Harry Kane đeo băng đội trưởng của FIFA trong trận ra quân World Cup 2022. Ảnh: Tom Jenkins/The Guardian. |
Đội trưởng của 7 đội tuyển đến từ châu Âu từng cam kết đeo chiếc băng đội trưởng OneLove bằng mọi giá để quảng bá thông điệp "hòa bình, chống phân biệt đối xử" tại World Cup Qatar 2022.
Tuy nhiên, chỉ sau một lời cảnh cáo của cơ quan quản lý thể thao FIFA, những đội bóng này lần lượt từ bỏ OneLove. Chiếc băng đội trưởng với biểu tượng lục sắc không còn cơ hội xuất hiện tại World Cup năm nay.
Trong một tuyên bố hôm 20/11, Liên đoàn bóng đá Anh, xứ Wales cùng với cơ quan quản lý bóng đá Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch và Bỉ xác nhận lời đe dọa trừng phạt từ FIFA khiến mình không còn lựa chọn nào khác. Những đơn vị này nói thêm rằng họ sẵn sàng đối mặt với án phạt tiền vì vi phạm quy định về trang phục thi đấu nhưng không thể để các cầu thủ nhận thẻ vàng hoặc buộc phải rời sân.
Không chỉ quyết định của FIFA, màn "quay xe" nhanh chóng của 7 đội bóng khiến cổ động viên, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, thất vọng và tổn thương. Dù vốn không đánh giá cao thông điệp hời hợt ngay từ đầu của OneLove, nhiều người cho rằng các liên đoàn cần hành động quyết liệt hơn, thay vì dễ dàng bỏ cuộc chỉ sau một lời cảnh cáo.
Thông điệp không rõ ràng
Chiến dịch OneLove bắt đầu ở Hà Lan, được chính thức công bố hồi tháng 9. Vào thời điểm đó, Anh cùng 9 quốc gia khác trong khu vực đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch này với mục tiêu thúc đẩy sự hòa nhập và đa dạng.
Biểu tượng của OneLove là một hình trái tim có 6 màu sắc và số 1 ở chính giữa. Biểu tượng gợi nhớ cờ lục sắc của cộng đồng LGBTQ+, nhưng màu sắc của cả hai không hoàn toàn giống nhau.
Theo các đội bóng ủng hộ OneLove, chiến dịch có mục đích chính là "thúc đẩy hòa nhập và gửi thông điệp chống lại sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào".
Biểu tượng OneLove trên băng đội trưởng của các đội bóng. Ảnh: Reuters |
Jonathan Liew, cây bút thể thao của The Guardian, cho rằng đó là một thông điệp hết sức mơ hồ. "Nó mơ hồ đến mức không thể nghĩ ra một lập luận thuyết phục nào chống lại nó. Bạn không thể phản đối chiếc băng đội trưởng OneLove vì nó không thực sự tồn tại với một thông điệp rõ ràng", Liew viết.
Còn trong một bài viết trên GQ Magazine, nhà văn Florence Lloyd-Hughes nhận định OneLove không phải là một chiến dịch đột phá. Bản thân việc đeo băng đội trưởng với biểu tượng OneLove cũng không phải là một hành động thách thức.
"Trên thực tế, chiến dịch đã bị phần lớn cộng đồng LGBTQ+, bao gồm cả tôi, chế giễu khi được công bố lần đầu tiên. Cuối tuần qua, trước trận mở màn gặp Iran, Anh và các đội bóng khác tham gia chiến dịch đã có cơ hội biến OneLove trở nên thực sự mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn. Nhưng tất cả đã không thể".
Sự xúc phạm
Qatar là một trong 69 quốc gia coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp và việc thúc đẩy các mối quan hệ đồng giới bị hình sự hóa.
Kể từ khi Qatar được trao quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, không có sự đảm bảo cụ thể nào từ nước chủ nhà và ban tổ chức rằng người hâm mộ LGBTQ+ sẽ an toàn khi tham dự sự kiện này.
Câu nói cửa miệng của FIFA luôn là "mọi người đều được chào đón". Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại. Một nhà báo người Mỹ chia sẻ trên Twitter rằng anh đã bị ngăn không cho vào sân xem trận đấu Mỹ - xứ Wales vì mặc áo phông cầu vồng.
Khi FIFA tuyên bố sẽ xử phạt các đội đeo băng đội trưởng OneLove, nhiều người nghĩ rằng các liên đoàn và đội bóng quốc gia có thể mạo hiểm nhận thẻ vàng và tham gia vào một hành động đáp trả nào đó. Một số người thậm chí hy vọng các cầu thủ chuyền tấm băng đội trưởng để chia thẻ vàng, nếu sợ án treo giò hoặc bị đuổi khỏi sân.
Chiếc băng tay OneLove không có cơ hội xuất hiện tại World Cup 2022. Ảnh: Alex Livesey/UEFA. |
Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và các tổ chức khác đã có cơ hội sát cánh cùng cộng đồng LGBTQ+ để gửi thông điệp rằng môn thể thao vua và một số vận động viên nổi tiếng nhất thế giới sẽ không im lặng trong cuộc chiến chống phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, dưới áp lực về thành tích của giải đấu, mọi đội bóng đều "quay xe" để thuận theo ý muốn của FIFA.
Nhà văn Florence Lloyd-Hughes viết: "Vào thời điểm mà những người LGBTQ+ đang tìm kiếm sự hỗ trợ, sự chấp nhận và phẩm giá, việc FIFA coi một tuyên bố mơ hồ là vấn đề cần giải quyết và các liên đoàn bóng đá lần lượt ủng hộ quan điểm này không chỉ gây thất vọng, mà còn là sự đau lòng và xúc phạm".
Lloyd-Hughes dẫn chứng thêm về vụ việc tại Euro 2020. Khi đó, UEFA, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu, cấm Đức thắp sáng sân vận động của mình bằng màu cầu vồng trong trận gặp Hungary, quốc gia đã ban hành luật chống LGBTQ+, cấm mọi người truy cập nội dung "cổ xúy đồng tính luyến ái".
"FIFA từ lâu đã luôn nói với chúng ta rằng bóng đá có sức mạnh thay đổi thế giới, nhưng World Cup Qatar và nhiều giải đấu khác chỉ cho thấy điều ngược lại", Lloyd-Hughes nhận định.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.