Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Phòng CSHS) Công an tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 30/10/2022, Công an Thanh Hóa phát hiện 125 vụ, 120 người liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, gây thiệt hại số tiền 29 tỷ đồng. Đáng chú ý, nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chủ yếu là phụ nữ.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi của tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều chủ trương, kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao.
Công an huyện Như Xuân phá chuyên án, bắt nhóm lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 5 tỷ đồng. |
Đồng thời, Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công an các phòng nghiệp vụ, địa phương chủ động nắm tình hình, phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây, cá nhân lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Cùng với công tác đấu tranh, lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Qua đó, Công an tỉnh Thanh Hóa góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, cũng như kịp thời cung cấp các thông tin, dấu hiệu hoạt động của tội phạm trong quá trình sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy tính để kinh doanh, thông tin liên lạc.
Bên cạnh đó, lực lượng công an tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin như bưu chính viễn thông, ngân hàng, tài chính để trao đổi thông tin tội phạm, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết năm 2022, tình hình tội phạm trên không gian mạng tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, nhóm lừa đảo hoạt động trên không gian mạng cư trú ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí là người nước ngoài câu kết với những người trong nước thực hiện hành vi phạm tội. Qua đấu tranh cho thấy, hiện có trên 10 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Người bị lừa đảo đa phần là phụ nữ (chiếm hơn 90%), trong số đó có cả những người là cán bộ, công nhân viên chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu.
Một số thủ đoạn thường gặp là: Tội phạm lập ra các tài khoản bán hàng qua mạng xã hội, giới thiệu bán một số mặt hàng, khi có người đặt mua, chuyển tiền xong, thì bọn chúng cắt liên lạc; tội phạm gửi các đường link lạ vào tài khoản các cá nhân nhờ chia sẻ, giúp like rồi tìm cách chiếm đoạt tài khoản sử dụng để lừa đảo bạn bè, người thân của chủ tài khoản; tội phạm giả danh cơ quan tư pháp, gọi điện cho các bị hại nói bị hại đang liên quan đến vụ án nào đó hoặc đang có biên lai xử phạt vi phạm hành chính... rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền nộp phạt để chiếm đoạt.
Với sự vào cuộc quyết liệt lực lượng công an các cấp, năm 2022, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện 125 vụ, 120 tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó đã khởi tố 106 vụ, 114 bị can, xử phạt hành chính 6 đối tượng. Điển hình, ngày 11/5/2022, Phòng CSHS, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận tố giác về tội phạm của anh L.N.T. (SN 1997, ở phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) về việc bị người sử dụng tài khoản Facebook “Dien may Anh Tuan” lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 5/4/2022, anh T. đọc được bài đăng của người có tài khoản Facebook “Dien may Anh Tuan” với nội dung “bán máy cày trị giá 35 triệu đồng”. Sau khi thỏa thuận mua bán, với chủ tài khoản trên để mua chiếc máy cày với giá 32 triệu đồng, anh T. đã chuyển 16 triệu đồng đặt cọc vào tài khoản có tên Hoang Anh Tuan. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, chủ tài khoản facebook “Dien may Anh Tuan” tiếp tục điện thoại cho anh T. giới thiệu thêm đầu máy cày, một phay máy cày cần bán với giá 34 triệu đồng.
Do có nhu cầu mua, anh T. đã tin tưởng chuyển khoản tiếp 17 triệu đồng để đặt cọc. Sau khi nhận được tiền cọc, người này lại yêu cầu anh T. chuyển khoản thêm một triệu đồng, nhưng anh T. không đồng ý thì bị chặn mọi liên lạc qua Facebook. Vào cuộc điều tra, PC02 đã làm rõ và bắt giữ đối tượng Vũ Minh Đức (SN 1993, ở TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đầu tháng 7/2022, Công an huyện Như Xuân liên tiếp nhận được nhiều tin báo của quần chúng nhân dân về việc bị các đối tượng không rõ lai lịch trên mạng Internet chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng với số lượng lớn. Điển hình, ngày 12/6/2022, chị T.T.T. ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương khi đi công tác trên địa bàn huyện Như Xuân đã bị lừa chiếm đoạt 340 triệu đồng. Ngày 24/6, chị L.T.Tr. ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, bị chiếm đoạt 22,2 triệu đồng. Ngày 7/7, chị N.T.T.H. ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bị chiếm đoạt 410 triệu đồng.
Vào cuộc điều tra, Công an huyện Như Xuân đã bắt giữ Lê Văn Vỹ (SN 1995), Lý Hoàng Diệu (SN 2000) tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng và Trương Công Hay (SN 1995), Nguyễn Thế Hiển (SN 1993) tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tang vật thu giữ gồm: 13 điện thoại di động, 25 sim thẻ, 5 tài khoản ngân hàng, máy tính xách tay và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Tại cơ quan điều tra, các nghi phạm khai báo, thủ đoạn của chúng là thiết kế giao diện giả mạo của một số ngân hàng, sau đó, họ giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện để liên lạc, tư vấn cho khách hàng, thông báo tài khoản của họ đang gặp sự cố do lỗi, chuyển nhầm tiền, hoặc bị khóa... Để khắc phục sự cố này, họ đã gửi cho chủ tài khoản đường link giả mạo là website ngân hàng và yêu nhập các thông tin tài khoản, mật khẩu, cung cấp mã OTP.
Sau đó, họ đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân của chủ tài khoản rồi chiếm đoạt quyền đăng nhập tài khoản để chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác để chiếm đoạt. Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ năm 2019 đến khi bị bắt, nhóm này đã chiếm đoạt tài sản đối với nhiều chủ tài khoản với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán cho biết thêm: Hoạt động của loại tội phạm này diễn ra trên không gian mạng, nên ít bộc lộ mà hầu hết được phát hiện khi bị hại báo cáo, nghi phạm có thời gian đối phó nên công tác phát hiện tội phạm gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, nghi phạm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và ở nước ngoài nên rất khó khăn trong công tác thu thập, xác minh tài liệu, củng cố chứng cứ. Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự móc nối chặt chẽ, có trình độ khoa học công nghệ, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu các hành vi phạm tội.
Do vậy, người dân cần thường xuyên cập nhật các thông tin về tội phạm đã được cơ quan công an, cơ quan truyền thông đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, trên mạng xã hội… nhất là thủ đoạn hoạt động phạm tội để tự phòng tránh. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa xác thực, đồng thời không chuyển tiền khi chưa kiểm tra, xác minh, chưa biết rõ người nhận là ai. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…