Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu moi tiền người học của công ty bán bằng giả toàn cầu

Sử dụng 370 trang web, thuê diễn viên đóng giả giáo sư, thường xuyên gạ gẫm khách hàng cũ mua thêm giấy chứng nhận, là những độc chiêu mà công ty bán bằng giả áp dụng để kiếm tiền.

 

Một trang web của Axact
Một trang web của Axact tuyên bố những khóa học của họ đã hiện diện tại 126 nước trên thế giới. Ảnh: New York Times.

Nếu thường xuyên tìm những khóa học trực tuyến trên mạng Internet, bạn sẽ lạc vào ma trận của "một đế chế giáo dục" khổng lồ, bao gồm hàng trăm trường đại học và phổ thông trung học trên thế giới. Những trường đó mang tên mỹ miều, trưng dụng vô số giáo sư và xây dựng hàng trăm khu học xá hoành tráng, ấm áp ở Mỹ.

Những trang web của “đế chế giáo dục” thông báo rằng, họ cung cấp những khóa học trực tuyến với hàng chục ngành, từ y tá tới cơ khí. Người xem thấy vô số video về những người đã và đang học tại trường, các giấy chứng nhận chất lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ với chữ ký của Ngoại trưởng John Kerry.

“Chúng tôi là một trong những trường danh tiếng nhất thế giới. Hãy tới Đại học Newford để lọt vào thế giới của những tài năng”, một phụ nữ phát biểu trong video với tư cách trưởng khoa Luật của Đại học Newford.

Song khi kiểm tra kỹ, người ta mới phát hiện ra rằng, mọi thứ trên trang web chỉ là sản phẩm giả mạo. Họ bịa ra các bản tin, trả tiền cho diễn viên để đóng vai giáo sư. Những khu học xá chỉ tồn tại dưới dạng kho ảnh trong các máy tính. Mọi tấm bằng đều không có giá trị, New York Times đưa tin.

Thực hư 'nhà máy sản xuất bằng giả toàn cầu'

Sau phóng sự của New York Times, Pakistan bất ngờ khám xét trụ sở Axact, "nhà máy chế tạo bằng giả" kiếm lợi hàng chục triệu USD thông qua mạng lưới các trường học trực tuyến giả.

Khoản doanh thu vài chục triệu USD từ hàng nghìn người trên khắp thế giới là số liệu thật duy nhất từ “đế chế giáo dục ảo” mà bạn có thể tin. Trên thực tế, đế chế này là một công ty phần mềm bí mật ở Pakistan. Họ dùng tới 370 trang web để lừa những người cả tin khắp thế giới.

Axact, tên của công ty phần mềm, đặt trụ sở tại thành phố cảng Karachi của Pakistan. Họ thuê 2.000 người và tự nhận là “doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm lớn nhất Pakistan”.

Quả thực Axact bán ứng dụng phần mềm, song thông tin từ một số người từng làm việc cho công ty – cộng với hồ sơ doanh nghiệp và kết quả phân tích các trang web của họ - cho thấy, công việc chính của Axact là bán bằng giả và biến nó thành ngành kinh doanh béo bở trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh giáo dục trực tuyến bùng nổ, Axact dùng mọi chiêu trò để những trang web của họ xuất hiện ngay trong trang đầu khi cư dân mạng tìm kiếm thông tin bằng Google, Bing hay các dịch vụ khác. Nỗ lực của họ khiến hàng nghìn người mắc bẫy.

Những người từng làm việc cho Axact kể, tại trụ sở công ty, các nhân viên kinh doanh chia ca để làm việc cả ngày. Đôi khi nhân viên kinh doanh tìm những người muốn sở hữu tấm bằng giả. Nhưng đối tượng chủ yếu của họ là những người muốn học thực sự. Khi nói chuyện với người như thế, nhân viên kinh doanh sẽ cố gắng thuyết phục họ đăng ký khóa học không tồn tại, hoặc bảo đảm với họ rằng, kinh nghiệm làm việc của họ đủ lớn để có thể nhận một tấm bằng.

Để tăng lợi nhuận, nhân viên kinh doanh luôn dùng những chiêu trò tinh vi – chẳng hạn như giả danh quan chức chính phủ Mỹ - để thuyết phục khách hàng mua những chứng chỉ hay giấy chứng nhận với mức giá hàng nghìn USD. Nhân viên kinh doanh cũng thường xuyên hỏi thăm những khách hàng cũ để "chèo kéo" họ mua thêm giấy chứng nhận.

Doanh thu của Axact, theo tính toán của một số người từng làm việc cho công ty và các chuyên gia về gian lận, lên tới vài triệu USD mỗi tháng. Để che mắt nhà chức trách, họ “tuồn” tiền qua mạng lưới công ty ở nước ngoài. “Đế chế giáo dục ảo” của Axact vẫn tồn tại nhờ những lỗ hổng trong luật pháp Pakistan, những chiêu trò pháp lý mang tính hiếu chiến của họ.

“Khách hàng nghĩ đó là trường đại học, song thực tế không phải vậy. Nó chỉ là cỗ máy lừa tiền”, Yasir Jamshaid, một chuyên gia kiểm soát chất lượng từng thôi việc tại Axact vào tháng 10/2014, phát biểu.

Trong một cuộc phỏng vấn tháng 11/2013, Shoaib Ahmed Shaikh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Axact, mô tả công ty của ông là “doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

“Hàng ngày, chúng tôi thực hiện cả nghìn dự án. Danh sách khách hàng của chúng tôi rất dài”, Shaikh tuyên bố.

Hiện tại, Shaikh đang nỗ lực để trở thành tài phiệt truyền thông. Trong khoảng gần hai năm qua, ông xây một trường quay và tuyển mộ những nhà báo danh tiếng cho Bol – tập đoàn truyền hình và báo sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay.

Nguồn tài chính dành cho đế chế truyền thông đầy tham vọng của Shaikh là một câu hỏi lớn ở Pakistan. Axact đã nộp rất nhiều đơn kiện và bản thân Shaikh cũng từng phát ngôn trước công chúng nhiều lần để bác bỏ những cáo buộc về việc quân đội hoặc một tổ chức tội phạm đang tài trợ cho Bol. Các đối thủ của Shaikh thừa hiểu Axact sẽ dùng khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán bằng giả để “bơm” vào Bol. 

“Có lẽ, đây là hoạt động lừa đảo lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục mà chúng tôi từng chứng kiến”, Allen Ezell, đặc vụ FBI đã nghỉ hưu và từng viết cuốn sách về nạn bán bằng giả, cho biết. Bà đang điều tra hoạt động mờ ám của Axact.

Bằng đại học giả, tiền mất tật mang

Theo tin nhắn gửi đến điện thoại, quảng cáo công khai trên trang web, chỉ cần vài triệu đồng là có ngay bằng đại học (ĐH) của bất kỳ trường nào. Nhưng, sử dụng bằng giả có dễ dàng?

Xuyến Chi

Bạn có thể quan tâm