Ngày 20/12, Công an TP.HCM cung cấp thông tin về kết quả điều tra ban đầu vụ án Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Giả mạo trong công tác tại 9 Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.
Danh sách các trung tâm sai phạm gồm: 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-02D (tỉnh Tiền Giang) do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (thành phố Thủ Đức) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-07V (quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm là giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm Giám đốc.
Phanh không đạt tiêu chuẩn vẫn được cấp giấy đăng kiểm
Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho biết, từ sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP.HCM, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác lập hai chuyên án để điều tra về sai phạm của hàng loạt Trung tâm Đăng kiểm tại TP.HCM và các tỉnh thành.
Theo thiếu tá Hưng, các trung tâm đăng kiểm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Theo quy định, tại mỗi dây chuyền bắt buộc phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có một đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, để đối phó, các trung tâm đã sử dụng các nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên, mặc quần áo đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới.
Ba nhân viên này có nhiệm vụ mặc đồ đăng kiểm viên đi dạo quanh các camera do Cục Đăng kiểm giám sát. Do đó, hình ảnh ghi nhận được thì lúc nào cũng có 3 đăng kiểm viên. Ngoài ra, các bị can đã giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để cấp ra giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ.
Với những xe không đủ điều kiện đăng kiểm, xe không đủ điều kiện về độ khói, khí thải, nhóm này sử dụng giấy trắng để che một mắt thiết bị nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn.
Với những xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh, cơi nới thùng xe, họ vẫn có thủ thuật để hoàn thành việc đăng kiểm.
Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, thông tin thủ đoạn của các trung tâm đăng kiểm. Ảnh: Lê Trai. |
Thượng tá Trần Kim Lý, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, cho biết các đơn vị của Công an TP.HCM đã bắt giữ thêm 10 người thuộc 2 Trung tâm Đăng kiểm là 50-10D và 50-07V.
Ngoài ra, cơ quan điều tra đã khám xét, triệu tập làm việc với 20 người có liên quan sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm 50-17D. Đáng nói, sai phạm tại trung tâm này có liên quan đến một Trung tâm tâm sát hạch lái xe trên địa bàn huyện Nhà Bè vì đã đưa vào sử dụng 120 phương tiện giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào hoạt động dạy lái xe.
Việc đưa các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật vào hoạt động dạy lái xe có thể gây nguy hiểm rất lớn cho hoạt động dạy, học lái xe. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng học viên được cấp bằng, có tính chất nguy hiểm cho xã hội. Cơ quan điều tra đang làm rõ việc việc móc nối giữa Trung tâm Đăng kiểm và Trung tâm tâm sát hạch lái xe để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Nhiều xe không đủ điều kiện vân được cấp giấy đăng kiểm. Ảnh: Công an cung cấp. |
Ngoài 4 hành vi đã khởi tố là Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Hối lộ, Giả mạo trong công tác, cảnh sát còn đang làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng
Theo Công an TP.HCM, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm (gồm phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng...) trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện và do “cò mồi” đưa đến nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại các trung tâm đăng kiểm do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Công an TP.HCM phát hiện nhóm hành vi giả mạo trong công tác với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định và chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Qua đó, trung tâm này đã cấp khoảng 52.000 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các ôtô đến đăng kiểm trái với quy định thu lợi ước tính trên 10 tỷ đồng.
Cảnh sát thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án. Ảnh: Công an cung cấp. |
Công an TP.HCM khẳng định hành vi của các bị can trong các vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giám sát số lượng, chất lượng phương tiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng; gây thiệt hại cho tài sản của người dân, gây dư luận xấu cho xã hội; nguy cơ gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước.
“Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an TP.HCM trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2023; qua đó, đã kịp thời đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ 23 tội phạm với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự nhiều địa phương, có tác dụng ngăn chặn việc các phương tiện cơ giới không đủ điều kiện lưu thông trên đường, gây mất trật tự an toàn giao thông”, lãnh đạo Công an TP.HCM nói.