Phan Thị Hòa (SN 1986) quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An, thường trú tại thị trấn Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Nhờ khả năng ăn nói, nên dù mới học hết lớp 12 và chỉ buôn bán nhỏ, nhưng Hòa có mối quan hệ khá rộng. Cũng vì tin tưởng Hòa, nên nhiều người thân, bạn bè đã sập bẫy của “nữ quái”.
Góp vốn buôn nông sản “ảo”
Năm 2021, Phan Thị Hòa tham gia đầu tư ngoại hối thông qua một sàn giao dịch trên mạng Internet. Do thiếu kiến thức và kinh nghiệm, Hòa càng đầu tư càng thua lỗ. Để có tiền làm nhiệm vụ mới và rút được tiền đã nộp của đơn hàng cũ, Hòa đã dựng lên màn kịch lừa đảo bằng hình thức kêu gọi góp vốn đầu tư buôn bán nông sản.
Người phụ nữ này “bắn tin” với bạn bè quê huyện Yên Thành về việc mình đang buôn bán nông sản, thị trường rộng lớn, xuất hàng đi nước ngoài. Do mở rộng thị trường, cần nhiều vốn nên kêu gọi bạn bè đầu tư. Hòa đưa ra mức lợi nhuận 10-12% cùng cam kết cho phép rút vốn linh hoạt, trả lãi khi có nhu cầu.
Bị cáo Phan Thị Hòa tại tòa. |
Để bị hại tin tưởng, Hòa lập thêm nhiều tài khoản Facebook, dựng lên màn kịch khách hàng và Hòa trao đổi mua bán hàng chục tấn nông sản rồi chụp màn hình các giao dịch “ảo” này gửi cho các “nhà đầu tư”. Khi nhận được tiền “đầu tư”, Hòa tiếp tục đầu tư ngoại hối và trích 1 khoản để trả lãi cho các bị hại.
Thông thường, sau 1 tháng kể từ khi góp vốn, Hòa sẽ trả lãi tiền vốn và lợi nhuận cho các bị hại. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân chỉ lấy lợi nhuận, dùng tiền gốc tái đầu tư. Sau đó, Hòa liên tục thông tin về các đơn hàng mới, số lượng hàng nhiều, tần suất đơn hàng dày hơn, giá trị đơn hàng nhiều hơn, do đó lợi nhuận cũng cao hơn để kêu gọi nạn nhân đầu tư thêm tiền.
Đến tháng 3/2022, sau khi đã chiếm đoạt của 6 bị hại tổng số tiền 7,7 tỷ đồng để đầu tư ngoại hối nhưng vẫn thua lỗ, mất khả năng chi trả, Hòa nói khách hàng nhận tiền nhưng không liên lạc được nhằm thoái thác việc thanh toán cho các nhà đầu tư. Các bị hại tìm đến Hòa đòi nợ nhưng không được. Sau đó, Hòa biến mất khỏi địa phương.
Ngày 20/3/2023, Phan Thị Hòa đến Công an Nghệ An đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong số 6 nạn nhân, người bị Hòa chiếm đoạt nhiều nhất là chị Trịnh Thị P. (trú huyện Yên Thành) gần 2,6 tỷ đồng, người ít nhất là là chị Nguyễn Thị H. (trú TP Vinh) gần 80 triệu đồng.
Trả giá
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Phan Thị Hòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa diễn ra, nữ bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Hòa khai nhận do thua lỗ khi đầu tư ngoại hối vướng vào nợ nần, không có khả năng chi trả nên đã nghĩ ra cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng các mối quan hệ anh em, bạn bè thân thiết, Hòa đã chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Bị cáo cũng thành khẩn gửi lời xin lỗi đến các bị hại.
Tham dự phiên tòa với tư cách là bị hại, anh T. bức xúc: “Số tiền là mồ hôi nước mắt của vợ chồng tôi, thậm chí vay mượn của người thân để cho Hòa vay. Giờ chúng tôi yêu cầu bị cáo Hòa phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt”.
Là bị hại mất số tiền nhiều nhất, chị Trịnh Thị P. buồn bã cho biết thông qua các mối quan hệ bạn bè học cấp 3, Hòa có rủ chị P. góp vốn đầu tư buôn bán nông sản. Ban đầu, chị không đồng ý vì chưa có tiền. Cuối năm 2021, Hòa nói dối đang sỉ các mặt hàng nông sản như măng, nấm, đông trùng hạ thảo… cho nhiều khách trên cả nước. Để tạo niềm tin, Hòa gửi hình ảnh phơi măng cho bạn đồng thời hứa hẹn sẽ trả lợi nhuận 12-13%/tháng và cam kết đảm bảo vốn.
Phan Thị Hòa bị tuyên phạt 19 năm tù. |
Sau đó, chị P. đã nhiều lần chuyển tiền góp vốn hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền thì Hòa không thực hiện như cam kết. Để chị P. tin tưởng tiếp tục góp vốn, Hòa đã lấy tiền của bị hại khác trả lại một phần vốn và lợi nhuận cho chị P. Hiện số tiền Hòa chiếm đoạt của chị P. là gần 2,6 tỷ đồng.
Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên phạt Phan Thị Hòa 19 năm tù. Về phần dân sự, tòa yêu cầu bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.