Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chiêu cạnh tranh mới của các hãng ôtô tại VN

Những mẫu xe ra mắt gần đây như Honda CR-V hay Toyota Corolla Cross đều được trang bị các gói an toàn nâng cao, với nhiều tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến.

cac hang xe canh tranh bang cong nghe an toan anh 1

Bên cạnh các thông số kỹ thuật tiêu biểu như hiệu suất động cơ, hệ dẫn động hay trang bị tiện nghi, thời gian gần đây, gói an toàn là một trong những option được nhiều hãng xe nhắc tới khi ra mắt sản phẩm mới.

Đơn cử có Honda CR-V 2020 với gói an toàn Honda Sensing. Là trang bị tiêu chuẩn trên mọi phiên bản CR-V, Honda Sensing được hãng xe Nhật Bản nhắc tới nhiều trong buổi lễ giới thiệu sản phẩm, cũng như các phương tiện truyền thông, quảng cáo.

cac hang xe canh tranh bang cong nghe an toan anh 2

Honda Sensing là một trong những điểm nhấn lớn của Honda CR-V 2020 bán tại Việt Nam.

Tiếp sau, Toyota Corolla Cross ra mắt ngày 5/8 vừa qua cũng là dòng xe Toyota đầu tiên tại Việt Nam đi kèm gói an toàn Toyota Safety Sense 2.0. Bên cạnh đó, những mẫu xe được nâng cấp hoặc trình làng gần đây như Suzuki Ertiga Sport, Mitsubishi Xpander hay Xpander Cross, dù không có gói an toàn đa chức năng nào, cũng được bổ sung một số hệ thống an toàn cơ bản và cao cấp hơn.

Có thể thấy, công nghệ an toàn đang trở thành xu hướng mới trên nhiều mẫu xe phổ thông đã và sắp xuất hiện trên thị trường, như một phần trong cuộc đua trang bị nhằm thu hút người dùng Việt của các nhà sản xuất.

Mới mà không mới

Trên thực tế, Honda Sensing, Toyota Safety Sense và một số gói an toàn khác như Subaru EyeSight, Mazda i-Activsense hay Nissan ProPilot từ lâu đã được các hãng trang bị cho nhiều dòng xe trên toàn cầu, trước khi đưa về Việt Nam.

Tại không ít quốc gia, các mẫu xe buộc phải trang bị một số tính năng an toàn chủ động để được phép lưu hành. Ngoài ra, ở những nước có điều kiện kinh tế và hạ tầng giao thông phát triển, nhận thức và nhu cầu của người dùng về tiêu chuẩn an toàn trên xe ôtô cũng cao hơn. Do vậy, các hãng xe luôn phải chủ động nắm bắt và đáp ứng kịp thời.

cac hang xe canh tranh bang cong nghe an toan anh 3

Dù sớm được trang bị nhiều công nghệ an toàn hiện đại, Ford Focus không mấy thành công tại thị trường Việt Nam.

Toyota Safety Sense lần đầu ra mắt năm 2015 và đã bước sang thế hệ 2.0. Trong khi đó, Honda Sensing cũng được giới thiệu cùng năm.

Tại Việt Nam, những tính năng an toàn chủ động cũng đã xuất hiện từ cách đây nhiều năm. Tiêu biểu có Ford Focus 2015, với các hệ thống hỗ trợ đỗ xe và lái xe ra khỏi chỗ đỗ tự động, phanh chủ động trong thành phố hay dự đoán và chủ động ngăn xe mất kiểm soát. Tuy nhiên, thiết kế không hợp mắt người dùng và nội thất kém rộng rãi khiến Focus không được ưa chuộng.

cac hang xe canh tranh bang cong nghe an toan anh 4

Dù chỉ vừa xuất hiện tại Việt Nam trên Toyota Corolla Cross, gói an toàn Toyota Safety Sense đã ra mắt từ năm 2015.

Về cơ bản, các gói an toàn kể trên sử dụng hệ thống các camera, cảm biến và radar (hoặc LIDAR) đặt trên xe, có khả năng theo dõi, phân tích tình huống vận hành thực tế của xe và các phương tiện, người tham gia giao thông xung quanh. Từ đó, hỗ trợ người lái trong các thao tác như tăng/giảm tốc độ, phanh, đánh lái hay duy trì tốc độ/khoảng cách với xe phía trước.

Tùy theo từng hãng xe, các gói an toàn sẽ khác nhau về một số tính năng. Tuy nhiên, chúng thường có chung những hệ thống hỗ trợ liên quan đến ga tự động, cảnh báo va chạm hay giữ làn đường. Trong đó, nhiều tính năng là bản nâng cấp hiện đại hơn của các option vốn đã được trang bị trên nhiều mẫu xe bán tại Việt Nam.

Lấy ví dụ, Cruise Control, tính năng kiểm soát hành trình hay ga tự động thường được sử dụng trên đường cao tốc, khi có thêm các camera và radar hỗ trợ, sẽ tự động thay đổi tốc độ theo xe phía trước. Từ đó, chúng ta có tính năng kiểm soát hành trình tự động thích ứng (Adaptive Cruise Control).

Hiện đại hơn nữa, Cruise Control trên một số mẫu xe còn có thể hoạt động ở cả dải tốc độ thấp, với khả năng tạm thời dừng xe và tiếp tục di chuyển theo phương tiện phía trước.

Tương tự, các tính năng phổ biến khác trong gói an toàn như hỗ trợ giữ làn hay hỗ trợ phanh khẩn cấp cũng được bắt nguồn từ những option cơ bản như cảnh báo lệch làn hay cảnh báo va chạm trước/sau.

Dù không còn xa lạ trên xe cao cấp và xe sang, phải khoảng 2 năm trở lại đây, các thương hiệu phổ thông tại Việt Nam mới đồng loạt giới thiệu những gói trang bị an toàn đa tính năng tới người dùng trong nước như Mazda i-Activesense, Toyota Safety Sense hay Honda Sensing.

Có thực sự hữu dụng?

Trước khi được trang bị trên các sản phẩm thương mại, tất cả tính năng trong gói an toàn đều phải trải qua quá trình thử nghiệm kỹ càng, thậm chí kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng sẽ phù hợp với mọi thị trường và mọi người dùng. Đặc biệt tại những quốc gia như Việt Nam, nơi có hạ tầng giao thông đang phát triển.

Đơn cử, ngay tại buổi ra mắt CR-V 2020, Honda Việt Nam cũng lưu ý rõ rằng gói an toàn Honda Sensing chỉ nhận diện tốt nhất với ôtô và người đi bộ, trong khi ở nước ta, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chiếm số lượng lớn.

Kiểm nghiệm thực tế trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội), trong một số trường hợp vạch kẻ đường bị mờ, tính năng hỗ trợ giữ làn trên CR-V 2020 lập tức không hoạt động.

Trước đó, đầu năm 2020, Mazda cũng từng vướng phải rắc rối với hệ thống phanh tự động SBS trên chiếc Mazda3 và phải triệu hồi 300 xe để sửa lỗi phần mềm.

cac hang xe canh tranh bang cong nghe an toan anh 5

Mazda từng gặp phải vấn đề với hệ thống phanh tự động tại Việt Nam.

"Hai yếu tố mang tính quyết định đối với việc trình làng công nghệ an toàn mới nằm ở hạ tầng giao thông và chi phí", chuyên gia ôtô Hoàng Linh trả lời Zing.

Chuyên gia Hoàng Linh: "Tại đô thị Việt Nam, một số hệ thống như phanh khẩn cấp tự động nếu không được tùy biến phù hợp, có thể trở thành sự hành xác".

Nói về tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, ông Linh cho biết ngày nay, hầu hết tính năng tự động trên ô tô đều vận hành, liên kết thông qua cơ chế chia sẻ dữ liệu. Lấy ví dụ là tính năng báo hiệu biển giao thông.

