Lauren, 21 tuổi, nợ nần chồng chất sau một thời gian nghỉ ốm không lương. Cô đã chớp lấy cơ hội khi có người quảng cáo về cơ hội nhận thù lao 500-1.000 USD mỗi tuần nếu làm việc tại nhà với tư cách đại lý giao dịch tiền ảo.
“Vài người bạn chia sẻ công việc này trên mạng xã hội nên tôi tin tưởng nó. Và có vẻ như đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì công việc đến vào thời điểm tôi cần nó”, cô nói.
Vô tình tiếp tay cho tội phạm
Lauren đã liên hệ với nhà tuyển dụng và được yêu cầu cung cấp ảnh chụp hộ chiếu kèm thông tin về địa chỉ, số thẻ ngân hàng.
“Họ bảo rằng họ dùng các thông tin này để xác minh", Lauren kể. Ngoài ra, cô cũng được hướng dẫn mở một tài khoản tiền ảo và 2 tài khoản tiết kiệm của một tổ chức tương hỗ tài chính tên Nationwide.
Lauren bắt đầu nghi ngờ khi 700 bảng được chuyển vào tài khoản Nationwide của cô, và người ta yêu cầu cô chuyển số tiền đó sang một tài khoản tiền ảo mới. “Tôi yêu cầu họ giải thích và họ nói tôi không đặt câu hỏi, đồng thời cảnh báo họ đã có những thông tin nhạy cảm của tôi. Đó là khi tim tôi muốn rụng”, cô kể.
Lauren đã vô tình trở thành “la chuyển tiền”, tức là những người cho phép tài khoản ngân hàng trở thành kênh chuyển trung gian cho các khoản tiền của tội phạm có tổ chức. Theo thống kê, gian lận trực tuyến đã tăng thêm hơn 30% khi đại dịch bắt đầu. Các băng nhóm tội phạm đang ngày càng nhắm tới những thanh niên thiếu tiền có lý lịch sạch..
Số người dưới 30 tuổi bị nghi làm “la chuyển tiền” tăng vọt tới 80% trong năm 2021, theo số liệu của cơ quan phòng chống tội phạm CIFAS. Trong bối cảnh học kỳ của các trường đại học đã bắt đầu, rất có thể bọn tội phạm sẽ nhắm tới sinh viên với những quảng cáo việc làm hấp dẫn trên mạng xã hội.
Im lặng hay thú nhận?
Trong khi các nhóm tội phạm là tổ chức ẩn danh, thường hoạt động ở nước ngoài thì những người chuyển tiền trung gian rất dễ nhận diện. Ngân hàng được yêu cầu chất vấn những khoản thanh toán bất thường và nếu một giao dịch có vẻ đáng ngờ, ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản và báo nhà chức trách. Những khách hàng bị bắt quả tang sử dụng tài khoản của họ một cách vô ý hay cố ý để rửa tiền sẽ được liệt kê vào kho dữ liệu gian lận quốc gia khiến họ không thể mở một tài khoản ngân hàng, vay nợ hay ký hợp đồng sử dụng dịch vụ điện thoại. Họ cũng có thể đối mặt án tù 14 năm.
Nationwide đã phong tỏa tài khoản của Lauren ngay khi 700 bảng được chuyển vào. “Những tên tội phạm dặn tôi không thừa nhận bất kỳ hành vi nào vì tôi sẽ bị bắt. Chúng đổ mọi tội lên đầu tôi nên tôi giả vờ tôi không biết gì về giao dịch khi Nationwide chất vấn tôi. Thật điên rồ. Tôi không biết những người đó, số lượng thành viên trong nhóm của chúng và liệu chúng sống ở địa phương hay không”, Lauren nói.
Sau cuộc chất vấn, Lauren sống trong sợ hãi 6 tuần khi Nationwide điều tra vụ việc. Lauren buộc phải để bạn trai nhận lương giúp cho đến khi cô có thể mở một tài khoản tại ngân hàng khác.
“Đó là tháng tệ nhất trong đời tôi. Chẳng thời khắc nào tôi không nghĩ về nó nhưng tôi không thể kể với ai về sự việc đã xảy ra. Tôi rất xấu hổ và cô độc. Tôi không thể ăn hoặc ngủ. Rất khó để tôi hoạt động bình thường. Tôi biết tôi phải trung thực nhưng tôi không biết thời điểm phù hợp để nói ra sự thật hay liệu bọn tội phạm sẽ tìm tôi nếu tôi nói sự thật hay không”, cô thổ lộ.
Cuối cùng Lauren sụp đổ và thừa nhận hành vi với một nhà điều tra gian lận của Nationwide. “Tôi sốc khi nhận thấy họ đã biết việc xảy ra. Họ chỉ chờ tôi thú nhận. Họ nói với tôi rằng họ xử lý 5-6 trường hợp tương tự mỗi ngày và nếu tôi không thừa nhận mọi thứ, họ sẽ báo cảnh sát”, cô kể.
Không phải mọi “la chuyển tiền” đều sập bẫy bởi khoản thù lao. Mời độc giả đón đọc kỳ 2 về một sinh viên đến từ Hong Kong đã vô tình tiếp tay cho tội phạm khi nhiệt tình giúp một người bạn nhận tiền từ gia đình.