Chiến thắng Bạch Đằng và những năm Tuất nổi tiếng trong lịch sử
Thứ bảy, 17/2/2018 06:30 (GMT+7)
06:30 17/2/2018
Khởi nghĩa Lý Bí, chiến thắng Bạch Đằng, Lê Lợi dựng cờ chống quân Minh ở Lam Sơn là những sự kiện gắn liền năm Tuất trong lịch sử nước ta.
Nhâm Tuất (542): Căm phẫn trước ách áp bức, bóc lột của nhà Lương, trực tiếp là viên thứ sử Tiêu Tư độc ác, tàn bạo, Lý Bí chiêu binh mãi mã, dựng cờ khởi nghĩa.
Sau một thời gian chuẩn bị, mùa xuân năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí tiến quân chiếm thành Long Biên làm căn cứ. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi, quân Lương bỏ chạy tán loạn. Hai năm sau, ông thành lập nước Vạn Xuân, xưng là Lý Nam Đế. Cuộc khởi nghĩa Lý Bí thắng lợi mở đầu cho thời kỳ độc lập kéo dài hơn 60 năm của dân tộc ta trong thời Bắc thuộc.
Mậu Tuất (938): Biết tin vua Nam Hán là Lưu Nghiễm phái con trai Lưu Hoằng Tháo kéo 200.000 quân sang xâm lược nước ta bằng đường biển, Ngô Quyền cùng các bộ tướng của mình dùng cọc gỗ bịt sắt nhọn đóng dưới sông Bạch Đằng. Một trận chiến ác liệt đã diễn ra, Ngô Vương đánh tan đội quân xâm lược, Hoằng Tháo bị giết tại trận. Chiến thắng Bạch Đằng đã chấm dứt hơn 1.000 năm đất nước bị đô hộ.
Canh Tuất (1010): Sau khi được các đại thần suy tôn làm vua năm 1009, một năm sau, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) có quyết định lịch sử: Dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay). “Thăng Long với thế rồng cuộn hổ ngồi” mở đầu cho thời kỳ thịnh trị mới trong lịch sử dân tộc. Thăng Long trở thành kinh đô của Đại Việt dưới thời các triều đại phong kiến như Lý, Trần, Hậu Lê, kéo dài từ năm 1010 đến năm 1789.
Canh Tuất (1070): Năm Thần Vũ thứ hai (1070), vua Lý Thánh Tông quyết định lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công cùng tứ phối là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư và Mạnh Tử, vẽ hình 72 người hiền, bốn mùa cúng tế. Ngoài chức năng thờ tự các bậc túc nho, Văn Miếu - Quốc Tử Giám về sau cũng được xem là trường đại học đầu tiên của nước ta, với người học trò đầu tiên là thái tử Lý Càn Đức (Lý Nhân Tông). Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là sự khởi đầu cho nền giáo dục và khoa bảng kéo dài hàng thế kỷ sau đó của Đại Việt.
Bính Tuất (1406): Giặc Minh lấy cớ đưa Trần Thiểm Bình về nước làm lại vua nhà Trần, hòng chiếm nước ta, nhưng bị quân nhà Hồ đánh tan. Vua Minh Thành Tổ sau đó mang 200.000 quân sang xâm lược nước ta. Vì không được lòng dân, cha con vua Hồ Quý Ly nhanh chóng thất bại. Nước ta lại bị đô hộ suốt 20 năm, dưới sự cai trị của những tên thái thú nhà Minh như Trương Phụ, Mộc Thạnh.
Mậu Tuất (1418): Sau khi hoàn thành xâm lược nước ta, giặc Minh “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống hầm tai họa”. Căm thù đội quân cướp nước, năm Mậu Tuất (1418), Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”, cuối cùng, Lê Thái Tổ hoàn thành sứ mệnh đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Nhà Lê được thành lập, mở ra thời kỳ độc lập mới của lịch sử dân tộc.
Nhâm Tuất (1442):
Tháng 9/1442, vua Lê Thái Tông trong chuyến đi duyệt binh ở vùng Chí Linh, Hải Dương đã ghé vào nơi ở của Nguyễn Trãi nghỉ ngơi. Vua đột ngột qua đời. Chớp lấy cơ hội, bọn gian thần trong triều đã vu cho vợ chồng Nguyễn Trãi giết vua, cả nhà ông bị tru di tam tộc. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu minh oan cho gia đình Nguyễn Trãi.
Nhâm Tuất (1862): Ngày 5/6/1862, triều đình nhà Nguyễn đứng đầu là vua Tự Đức, ký bản hoàn ước Nhâm Tuất với thực dân Pháp, dâng ba tỉnh miền Nam (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa). Khi ký vào bản hòa ước này, nhà Nguyễn hy vọng thực dân Pháp sẽ không xâm chiếm thêm những vùng đất khác của nước ta. Nhưng sau khi nuốt trọn 3 tỉnh miền Đông, quân Pháp tiếp tục nổ súng xâm lược những vùng đất khác của Đại Nam.
Giáp Tuất 1874: Ký vào bản hiệp ước Nhâm Tuất (1862), dâng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho thực dân Pháp, nhà Nguyễn không có cách gì xoay chuyển được tình hình. 12 năm sau, họ buộc phải ký tiếp vào bản hiệp ước Giáp Tuất (1874), tiếp tục giao nộp các tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho thực dân Pháp.
Bính Tuất (1946): Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngay từ đầu năm Bính Tuất 1946, lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta tiến hành tổng tuyển cử. Nhân dân ta được đi bỏ phiếu bầu những người đại diện cho mình. Cũng trong năm này, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội đã chính thức lấy Hà Nội là thủ đô, ban hành bản hiến pháp mới.