Chiều nay (4/9), TAND Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác giữa 2 cổ đông của Công ty cổ phần đầu tư TDS Việt Nam, gồm bà Trần Kim Phương và bà Lê Thị Bích Dung.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm 28/8. Sau một ngày làm việc, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài để đánh giá các chứng cứ và củng cố hồ sơ.
Trong vụ kiện, bà Phương là nguyên đơn, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Bắc Từ Liêm tuyên vào tháng 11/2019. Còn bị đơn là bà Dung.
Mâu thuẫn tranh chấp cổ phần
Theo bản án sơ thẩm, bà Phương là Chủ tịch HĐQT Công ty TDS, doanh nghiệp thành lập năm 2011. Còn bà Dung là Chủ tịch HĐQT Trường Newton.
Năm 2013, Công ty TDS được UBND Hà Nội cấp 3 lô đất NT, TH1, TH2 trong Khu đô thị mới Nam Cường, quận Bắc Từ Liêm. Các cổ đông thỏa thuận nhóm bà Phương quản lý nhóm TH1 và NT có tổng diện tích gần 15.000 m2. Lô đất còn lại do nhóm bà Dung quản lý rộng 12.500 m2.
Phiên phúc thẩm diễn ra hôm 28/8. Ảnh: N.H. |
Ngày 3/11/2016, Công ty TDS và Trường Newton ký kết hợp tác. Hợp đồng kèm phụ lục thể hiện công ty bà Phương chuyển nhượng cho Trường Newton hơn 4.200 m2 đất thuộc lô TH1 với giá tương đương 23 tỷ đồng. Ðổi lại, bà Dung chuyển nhượng cho bà Phương 40% cổ phần Trường Pascal, tương đương 3,6 tỷ đồng.
Do dự án khó khả thi, đầu năm 2017, hai bên ký lại hợp đồng với nội dung bà Phương chuyển nhượng 13,09% cổ phần trong Công ty TDS cho Trường Newton với giá gần 20 tỷ (tương đương 3.600 m2 đất tại lô TH1). Còn Trường Newton chuyển nhượng 49% cổ phần của Trường Pascal cho TDS.
Sau khi ký kết, hai bên cùng xây dựng tòa nhà khuôn viên Trường Pascal với thỏa thuận mỗi bên chịu 50% chi phí. Tháng 1/2017, bà Phương chuyển đủ số cổ phần đất cho bà Dung.
Theo nội dung khởi kiện của bà Phương, phía bà Dung phải nhượng 49% cổ phần Trường Pascal nhưng đến tháng 7/2017, Chủ tịch trường Newton nói chỉ chuyển 30% cổ phần. Sau đó, 2 bên xảy ra tranh chấp.
Sau khi Trường Pascal được thành lập, hai bên tiếp tục xảy ra tranh chấp. Ngày 20/5/2018, các bên thỏa thuận không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bà Dung phải trả lại đất, còn bà Phương thanh toán 1/2 giá trị tòa nhà, tương đương 66 tỷ đồng.
Thực hiện thỏa thuận trên, bà Dung phải có trách nhiệm xuất hóa đơn giá trị gia tăng số tiền 44 tỷ. Tuy nhiên, bà Dung không thực hiện nên bà Phương đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Trường Newton phải xuất hóa đơn số tiền này và thanh toán số tiền chênh lệch mua thiết bị trường học là 1,7 tỷ đồng.
Bị đơn phản tố
Trong khi đó, bị đơn là phía bà Dung phản tố, kiến nghị HĐXX tuyên vô hiệu các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần liên quan việc ký kết giữa 2 bên.
Tại phiên tòa, bà Dung trình bày do bị phía bà Phương đe dọa nên mới ký một loạt văn bản chuyển nhượng cổ phần Trường Pascal cho bà Phương. Nhưng bà Phương lập luận bản thân không đe dọa, cưỡng ép bà Dung phải ký các văn bản.
Ngoài ra, nguyên đơn cho rằng hợp đồng chuyển nhượng do bà Dung ký đã được Hội đồng cổ đông thông qua nên có hiệu lực pháp luật. Do đó, bà Phương đề nghị tòa chấp nhận các hợp đồng này.
Khuôn viên trường Newton. Ảnh: N.H. |
Còn bà Dung lập luận đất đang tranh chấp là tài sản của Công ty TDS. Có nhiều cổ phần nhất, bà Dung đề nghị xây dựng ngăn riêng biệt Trường Newton và Trường Pascal thành 2 phần.
Trong phán quyết sơ thẩm, TAND quận Bắc Từ Liêm tuyên đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn liên quan số cổ phần 49% và một nửa chi phí thuê cơ sở vật chất của tòa TH1.
Ngoài ra, tòa không chấp nhận yêu cầu của bà Phương trong việc đề nghị phía bà Dung phải xuất hóa đơn GTGT và chi phí liên quan.
Cho rằng phán quyết của tòa sơ thẩm chưa phù hợp, bà Phương kháng cáo toàn bộ bản án. Còn phía bị đơn giữ nguyên các yêu cầu phản tố.