Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Mang theo thuốc men, tìm khách sạn có cũi cho con ngủ khi du lịch

Trong chuyến du lịch nhân kỳ nghỉ lễ, Tiểu Doan cẩn thận mang dư quần áo, đồ dùng cho con, còn Vân Anh phải đặt trước phòng có cũi ngủ phục vụ con gái nhỏ.


Lần đầu tiên đưa cô con gái hơn 4 tuổi ra nước ngoài du lịch, vợ chồng Vân Anh (sinh năm 1990, Hà Nội) hồi hộp và hào hứng không kém con. Sau khi tham khảo trên một số hội nhóm, ngoài những đồ dùng cần thiết, cô đem theo thuốc men, xe đẩy có thể gấp gọn vì di chuyển ở Singapore cần đi bộ nhiều.

Đặc biệt, vì con có thói quen ngủ trong cũi, Vân Anh tìm hiểu và đặt trước khách sạn có cung cấp dịch vụ này để tránh con không quen, mất ngủ.

“Bé nhà tôi theo bố mẹ du lịch từ khi tròn 1 tuổi, đã tham quan rất nhiều điểm du lịch ở Việt Nam. Khi con còn nhỏ, chúng tôi thường chọn giờ bay theo lịch sinh hoạt của con nên hầu như khi lên máy bay, con ngủ cho đến khi hạ cánh. Khi lớn hơn, con cũng không gặp vấn đề gì vì đã quen với việc di chuyển xa”, cô bày tỏ.

Lần này, phòng khi con không muốn ngủ, Vân Anh cẩn thận mang theo vài quyển sách để bé đọc trên máy bay cùng ít đồ ăn vặt.

Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày lần này, gia đình cô chủ yếu đến chơi các điểm du lịch nổi tiếng ở Singapore phù hợp với trẻ nhỏ như công viên Garden by the Bay, sở thú, bảo tàng kem…

Tương tự Vân Anh, nhiều ông bố, bà mẹ có con nhỏ cũng lên kế hoạch cho cả nhà đi chơi trong dịp 30/4-1/5 sắp tới.

Không giống như những chuyến đi bình thường, khi đưa con cái theo cùng, các cặp bố mẹ sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn để tránh xảy ra tình huống không mong muốn.

du lich cung con anh 1

Các gia đình thường nghiên cứu lịch trình, chuẩn bị đồ dùng cho con trước những chuyến đi xa. Ảnh: Trương Hiếu.

Cẩn thận

Theo bà mẹ trẻ, các gia đình đi du lịch với con nhỏ thường khá lỉnh kỉnh đồ đạc, song đó là điều cần thiết để đảm bảo an toàn, sự thoải mái cho con, khi các bé khó nhanh thích nghi môi trường mới như người lớn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần căn theo lịch sinh hoạt của con để không làm đảo lộn giờ ăn, ngủ, để con không quấy khóc, có thể cùng bố mẹ tận hưởng chuyến đi.

“Dù đã đi chơi nhiều lần, nhưng tôi không chủ quan, luôn chuẩn bị mọi thông tin, lịch trình chi tiết để cả nhà không gặp phải tình trạng vừa đi vừa tìm hiểu, tốn thời gian và gây mệt mỏi cho các bé khi phải chờ đợi”, Vân Anh nói thêm.

Để chuẩn bị cho chuyến du lịch sắp tới cùng con, Thùy Trần (sinh năm 1991, quận Gò Vấp, TP.HCM) tham khảo kinh nghiệm trên khắp các hội nhóm dành cho “bà mẹ bỉm sữa”.

du lich cung con anh 2

Thùy Trần tham khảo lời khuyên của các bà mẹ bỉm sữa khác trước chuyến đi Đà Lạt với con.

Theo kế hoạch, gia đình cô sẽ tham quan Đà Lạt 4 ngày vào dịp lễ 30/4-1/5. Vì là lần đầu tiên đưa con đi chơi xa, cô khá hồi hộp và muốn kiểm tra mọi thứ thật kỹ.

