa điểm này, chúng sẽ được tái chế thành nhiên liệu máy bay, theo Bloomberg.

Ngành hàng không - vốn đang chiếm khoảng 2% tổng lượng phát thải toàn cầu - đang đứng trước áp lực tìm kiếm loại nhiên liệu xanh hơn. Hàng loạt hãng hàng không lớn như British Airway, Cathay Pacific Airways hay Delta Air Lines đã cam kết đưa tỷ lệ nhiên liệu bền vững lên 10% vào năm 2030. Một số hãng đã bắt tay vào thử nghiệm.

Chất thải từ ngành công nghiệp ẩm thực đang nổi lên như nguồn nhiên liệu bền vững hàng đầu. Và Trung Quốc - nước vừa có dân số đông, vừa yêu thích các món lẩu béo ngậy - đang là nhà xuất khẩu lớn nhất đối với sản phẩm này.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp dầu cặn có thể vươn tới bầu trời”, ông Zhong Guojun - phó chủ tịch công ty công nghệ môi trường Sichuan Jinshang tại Thành Đô, doanh nghiệp đứng sau dự án - tuyên bố.

Nhu cầu cấp thiết

Jinshang thu thập dầu thừa chủ yếu từ các nhà hàng lẩu tại Thành Đô. Sau đó, công ty này loại bỏ các tạp chất muối và kim loại. Sản phẩm thu được - có tên dầu công nghiệp hỗn hợp - sẽ chở bằng thuyền xuôi dòng Trường Giang tới cảng Thượng Hải.

Từ đó chúng được xuất khẩu cho cho các khách hàng như công ty Phần Lan Neste, nhà sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững lớn nhất thế giới, cũng như các ông lớn dầu khí BP (Anh) hay Eni (Italy) để tiếp tục được tinh chế thành dầu diesel hay nhiên liệu máy bay.

nuoc lau thua anh 1

Các nhân viên của Jinshang thu thập dầu thừa từ lẩu. Ảnh: Bloomberg.

Jinshang vốn được thành lập giữa cuộc “khủng hoảng” về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc. Những công ty thu thập dầu thải như Jinshang giúp đảm bảo rằng dầu bẩn không bị các bếp ăn tái sử dụng.

Năm 2016, Jinshang bắt đầu xuất khẩu dầu thừa cho mục đích công nghiệp, giữa lúc nhu cầu bắt đầu tăng cao.

Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu ăn lớn nhất thế giới với hơn 41 triệu tấn mỗi năm. Tính đến nay, mới chỉ có ba triệu tấn được tái chế để tạo ra nhiên liệu sinh học, theo Nhân dân Nhật báo. Giữa lúc các quy định về môi trường ngày càng siết chặt, dư địa để phát triển của ngành vẫn còn rất lớn.

Hồi năm 2016, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) khởi động kế hoạch cắt giảm khí thải carbon, bao gồm khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu bền vững và cải tiến về công nghệ.

Liên minh châu Âu cũng đang dần siết chặt quy định, tiến tới buộc các hãng hàng không đạt tỷ lệ nhiên liệu bền vững là 5% vào năm 2030 và 85% vào năm 2050, Brussel Times đưa tin.

Bất chấp nhiên liệu bền vững vẫn có giá thành cao hơn nhiên liệu thông thường, các quy định mạnh tay buộc ngành hàng không phải tuân thủ. Một số hãng hàng không thậm chí đã hợp tác với các công ty khởi nghiệp để phát triển công nghệ mới sạch hơn.

“Một khi có cầu, cung sẽ theo kịp”, phó giáo sư Chong Cheng Tung tại Viện Carbon thấp Trung Quốc - Anh, Đại học Giao thông Thượng Hải, nhận định. “Hoặc bạn phải chuyển sang nhiên liệu xanh - như xăng máy bay sinh học, hoặc phải trả thêm tiền phí khi di chuyển”.

Xu thế nhân rộng

Trong năm 2022, Neste công bố kế hoạch đầu tư 1,9 tỷ euro (khoảng 2,05 tỷ USD) để mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm có thể tái chế. Công ty này đặt mục tiêu đạt sản lượng 1,2 triệu tấn nhiên liệu bền vững vào năm 2026.

Trước năm 2021, trên cả thế giới chỉ có hai công ty sản xuất nhiên liệu máy bay bền vững. Tuy vậy, giờ đây, ngay cả những ông lớn như TotalEnergies, Chevron, Eni hay BP cũng đã bắt đầu sản xuất ở quy mô nhỏ và có mong muốn đẩy mạnh sản lượng trong tương lai.

nuoc lau thua anh 2

Bên trong nhà máy của Jinshang tại Thành Đô. Ảnh: Bloomberg.

“Các công ty trên sẽ cần mua nhiều dầu thải hơn. Thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển”, ông Ye Hao, người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Jinshang, nói.

Trong năm 2023, Jinshang mong muốn tăng gấp đôi sản lượng. Họ đã lên kế hoạch xây dựng các cơ sở mới và thu thập dầu thừa từ các nhà hàng ngoài tỉnh Tứ Xuyên. Ngoài ra, Jinshang cũng có dự định tự tinh chế dầu thải thành nhiên liệu sinh học - thay vì chỉ dừng ở mức dầu công nghiệp hỗn hợp.

Nhưng nhu cầu tăng cao của các hãng hàng không thậm chí có thể vượt quá mức mà dầu thải tại Trung Quốc có thể đáp ứng. Theo đánh giá của Bloomberg, chất béo và dầu mỡ thải chỉ đủ cho hơn 4% nhu cầu nhiên liệu hàng không của thế giới vào năm 2030.

“Khi chúng ta đạt đến mức độ này và toàn bộ dầu thải đã được tận dụng, chúng ta sẽ phải tìm kiếm các loại nguyên liệu khác”, phó giáo sư Chong nói.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Cuộc cách mạng sắp đến của ngành công nghiệp ăn uống Mỹ

Hàng loạt "ông lớn" thức ăn nhanh tại Mỹ đang có kế hoạch nhân rộng mô hình cửa hàng chỉ bán đồ ăn mang về để tiết kiệm chi phí, cũng như đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Thời kỳ hoàng kim của dầu đá phiến Mỹ đã chấm dứt

Công nghệ fracking dùng trong sản xuất dầu đá phiến đã giúp nước Mỹ dẫn đầu trong hệ thống phân phối năng lượng, song ngành khai thác này đang đối mặt nhiều rủi ro.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm