Minh họa: Anny Nhi |
Năm lớp 8, tôi được xét duyệt vào CLB dành cho học sinh chuyên Văn của trường. Tuy nhiên, tôi xin cô giáo chủ nhiệm rút tên khỏi danh sách vì biết mẹ không thể cáng đáng thêm khoản học phí nữa. Tôi viện cớ rằng mình không đủ khả năng tham gia CLB.
Cô giáo sớm nhận ra lời nói dối này. Trước đây, cô từng là giáo viên chủ nhiệm của anh trai tôi suốt 4 năm nên hiểu hoàn cảnh gia đình tôi rất rõ. Đợi đến hết giờ học, cô gọi tôi ra cuối hành lang và trò chuyện.
“Cô chỉ sợ con chán học, chứ không lo chuyện tiền nong. Con cứ đến lớp như bình thường nhé, học phí cô lo”, cô chủ nhiệm dặn dò.
Từ đó, cứ đến ngày thu học phí CLB, cô lại phát cho mỗi học sinh một chiếc phong bì rỗng, ghi tên từng người để phụ huynh tiện gửi tiền.
Tôi cũng được nhận một chiếc tương tự các bạn, song bên trong kèm mẩu giấy: “Con không cần đóng tiền cho cô, cứ cầm phong bì như các bạn thôi”. Cô cẩn thận giữ kín chuyện gia cảnh nhà tôi vì sợ tôi thêm mặc cảm.
Khi biết tin tôi được miễn học phí CLB, mẹ đã đến tận trường, tìm cô chủ nhiệm và gửi lời cảm ơn. Chứng kiến mẹ nấc nghẹn ngào, tôi cũng khóc theo.
Ở tuổi 14, tôi chưa thể nghĩ sâu xa nhưng cũng hừng hực quyết tâm học hành để không phụ công giúp đỡ của cô và tiền lương của mẹ.
Nhờ có cô thổi hồn và tiếp lửa, năm học đó, tôi đại diện toàn trường tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU cấp quận. Mặc dù dừng lại hơi sớm, tôi vẫn được gọi là niềm tự hào của trường, của cô và của mẹ.
Đến nay, tôi đã trở thành sinh viên năm nhất và rời mái trường THCS được 4 năm. Tuy nhiên, cứ mỗi dịp sinh nhật cô, tôi lại tới nhà gửi quà và thăm hỏi người mẹ thứ hai của mình.
“Cô chúc Nhật Anh bay cao, bay xa theo những gì con đang đam mê theo đuổi. Cô cũng tự chúc mình được khỏe mạnh để chứng kiến hai anh em con thành đạt, có gia đình”, cô nhắn nhủ tôi hàng năm.
(Nhật Anh, 18 tuổi, Hà Nội)