Trước kia, khi camera nhìn thấy biển báo tốc độ, máy tính sẽ “đọc hiểu” thông tin rồi phát cảnh báo bằng đèn hoặc số trên màn hình. Tuy nhiên, giờ đây máy tính sẽ chuyển lệnh tới các hệ thống khác trên xe, và phanh sẽ hãm tốc độ, kiểm soát hành trình sẽ duy trì tốc độ dưới ngưỡng giới hạn. Dù ở tình huống nào, chỉ cần camera không hiểu chiếc biển, gần như toàn bộ hệ thống sẽ không thể hoạt động.

Để một hệ thống như vậy hoạt động trơn tru, đương nhiên hạ tầng giao thông cũng phải “chuẩn”. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng về giao thông, khiến một hệ thống an toàn chủ động ở nước này có thể rất hiệu quả, nhưng lại vô dụng ở nước khác.

"Tại đô thị Việt Nam, một số hệ thống như phanh khẩn cấp tự động nếu không được tùy biến phù hợp, có thể trở thành sự “hành xác”, trong khi kiểm soát hành trình gần như vô tích sự trừ khi bạn đi xe lên cao tốc", ông Linh nhận định.

Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn, phần lớn người dùng Việt chưa hiểu đúng, hiểu đủ và có thói quen sử dụng các tính năng an toàn chủ động trên xe. Song song đó, các hãng cũng thường lược bỏ một số tính năng không hiệu quả hoặc không được khách hàng quan tâm, nhằm giảm chi phí và giá bán sản phẩm.

"Để các gói an toàn thực sự hữu dụng và dần trở thành một trong những tiêu chí quan trọng khi chọn mua xe, nhận thức và hiểu biết của người dùng cần được nâng cao" - chuyên gia Nguyễn Sơn.

Những hệ thống an toàn như cảm biến va chạm trước/sau, nếu không biết cách điều chỉnh tầm xa/gần của cự ly cảnh báo, người dùng sẽ cảm thấy khó chịu vì tiếng kêu liên tục phát ra khi xe di chuyển trong giờ cao điểm, bởi thường xuyên có xe máy hay xe đạp luồn lách, tạt đầu. Từ đó dẫn đến những trải nghiệm và ấn tượng xấu về các tính năng an toàn trên xe.

Không đơn thuần mang mục đích tiếp thị

Theo chuyên gia Hoàng Linh, dù chưa đạt hiệu quả tuyệt đối, những gói an toàn vẫn hỗ trợ đắc lực cho người dùng trong thực tế. Vì vậy, khó có thể nhìn nhận đây đơn thuần là chiêu bài tiếp thị của các hãng xe.

Vài năm qua, kinh tế phát triển giúp Việt Nam có điều kiện cải thiện mạnh mẽ các tuyến đường liên tỉnh. Trong khi đó, đường sá nội thành cũng đã tốt hơn rất nhiều, đặc biệt ở những khu đô thị mới. Điều này giúp các gói an toàn chủ động có đất “dụng võ”.

Ông Linh đánh giá đây là thời điểm phù hợp cho các hãng đưa những gói trang bị an toàn về Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian và công sức để thuyết phục người dùng về hiệu quả an toàn mang lại.

Thêm vào đó, các gói an toàn hiện nay cũng chính là những nền tảng về lâu dài cho các hệ thống tự hành cao cấp hơn. Khi người dùng quen với những ích lợi mà các công nghệ an toàn mới đem lại, họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư.

"Nếu có yếu tố tiếp thị phản cảm nào đó ở đây, chỉ là việc một số hãng thuần túy đặt những cái tên mỹ miều cho các giải pháp không có gì mới lạ, qua đó câu khách hoặc đôn giá lên chút ít", ông Linh cho biết.

Vỹ Phong

Bạn có thể quan tâm