“Con tôi được 4 tháng tuổi. Tôi xem dự báo thì thấy cuối tuần ở Đà Lạt sẽ còn 16 độ C, trời hơi lạnh nên tôi cũng khá lo. Tôi đang tìm thêm lời khuyên về những cách giữ ấm cho bé”, Thùy chia sẻ.

Ngoài các vật dụng cá nhân, bà mẹ trẻ dành ra khoảng 2 triệu đồng để mua áo khoác, nón, vớ cao, vài bộ giữ nhiệt, thuốc bôi chống muỗi và côn trùng.

Trước khi xuất phát, cả nhà cũng phải “nói nựng” để em bé biết mình sắp đi máy bay. Điều đó giúp bé tránh tâm lý hoảng loạn khi môi trường hàng ngày thay đổi và tiếp xúc với nơi đông người.

“Thường lúc lên máy bay, con sẽ quấy khóc một chút do lạ chỗ. Kinh nghiệm của tôi là cho bé ti sữa trước khi bay 30 phút, mang theo đồ chơi hoặc ti giả. Khi cất cánh, tôi cho bé ti mẹ để đánh lừa cảm giác. Sau cơn khó chịu ban đầu, con sẽ ngủ rất ngoan”, Thùy nói thêm.

Một trong những tiêu chí Thùy quan tâm nhất khi lên kế hoạch cho con đi du lịch là phòng khách sạn. Vì con đã quen với nằm cũi, cô chú trọng tìm nơi lưu trú có sẵn chỗ ngủ cho em bé. Thông thường, dịch vụ này sẽ được khách sạn trang bị mà không tốn thêm chi phí nào.

“Từ lúc có con, cả nhà đi đâu cũng lỉnh kỉnh hơn, sợ thiếu đồ cần thiết. Tôi phải học cách sắp xếp mọi thứ để đỡ cập rập”.

Thừa hơn thiếu

Nhằm tránh cảnh đông đúc ở các điểm du lịch nổi tiếng dịp 30/4-1/5 và ưu tiên nghỉ ngơi thay vì trải nghiệm, gia đình Tiểu Doan (sinh năm 1991, Hà Nội) cùng bố mẹ, nhà em gái quyết định chọn một khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì.

Trước chuyến đi, đồ dùng của cô con gái nhỏ Hanna được Doan dành nhiều thời gian chuẩn bị nhất và để vào một túi riêng. Các loại thuốc như hạ sốt, tiêu hóa, ho hay các sản phẩm chống muỗi, kem chống nắng, dưỡng da là điều không thể thiếu.

Về đồ ăn, vì bé đã hơn 3 tuổi, có thể dùng bữa chung với bố mẹ song Doan vẫn cẩn thận chuẩn bị một số món ăn vặt, đồ ăn nhanh và đồ uống yêu thích của con như nước hoa quả, bánh ngọt, phòng trường hợp con không quen thức ăn ở nơi mới.

“Đặc biệt, Hanna rất thích bơi nên lần nào đi du lịch, tôi cũng phải chuẩn bị 2-3 bộ đồ bơi và phao để con thỏa sở thích”, Tiểu Doan kể.

Bà mẹ trẻ chia sẻ con gái khá tự lập, được dạy tự làm nhiều thứ từ nhỏ nên trong mỗi chuyến đi, hai vợ chồng không quá vất vả. Tuy nhiên, có 3 thứ bé luôn cần trong mọi chuyến đi là sữa tươi, bình nước uống quen thuộc và chú gấu bông Teddy - món đồ chơi ôm đi ngủ.

“Có một lần, tôi tính toán nhầm lượng bỉm mang theo nên khi con hết bỉm dùng, hai vợ chồng tá hỏa vì không biết kiếm đâu ra. May mắn sau đó, chúng tôi nhờ được phía khách sạn hỗ trợ”.

