Gạt bỏ sự ngại ngùng ban đầu, hơn 10 phụ nữ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú và người thân đã tự tin sải bước trên sân khấu tại sự kiện kỷ niệm 10 năm hành trình của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam. Mỗi người mang đến những câu chuyện khác nhau về nỗ lực vượt qua bệnh tật và niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Trong đó, trang phục đặc biệt nhất là những chiếc áo lót dành riêng cho bệnh nhân ung thư vú. |
Với thông điệp “chăm sóc, định hình, chữa lành”, những chiếc áo này được thiết kế dành riêng cho bệnh nhân ung thư vú đã đoạn nhũ. Áo được may với dây đai bản rộng và khuy cài giúp cố định vạt áo, che đi vết sẹo, nám và các khuyết điểm vùng ngực do trải qua xạ trị, phẫu thuật. Trước đó, nhiều bệnh nhân cho biết phải cuộn khăn tay, khăn mặt, tất… nhét vào trong áo lót để giữ cho mình một "bộ ngực bình thường". Có người chưa bao giờ tiết lộ cho ai việc mắc ung thư, và cũng chưa từng có một sản phẩm áo nào dành riêng cho họ. |
Sau 5 năm chống chọi với bệnh tật, chị Triệu Thị Thanh Trúc (sinh năm 1990) luôn cố gắng giữ cho mình tinh thần tích cực. “Lúc còn làm dược sĩ ở Anh, tôi từng tiếp cận nhiều bệnh nhân ung thư vú. Lần đầu tiên đi catwalk trên sân khấu, thú thực tôi cũng run lắm nhưng cũng xem cơ hội này là trải nghiệm quý giá cho mình”, Trúc nói. Dòng áo ngực đặc biệt dành cho bệnh nhân cắt bỏ vú được thiết kế phù hợp với những tổn thương sau phẫu thuật. Phần quả ngực được may bằng cotton bốn chiều và nhồi bông, mềm, nhẹ, có thể điều chỉnh kích thước, dễ dàng đặt vào bên trong áo tùy vào nhu cầu của các bệnh nhân. |
Ngắm nhìn bản thân trong chiếc áo đẹp mắt, cô Hương Trà, một bệnh nhân ung thư vú, cho biết con trai là người luôn đồng hành cùng cô trong cuộc chiến với căn bệnh. "Hôm nay, con lại đưa tôi lên sân khấu, cùng tôi trình diễn với những chị em khác. Con luôn là người nâng đỡ và ở bên tôi trong hành trình chữa bệnh", cô Trà chia sẻ. |
Á hậu Thảo Nhi Lê - Đại sứ Mạng lưới ung thư vú Việt Nam - đồng hành cùng các "người mẫu" trong suốt quá trình chuẩn bị cho đêm trình diễn. Trước đây, cô cũng từng tham gia nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về ung thư vú như kêu gọi xây dựng thư viện tóc để tặng bệnh nhân phải trải qua xạ trị, thiết kế 1.000 chiếc áo ngực cho chiến binh K. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2020, khoảng 2,3 triệu phụ nữ trên toàn cầu bị chẩn đoán mắc ung thư vú, trong đó có 685.000 ca tử vong. Riêng tại Việt Nam, thống kê của Globocan cho thấy tỷ lệ mắc mới căn bệnh này được đánh giá ở mức cao, khoảng 21.000 ca. |
Nhìn chung, đây là mối lo ngại về sức khỏe lớn nhất đối với phụ nữ trên khắp thế giới. Nó không chỉ để lại hậu quả về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến ngoại hình, nhất là với bệnh nhân ở giai đoạn xâm lấn. Từ những vết sẹo mổ đến chứng rụng tóc, việc sử dụng thuốc, hóa chất có thể tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, nhưng nó cũng lấy đi vẻ ngoài mà nhiều người tự hào. |
Trải qua 7 năm điều trị, chị Trà Ly (sinh năm 1986, đứng giữa) chia sẻ gia đình là nguồn động lực lớn nhất để chị chống chọi với căn bệnh. Bài viết trong cuộc thi “Gọi Tôi Là Áo Vú” của Ly là những trải nghiệm khi tìm hiểu đồ lót trong và ngoài nước dành cho những bộ ngực đặc biệt. |
“Chúng tôi tin rằng chiếc áo lót đặc biệt sẽ mang tới cho người mặc cảm giác lạc quan, an toàn, để họ tỏa sáng trước mọi ánh nhìn. Trước đêm diễn, nhiều chị đã xin rút lui, lúc tập duyệt mọi người cũng khóc rất nhiều. Tất cả đều cố gắng cho buổi diễn một cách trọn vẹn nhất. Đây thực sự là một hành trình kỳ diệu”, chị Nguyễn Thuỷ Tiên, Đồng sáng lập Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, nói. |
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.