Theo bà mẹ Hà Nội, khi đi du lịch với con nhỏ, cha mẹ nên mang dư 20-30% so với đồ bình thường con mặc trong ngày. Ví dụ khi đi chơi 3 ngày, cô sẽ mang khoảng 10 bộ đồ cho con. Ngoài ra, nên ưu tiên những trang phục thoải mái thay vì chỉ chăm chăm mang đồ thời trang phục vụ việc chụp ảnh vì có thể khiến con không thoải mái.

Việc lựa chọn các địa điểm, ưu tiên những nơi có khu vui chơi riêng cho các con cũng khá quan trọng, ví dụ như nhà hàng. Tham khảo thực đơn trước khi đặt chỗ cũng là điều cần lưu ý.

“Cha mẹ cần luôn để mắt tới con trong suốt chuyến đi, đặc biệt là những chuyến đi nghỉ dưỡng gần biển hay tại các resort có hồ bơi riêng để đảm bảo an toàn cho con”, Tiểu Doan đúc kết.

du lich cung con anh 3

Tiểu Doan luôn cần mang theo 3 món đồ con yêu thích trong các chuyến du lịch.

Theo New York Times, những chuyến du lịch là cơ hội để tăng tính trải nghiệm cho trẻ em ở mọi lứa tuổi, qua các hoạt động khám phá món ăn, điểm tham quan mới lạ và dành thời gian chất lượng với gia đình.

Tuy nhiên, đi chơi cùng con cái có thể là một vấn đề khá phức tạp, bởi lịch trình thường bị xáo trộn, hành lý cồng kềnh, trẻ quấy khóc, trở nên cáu kỉnh. Đó chỉ là một vài thử thách xảy ra với các ông bố, bà mẹ trong những chuyến đi.

Việc lập ra chiến lược cụ thể còn tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Trẻ sơ sinh có những nhu cầu rất khác so với các bé mới biết đi. Vì thế, điều này đòi hỏi cha mẹ phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo Rainer Jenss, Chủ tịch và người sáng lập Hiệp hội Du lịch Gia đình Mỹ, trẻ em từ sơ sinh đến 2 tuổi là nhóm dễ đi du lịch nhất khi xem xét nhiều khía cạnh.

“Bố mẹ cần tạo ra một môi trường thoải mái để con có thể thích nghi ở bất kỳ điểm đến nào”, Jenss đưa ra lời khuyên.

Còn Amanda Norcross, biên tập viên của tạp chí du lịch trực tuyến Family Vacation Critic, cho rằng lịch trình yếu tố rất quan trọng đối với con trẻ. Gia đình có thể mang theo đồ chơi, sách và bình sữa yêu thích của con khi tham gia các chuyến phiêu lưu.

“Nếu em bé đang có thời gian ăn uống hoặc ngủ nghỉ cố định, hãy cố gắng duy trì điều đó tốt nhất trong những kỳ nghỉ và lên kế hoạch tham quan sao cho phù hợp”, Norcross nhận định.

Tuổi 17, sức khỏe tinh thần của mình tuột dốc trầm trọng

"Năm 17 tuổi đó, đã không có ai nói với mình rằng, không sao cả, bạn không phải là một người tồi tệ, việc vừa yêu, vừa ghét cha mẹ là một phần bài học của cuộc sống, rằng đó chỉ là cảm xúc của một con người thôi" là một đoạn trích trong cuốn Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều của tác giả Nguyễn Đoàn Minh Thư.

Sách là hành trình khám phá thế giới nội tâm của một người trẻ, đầy hỗn loạn của những suy nghĩ trăn trở, những dằn vặt, những cuộc chiến nội tâm, những cảm xúc vừa phức tạp cũng vừa rất đỗi con người.

Điểm đến không cần du khách

Trước tình trạng du lịch quá tải, hòn đảo Boracay phải đóng cửa một thời gian để cải tạo và áp dụng những quy định hạn chế lượng khách mỗi tháng.

Ánh Hoàng - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm